Không gian sống

Một tuyên ngôn về chủ nghĩa Metabolism trong kiến trúc Nhật Bản

Sep 22, 2022 | By Ton Binh

Sau thế chiến thứ II, Nhật Bản nổi lên như là mô hình kiểu mẫu với sự phát triển nhanh chóng của xu hướng đô thị hoá toàn cầu. Metabolism chính là chìa khoá cho sự thay đổi thần kì đó. 

Kisho Kurokawa’s ‘Capsule House K’ © Copyright OMA

Trong dự án “Project Japan: Metabolism Talks… ” (2011), kiến ​​trúc sư Rem Koolhaas và người phụ trách Hans-Ulrich Obrist – cả hai đều là những nhà lý luận văn hóa nổi tiếng thế giới, đã có những phát biểu của họ dựa trên những nghiên cứu sát sao về Metabolism từ năm 1950. Metabolism chính là một nỗ lực để tái hiện và làm mới mối quan hệ giữa con người và môi trường xây dựng bao quanh đồng thời nhấn mạnh việc phát triển giải phẫu trong kiến trúc: thành phố và cấu trúc của nó như những sinh vật sống cần phát triển song song.

 Chuyển hoá luận

‘PROJECT JAPAN’ – Kisho Kurokawa

Từ “Meatabolism” được phiên âm theo từ gốc là “Metaborizumu” (メタボリズム). Trong tiếng Nhật, từ này có nghĩa là trao đổi chất. Nhóm kiến trúc sư Nhật Bản đầy nhạy cảm đã nhìn thấy những tiềm năng thú vị để xây dựng lại thành phố bằng cách tìm ra quy tắc kiến trúc phương Tây đồng thời vẫn giữ gìn văn hoá của chính họ. Vì vậy, họ sử dụng cái tên Metaborizumu hay Metabolism hay chuyển hoá luận dường như biểu thị phép ẩn dụ sinh học tái sinh các toà nhà tại Nhật Bản.

Chủ nghĩa chuyển hóa luận hiện hữu thật nổi bật giữa các phong trào kiến trúc lỗi thời ở thời điểm nó ra đời bởi sự kết nối đầy linh hoạt của nó. Các công trình Metabolism được xây dựng theo mô đun, thường chứa đựng các đơn vị nhỏ, cho phép mở rộng và tái sắp xếp không gian đáp ứng nhu cầu của người ở.

Các thành phố Metabolism

Dự án “Project Japan: Metabolism Talks… ” có lẽ đã làm được một việc đầy táo bạo, đó là đưa ra các tuyên ngôn như: “Ocean City” (Thành phố Đại dương) và “Space City’” (Thành phố Không gian). Nội dung của các tiêu đề này nhằm phản ánh xã hội loài người là “một quá trình quan trọng – một sự phát triển liên tục từ nguyên tử đến tinh vân”. Trong các công trình này, hệ tường và sàn nhà hòa vào với nhau tạo thành một hệ các không gian nhỏ ăn khớp vào nhau, cộng sinh và tương hỗ. Các mạng lưới di động từ đó cứ thế mở rộng vô thời hạn và định hình kiến trúc Nhật Bản. 

Toà nhà Spiral

Nhìn về lịch sử, kiểu kiến trúc này đã xuất hiện không lâu sau một vài dự án ở Châu Âu của Le Corbusier – người được mệnh danh là “kiến trúc sư của mọi thời đại”. Những công trình của Le Corbusier thật sự đã khiêu khích trí tưởng tượng của những người theo chủ nghĩa Metabolism khi hình dung về những kiểu kiến trúc mới. Tuy nhiên, thay vì coi các tòa nhà là vật thể tĩnh ở trong cấu trúc cụ thể của chúng, các kiến trúc sư nhấn mạnh đến các khái niệm về sự phát triển để ứng dụng một cách linh hoạt cho các công trình mang tính tập thể.

Nếu như giáo lý Wabi Sabi ra đời để đối chọi với chủ nghĩa Perfectionism thì dưới thời Metabolism khởi phát, các kiến trúc sư đã trở thành những nguời nghệ sĩ mặc nhiên sáng tạo và tái tạo vô hạn với các công trình, theo đó vượt qua lối kiến trúc truyền thống của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa hiện đại đang thịnh hành lúc bấy giờ. Từ đó, kiến tạo nên bản sắc mới cho kiến trúc Nhật Bản.

Fumihiko Maki và các công trình kiến trúc chuyển hoá luận

Đồ án “Business Town” – tái phát triển quận Shinjuku, Tokyo của Maki và Masato Otaka

Một trong những người sáng lập chuyển hóa luận và cũng là cây đại thụ trong nền kiến trúc Hiện đại Nhật Bản chính là Kiến trúc sư Fumihiko Maki. Trong nhóm, ông là một thành viên “bảo thủ” với những sáng tác mang đầy tính “thách thức”. Maki và Masato Otaka có chung các đồ án “Business Town” và đồ án “Shopping Town” là thành quả cho sự hợp tác của tuy không mang tính thực tế nhưng lại là những tác phẩm mang tính “chuyển hóa” rõ ràng nhất. Những tác phẩm này được in trong cuốn sách đầu tiên về Metabolism được xuất bản năm 1960.

Tòa nhà TEPIA

Nhắc đến những công trình nổi tiếng của Maki không thể không kể đến tòa nhà TEPIA (tên gọi này kết hợp bởi hai chữ Technology và Utopia). Tòa nhà là một mạng lưới ô vuông, với môđun xác định là 1,45 x l,45m bao gồm kim loại và kính. TEPIA dường như được tạo ra bởi vẻ huy hoàng của nghệ thuật tạo hình do nó luôn phát sáng cùng sự tách biệt giữa kết cấu tường và cửa sổ làm tăng hiệu quả thẩm mỹ của chất lượng không gian. Có nhà bình luận đã cho rằng “Chắc chắn TEPIA luôn luôn là công trình kiến trúc tuyệt hảo cho các thế hệ sau này đánh giá”.

Cung thể dục thể thao ở Fujusawa (1984)

Theo tạp chí Kiến trúc, hai công trình thể thao nổi tiếng nhất của Fumihiko Maki là Cung thể dục thể thao ở Fujusawa (1984) và Cung thể dục thể thao Trung tâm ở Tokyo (1990). Cả hai công trình đểu bộc lộ tài nghệ bậc thầy của việc tạo khối và việc dùng vật liệu kim loại cho mái, tạo được những hình ảnh đầy ấn tượng và giàu kịch tính. Maki đã quan tâm đến cả sự cân bằng lẫn tính năng động của tổng thể công trình. Cung thể dục thể thao ở Fujusawa có hình thức phong phú đến nỗi khi quan sát, người ta thấy nó giống như con tàu vũ trụ, hoặc con bọ cánh cứng, hoặc là cái mũ của các kỵ sĩ.

Cung thể dục thể thao Trung tâm ở Tokyo (1990)

Metabolism có lẽ ra đời từ một khoảnh khắc tiên tri mà dự đoán của nó là về tương lai của một đô thị toàn tính liên kết. Ngày nay, những toà nhà chung cư kiểu mô-đun như Kisho Kurokawa’s Nakagin Capsule Tower mọc lên khắp nơi hay sự phát triển của ga Shinjuku chính là minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả tích cực của chuyển hoá luận. Dẫu vậy, tin chắc rằng những thế hệ kiến trúc sư tài năng tiếp theo của Nhật Bản sẽ còn bứt phá và biến mọi kiến trúc tưởng tượng thành có thật – chỉ ngay trước mắt bạn mà thôi!

P. Thanh


 
Back to top