BUSINESS OF LUXURY

Ms. Cúc Phạm: “Công việc của chủ Gallery giống như người đồng hành với nghệ sĩ”

Mar 08, 2023 | By Ton Binh

Sở hữu một gallery cá nhân về nghệ thuật đương đại từ những ngày đầu khi lĩnh vực này còn mới với công chúng Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, CUC Gallery đã có những bước tiến lớn trong quá trình định vị tên tuổi và đưa khái niệm “nghệ thuật đương đại” đến gần hơn với khán giả. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa LUXUO và chị Phạm Phương Cúc về kinh doanh tác phẩm nghệ thuật cũng như hành trình phát triển của CUC Gallery. 

Cúc Phạm – founder CUC Gallery

Nằm trên tầng 47 tòa Keangnam, ít ai biết đằng sau cánh cửa sẽ là một phòng triển lãm về nghệ thuật đương đại. Đó có phải là điều tạo nên sự khác biệt đối với mô hình phòng tranh khác của CUC Gallery? 

Đây cũng là điều tôi muốn chia sẻ về mô hình mà CUC Gallery hướng tới. Chúng tôi muốn tạo ra một trải nghiệm mới cho mọi người khi tới đây. Tại toà Keangnam, không ai có thể hình dung sẽ có một gallery ở tầng 47 và khi bạn bước chân vào đây sẽ là một thế giới khác, hoàn toàn tách biệt với cuộc sống bên ngoài. 

Như bạn có thể thấy, tại CUC Gallery phong cách chủ đạo là những mảng tường white cube với trần cao đem đến cảm giác thô, mộc và khá công nghiệp. Không có quá nhiều tác phẩm được treo tại đây bởi tôi quan niệm, mỗi tác phẩm cần có không gian để “thở” và người xem có thể thưởng thức chúng ở nhiều góc độ, họ có thể nhìn ở khoảng cách gần, xa tuỳ ý. 

Khi hình thành ý tưởng mở phòng triển lãm, tại sao chị lại chọn nghệ thuật đương đại? 

Gallery là một ngành kinh doanh mang tính cá nhân, trên thế giới, hầu hết các chủ phòng tranh đều xây dựng trên quy mô gia đình bởi nó phụ thuộc vào gu thẩm mỹ của từng người. Từ đó, dẫn đến việc lựa chọn phong cách cho gallery. 

Không chỉ vậy, đối với một người trẻ, tôi có sự kết nối mạnh mẽ hơn với các tác phẩm ở thời đương đại so với thời kỳ trước. Vô hình chung khiến việc giới thiệu và truyền tải thông điệp của tác phẩm tới độc giả với tôi trở nên dễ dàng hơn. 

Trước đây, tôi từng là sinh viên ngành Quản trị Y tế và lựa chọn rẽ hướng sang kinh doanh phòng tranh nghệ thuật cũng bởi sự đồng điệu. Nghe có vẻ vô lý nhưng thực chất, hai lĩnh vực này đều giúp “chữa lành” con người, chỉ khác nhau về phương diện giữa một bên là thể xác và một bên là tâm hồn. 

Quay trở lại cách đây 10 năm về trước, khi nghệ thuật đương đại mới manh nha tại thị trường Việt Nam, tại thời điểm ấy, chị đã gặp phải những khó khăn như thế nào trong quá trình hình thành CUC Gallery?

Khi tôi trở về Việt Nam, có một thực tế đáng buồn là nhiều gallery tại thời điểm đó bị đóng cửa, nhất là những gallery về nghệ thuật đương đại ở Hà Nội. Điều này cũng một phần bắt nguồn từ lý do khách quan là tình hình suy thoái kinh tế. Tuy vậy, việc mở gallery lúc ấy lại trở thành cơ hội cho tôi thỏa sức tung hoành, một mình một đất diễn. 

Về thị hiếu khán giả, khi ấy hầu như họ chưa hiểu rõ và coi nghệ thuật là một khái niệm xa vời và chưa phải một phần quan trọng trong cuộc sống của họ. Điều này khiến quá trình tạo lập tên tuổi cho CUC Gallery trở nên khó khăn, tôi đã thử nhiều cách để đem nghệ thuật tới gần hơn với mọi người.

Khoảng 5 năm đầu tôi có setup tại không gian của Bảo tàng Phụ nữ với những hoạt động mang tính đại chúng, cộng đồng nhiều hơn. Trong đó, chúng tôi tổ chức hoạt động, chương trình hướng dẫn cách cảm thụ nghệ thuật cho đối tượng trẻ em từ 5-7 tuổi. Điều này cũng xuất phát từ nhu cầu muốn cho con trẻ được tiếp xúc và hiểu về nghệ thuật nhiều hơn là học để vẽ một tác phẩm, bởi không phải ai cũng có thể trở thành một hoạ sĩ. Hiện tại, những bạn nhỏ theo học năm đó đều đã lớn nhưng tôi vẫn nhận được nhiều câu hỏi về sự quay trở lại của khoá học này sau 5 năm hoạt động. 

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa có kế hoạch tái khởi động, bởi đây là dự án đòi hỏi nhiều thời gian và công sức đầu tư. Cụ thể, cần kết hợp sử dụng công nghệ trong quá trình thực hiện tiết kiệm nhân lực và có chiến lược truyền thông rộng rãi hơn. 

Đồng thời, trong thời gian này, tôi tập trung giới thiệu các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam với khán giả quốc tế. Tôi nghĩ mình cần làm một cuộc cách mạng, mang nghệ sĩ và tác phẩm ra nước ngoài từ đó dội lại tâm lý công chúng rằng tại sao ở nước ngoài họ đón nhận mà Việt Nam vẫn còn chưa cởi mở. 

Mặc dù vậy, đến nay, CUC Gallery tồn tại một phần cũng nhờ sự yêu thương của mọi người mà chúng ta thường hay nói là “hữu xạ tự nhiên hương”. Mọi người tìm tới và biết đến phòng triển lãm nhiều hơn. 

Nếu có thể định nghĩa một cách đơn giản về nghệ thuật đương đại, chị sẽ mô tả nó như thế nào?

Thật ra, định nghĩa về nghệ thuật đương đại còn bị tranh cãi rất nhiều trên thế giới. Nhưng nói một cách đơn giản, nghệ thuật đương đại tức là những sự vật, sự việc đang diễn ra và mang tính lịch sử. Các tác phẩm mang hơi thở cuộc sống nhiều hơn. 

Bạn có thể thấy như tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn Thanh Trúc, anh ấy tạo nên từ các mảng màu là mẩu tin từ các trang báo giấy, ẩn dụ cho những lát cắt cuộc sống. Anh không sử dụng bất kỳ màu sắc hay nét cọ nào và coi đây là một tác phẩm nghệ thuật với sự sáng tạo mới mẻ và không có giới hạn. 

CUC Gallery trưng bày các tác phẩm từ nhiều hoạ sĩ nổi tiếng, tâm huyết với nghệ thuật đương đại. Chị đã kết nối với họ bằng cách nào? 

Điều quan trọng nhất là khi tiếp xúc với nghệ sĩ, tôi phải tạo sự tin tưởng từ họ, làm sao đảm bảo rằng những tác phẩm của họ được giới thiệu một cách nghiêm túc. Bạn có thể hiểu quy luật rằng: Nghệ thuật tự do và đề cao cái tôi cá nhân, khi mình ý thức được điều ấy thì mọi chuyện trở nên đơn giản hơn. 

Không những thế, công việc quản lý một gallery giống như người đồng hành với nghệ sĩ. Bởi hành trình sáng tác của họ khá cô đơn. Tôi trân trọng, thấu hiểu và có cơ hội được ngắm nhìn quá trình họ ‘thai nghén”, hình thành tác phẩm khi chỉ mới là suy nghĩ ban đầu. Đó mới chính là cái hay của công việc này. 

Trong hai năm bị ảnh hưởng của đại dịch bởi đại dịch Covid – 19, chị đã duy trì CUC Gallery như thế nào? 

Đây cũng là vấn đề khiến tôi trăn trở rất nhiều bởi tính chất công việc của tôi phải đi tham dự các sự kiện quốc tế khá nhiều, trong hai năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tôi đã phải hoãn lại toàn bộ hoạt động. 

Không ai có thể nghĩ rằng giãn cách khiến con người phải ở nhà trong gần một năm trời. Tuy nhiên, nhờ nghệ thuật đã giúp mình giảm bớt sự căng thẳng để duy trì gallery ở mức ổn. 

Chị có đề cập về hoạt động của nhiều dự án cộng đồng trong 5 năm đầu, trong đó có MAM – Art Project, chị có thể chia sẻ chi tiết hơn về dự án này không?

Đây là dự án tôi yêu thích nhất trong 5 năm đầu thành lập CUC Gallery. Tôi nhận thấy trẻ em Việt Nam không có cơ hội và điều kiện tiếp xúc với nghệ thuật từ sớm, nhất là nghệ thuật đương đại. Các con có thể đến bảo tàng hoặc gallery nhưng là dịp do nhà trường tổ chức hoặc có bố, mẹ thực sự yêu thích về lĩnh vực này. Nếu không thì rất hiếm. 

Nhờ dự án giáo dục nghệ thuật này, tôi thấy được nghệ thuật giúp mình hiểu thêm về con trẻ. Có lần, chúng tôi đưa ra bài tập về sáng tạo tác phẩm lấy cảm hứng từ trường phái Mondrian với ba ô màu cơ bản: xanh, đỏ, vàng. Các em được thỏa sức sáng tạo và từ đó chúng tôi nhận thấy được tính cách của các em bộc lộ thông qua quá trình sáng tác nghệ thuật. Có bạn sẽ làm thật tỉ mỉ, có bạn làm rất nhanh hoặc có bạn sẽ nhờ sự giúp đỡ từ cha mẹ. Từ đó, chúng tôi trao đổi lại với bố mẹ các em để giúp họ hiểu được tiềm năng phát triển của con, giúp con được tương tác. 

Tôi quan sát và thấy rằng đa số những người làm quen và biết đến nghệ thuật sớm sẽ có tâm hồn cởi mở và dễ dàng chấp nhận những cái mới lạ. Họ sẽ không ngăn vách tường chia cắt ngay mà cố gắng tiếp nhận, làm quen với nó. Họ cũng linh động trong việc xử lý các tình huống bởi không phải chỉ có một cách duy nhất để dẫn đến thành công. 

Với kinh nghiệm gần 10 năm gắn bó trong lĩnh vực này, theo chị, một người như thế nào thì sẽ có xu hướng yêu thích nghệ thuật đương đại?

Câu hỏi này khá khó với tôi, bởi một trong những lý do khiến tôi yêu thích công việc này là cơ hội được gặp gỡ rất nhiều người với nhiều background khác nhau mà tôi nghĩ mình khó có thể gặp được nếu như làm công việc khác. Họ ở nhiều độ tuổi khác nhau và rất khó nhận định một cách chính xác. 

Một điều tôi khá chắc chắn về lý do khiến mọi người chấp nhận nghệ thuật đương đại bởi họ bắt đầu quen dần với nghệ thuật. Nếu như trước đây, mọi người xem tranh của anh Đỗ Hoàng Tường hay Lý Trần Quỳnh Giang – đa số đều sáng tác những tác phẩm chứa đựng cảm xúc mạnh mẽ, khiến họ có tâm lý dè dặt và khó hiểu, thậm chí ngại ngần khi tiếp cận với tác phẩm.

Nhưng trong vài năm trở lại đây, mọi người không đặt những câu hỏi đại loại như: Sao tác phẩm này khó hiểu thế?, thay vào đó, họ suy nghĩ để tìm lời giải. Đó là sự thay đổi về nhận thức, thói quen và tư duy. 

Tôi cho rằng, điểm chung giữa những ai yêu thích nghệ thuật đương đại có thể chia thành hai phe rõ ràng: một bên là người có nhu cầu và yêu thích nghệ thuật, họ tương đối trẻ hoặc có những người lớn tuổi và theo dõi về nghệ sĩ từ rất lâu. Bên còn lại là những người thành đạt trong cuộc sống, họ có nhu cầu thoả mãn về cảm xúc, yêu thích tác phẩm nghệ thuật vì có sự đồng cảm với tác phẩm. Họ cảm nhận được ý nghĩa gửi gắm thông qua đó có điểm tương đồng với những gì họ trải qua, biết đến trong cuộc đời họ. Đối với tôi, nghệ thuật cũng là sự trải nghiệm. 

Thị trường nghệ thuật tại Việt Nam đã đến lúc cần sôi động trở lại, vậy chị có suy nghĩ như thế nào về sự bùng nổ của NFT? 

Tôi vẫn đang ở tư thế quan sát nhiều hơn, bởi bất kỳ trend nào muốn tồn tại được thì cần rất nhiều yếu tố. Tôi sẽ tìm hiểu và nếu thấy phù hợp thì sẽ dấn thân. 

Để mà nói thì “digital art” (nghệ thuật kỹ thuật số) là một cái rất hay, mặc dù nó không quá mới mẻ trên thế giới nhưng vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam. Khi ứng dụng digital art và NFT là sự kết hợp tất yếu. Đối với nghệ sĩ, nó sẽ phù hợp hơn với nghệ sĩ trẻ quen làm việc trên nền tảng số. Đối với tranh ở dạng thức hoàn chỉnh, bạn có thể lưu trữ nó dưới dạng digital  nhưng bạn không thể NFT với những tác phẩm này (vì nó tồn tại ở thể vật chất). Bạn chỉ nên lưu trữ NFT với những tác phẩm thuần “digital”. 

Khi bạn sáng tác tác phẩm “digital”, yếu tố thẩm mỹ rất quan trọng, bạn xem trên điện thoại, laptop, ipad, tất cả các platform cần phải thể hiện được ý đồ sáng tạo của nghệ sĩ một cách nguyên bản nhất. 

Còn đối với “digital live art”, tôi cũng thực hiện loại hình này khá nhiều khi chụp bức ảnh bằng điện thoại thông minh.Dù chỉ là bức hình chụp tác phẩm màu đỏ, với tấm nền của Android sẽ cho bạn trải nghiệm khác với tấm nền của iOs. 

Đồng thời, tôi chỉ coi “digital art” là một dạng thức sáng tạo. Nghệ sĩ cứ làm tác phẩm theo sở trường của họ, còn lại thì phụ thuộc vào khả năng của mỗi người. Các bạn trẻ, những người quen và chuyên sáng tạo trên “digital art”, điều này là đơn giản. Nhưng còn các anh, chị nghệ sĩ sáng tác tranh, tượng thì lại là câu chuyện khác. 

Cuối cùng thì định hướng tương lai của chị để phát triển CUC Gallery?

Tôi vẫn sẽ làm công việc của mình, cố gắng làm tốt để phát triển nó. Sắp tới, có thể tôi sẽ triển khai một vài dự án hiện chưa thể tiết lộ. Trong đó, cũng sẽ có những dự án về cộng đồng giúp “educate” khán giả tốt hơn. 

Thu Thảo


 
Back to top