BUSINESS OF LUXURY

Trần Hải Đăng – Người mới đầu tư nên mua tác phẩm nghệ thuật mà mình thích!

Jun 06, 2022 | By Ton Binh

Anh Hải Đăng Trần – đại diện của Indochine House Gallery, đã chia sẻ với LUXUO các quan điểm về kinh doanh của một gallery và những quan niệm về nghệ sĩ trẻ, cách thức đầu tư, sưu tập nghệ thuật cho người mới bắt đầu.

Sau một thời gian tạm ngừng hoạt động, anh đã quyết định mở lại Indochine House Gallery?

Trong thời gian dài ngừng hoạt động tôi vẫn sưu tập, vẫn đầu tư vào các tác phẩm. Và cho đến năm trước, vào mùa Covid, tôi nghĩ rằng đó là thời điểm phù hợp để quyết định mở lại Indochine House. Tôi vẫn giữ nguyên cái tên đó, không thay đổi phong cách, chỉ thêm vào một vài định hướng mới để đưa nghệ thuật vào gần gũi với cuộc sống hơn, với slogan là Art for Living. Tôi muốn gallery gợi ý về những không gian sống, nhiều hơn phạm trù chỉ là 1 bức tranh trên 1 chiếc tường không.

Tiêu chí của những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày trong Indochine House là gì?

Tôi nghĩ nếu nói về sưu tập nghệ thuật thì cá nhân mỗi người đều có tiêu chí riêng. Tiêu chí chính nói để nói về các tác phẩm trong Indochine House thì đó phải là các tác phẩm chân chính. Chân chính ở đây là các tác phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có giấy tờ, đến từ một nguồn khả tín, sau đó là chất lượng nghệ thuật. Nhưng nếu nói về chất lượng nghệ thuật thì nó mang tính rất cá nhân!

Tác phẩm của họa sĩ Lê Phổ.

Nhưng đề cập về chất lượng nghệ thuật, tôi nghĩ các tác phẩm cũng vẫn phải được sự công nhận chung về cái đẹp chứ?

Cái gì cũng có tiêu chuẩn chung. Nhưng Indochine House mang theo câu chuyện kinh doanh thì khác với sưu tập cá nhân. Khi làm kinh doanh thì yếu tố về thị trường cũng là một tác động. Vì thế, các tác phẩm tôi sưu tập có chất lượng nghệ thuật khá đa dạng. Ví dụ như tôi thích họa sĩ Lê Phổ ở thời kỳ thứ 2 khi ông sang Pháp vào khoảng sau Thế chiến II. Các tác phẩm của ông đi sâu vào dầu trên lụa, rất sang… Nhưng nhu cầu lớn nhất với các tác phẩm sau năm 1963 là sơn dầu, nó có màu sắc rực rỡ, bền bỉ hơn dầu trên lụa.

Nói riêng về chất lượng nghệ thuật thì tôi ko muốn đi theo quy chuẩn nào hết vì có thể tôi không có xuất phát điểm làm nghiên cứu hay là một người có quan điểm hàn lâm về nghệ thuật, phải đi theo các nguyên tắc về thị giác hay những quy chuẩn chặt chẽ về bố cục. Tôi nghĩ rằng càng xem nhiều thì tự giác quan của mình sẽ phát triển các tiêu chí tiềm ẩn từ bên trong mà nhiều các lý thuyết hay câu chữ chưa chắc đã truyền đạt ra hết. Mình nhìn đẹp nhưng chưa chắc người khác đã thích vì thị giác, trải nghiệm, thẩm mỹ của mỗi người mỗi khác. Nó phụ thuộc vào cách chúng ta lớn lên, phát triển và tiếp xúc với nền văn hóa nào…

Những tác phẩm được trưng bày trong Indochine House tương đối thoáng, cởi mở và không bị quá phụ thuộc vào cái tên gallery?

Theo quan điểm của tôi, nếu chỉ tập trung vào thị trường tranh Đông Dương thì chưa chắc tôi đã mở 1 gallery. Vấn đề của tranh Đông Đương là thị trường rất nhỏ, nguồn cung hữu hạn tuy giá trị của nó bắt đầu tăng cao và đột biến trong thời gian gần đây. Nếu chỉ kinh doanh tranh Đông Dương thì theo tôi anh nên làm một dealer hơn là bỏ chi phí để mở một gallery.

Lúc mở gallery ra sẽ có nhiều mục tiêu khác nữa. Chẳng hạn, Indochine House cũng muốn tìm đến những họa sĩ đương đại với những tác phẩm nghệ thuật chân chính. Sau đó, gallery sẽ làm việc khăng khít với những họa sĩ này để cùng nhau đưa tên tuổi, nhân hiệu của họ lên, tạo ra những buổi trải nghiệm nghệ thuật, triển lãm để mang những tác phẩm này đến với người xem.

Quan niệm của tôi là thời trước đã có những ngôi sao, những đại danh họa… Thì hiện tại, vai trò tối hậu của gallery là tìm thêm những ngôi sao như vậy cho 10 năm hay 20 năm sắp tới.

Tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Bình.

Indochine House có gặp vấn đề khó khăn về giám tuyển hay chọn lọc tác phẩm?

Như tôi đã nói, tiêu chí của tôi là không mua những gì không có nguồn gốc rõ ràng, các tác phẩm phải có giấy tờ, đến từ một nguồn khả tín. Nhưng cũng có vài trường hợp. có một số tác phẩm xuất hiện rất ngẫu nhiên và thuần túy mà tôi tự tin ở một vài khía cạnh nào đó ở mức độ khả tín và biên độ rủi ro nằm ở mức chấp nhận được thì tôi sẽ chấp nhận mức rủi ro đó. Tất nhiên, điều tối quan trọng là khi làm việc với khách hàng thì phải cần đưa ra những thông tin minh bạch nhất, tất cả sự hiểu biết của gallery về tác phẩm còn quyết định là của nhà sưu tập.

Có một tiêu chí nữa trong đầu tư là nhóm các tác phẩm vào để tăng giá trị cho bộ sưu tập. Ví dụ tôi đang xây dựng một bộ tranh lụa của Alix Aymé và một bộ nhỏ các tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng. Tiếp theo là về mặt kinh doanh thì quan trọng nhất vẫn là giá. Ta phải có nhận định riêng vì giá của tác phẩm sẽ đi theo vài tiêu chí cơ bản như chủ đề, giai đoạn, kích thước, nghệ sĩ là ai, thời điểm bức tranh ra đời có phải là thời kỳ thăng hoa nhất của nghệ sĩ không… Nguồn cung-cầu của tác phẩm cũng là một yếu tố quan trọng để định giá.

Như vậy, quan điểm riêng của anh khi muốn bắt đầu sưu tập, đầu tư vào nghệ thuật thì nên bắt đầu từ đâu?

Kể cả là chuyên nghiệp hay không thì người bắt đầu nên coi đây là một sự đầu tư về sở thích, thời gian và tiền bạc. Tôi nghĩ đầu tiên họ cần phải có nền tảng kiến thức nhất định về thị trường nghệ thuật, hoặc một khu vực nghệ thuật mà họ quan tâm, muốn tập trung vào… Họ phải có khái niệm về giá, khảo sát, tìm hiểu giá, gặp những dealer chân chính, phải làm việc với gallery phải tham khảo giá trên sàn đấu giá, phải tự xây dựng được dữ liệu thị trường cho mình. Nắm bắt về thời điểm cũng là một yếu tố quan trọng để định giá.

Nên hãy mua những tác phẩm mà mình thích. Vì trong trường hợp xấu nhất là 5-6 năm sau tác phẩm xuống giá thì nó cũng không phải là sự thua cuộc. Vì đây là tác phẩm mà mình thích!

Không gian Indochine House Hà Nội.

Quan điểm của anh về yếu tố ảnh hưởng của gallery với nhà sưu tập?

Đối với vấn đề cố vấn nghệ thuật, nếu một giám tuyển, hay gallery có sự trung thực, họ sẽ đặt lợi ích của nhà sưu tập lên hàng đầu. Đây phải là một mối quan hệ lâu dài. Chúng tôi đưa ra tư vấn và nhận định nhưng phải hiểu rõ rằng khách hàng đang tự xây dựng bộ sưu tập với dấu ấn của riêng họ chứ không phải họ đang tạo ra bộ sưu tập với dấu ấn của gallery. Hãy chọn và tư vấn cho họ những gì tinh túy nhất để đầu tư và không bị trùng lặp.

Tiêu chí đầu tư cho gallery đầu tiên là tính xác thực, đó phải là các tác phẩm mà cá nhân thích, còn yếu tố về thương mại là phải mua được với mức giá phải chăng thì mình mới có lời. Và câu chuyện đầu tư và nhà sưu tập thì tùy thuộc vào nhà sưu tập đang ở chặng đường nào, giai đoạn nào, mục tiêu đầu tư là gì?

Còn về tài chính, có thể anh vẫn muốn đầu tư vào các nghệ sĩ nổi tiếng nhưng không muốn bỏ quá nhiều tiền vào các tác phẩm lớn, sơn dầu… thì anh có thể đầu tư vào các phác thảo, đó cũng là các tác phẩm chân chính. Hoặc là anh nền đầu tư vào các họa sĩ trẻ luôn.

Vậy anh đánh giá thế nào về các họa sĩ trẻ ở Việt Nam và các tác phẩm của họ? Cả về mặt tích cực và tiêu cực?

Đây là câu hỏi khó. Nhưng để so sánh với các họa sĩ trẻ khác đã thành danh trong khu vực thì nhìn chung tôi thấy có những tác giả trẻ Việt Nam có tài năng nhưng chưa được phổ cập, chưa có nền tảng nào hỗ trợ họ để được ghi nhận tên tuổi ở thị trường quốc tế.

Về mặt kỹ thuật, họ không thua kém ai thậm chí còn hơn những họa sĩ gạo cội. Về mặt trải nghiệm, thì thông tin tham khảo, vật liệu họ được sử dụng để thực hành nghệ thuật cũng phổ biến hơn ngày xưa rất nhiều. Tuy nhiên, đôi khi sự thiếu thốn cũng tạo ra được áp lực, tác động để họa sĩ thời kỳ trước tạo ra các tác phẩm “masterpiece”. Nên sự đầy đủ đôi khi làm khát khao sáng tạo của những họa sĩ trẻ không nhiều bằng tầng lớp cũ. Nhưng nhìn nhận chung thì tôi đánh giá rất cao và có nhiều họa sĩ trẻ đáng lưu tâm để gây dựng tên tuổi.

Về mặt không tích cực thì thực ra cũng không phải lỗi của họa sĩ. Câu chuyện mà nhiều gallery gặp phải là không phải họa sĩ nào cũng muốn làm việc sát, chỉ với 1 gallery ruột để cùng nhau đi một chặng đường dài. Đôi khi do nhu cầu cá nhân hay một lý do gì đó, họ sẽ đi con đường ngắn hạn hơn chẳng hạn như ở gallery bán một giá nhưng ở nơi khác lại bán một mức giá khác. Đây là điều có hại với thị trường. Nếu anh làm việc với quá nhiều gallery thì anh sẽ rất khó định vị thương hiệu của mình và nguồn cung càng nhiều thì giá tác phẩm cũng không có sự phát triển bền vững.

Xin cảm ơn anh về những chia sẻ với LUXUO!

Tiệp Nguyễn


 
Back to top