BUSINESS OF LUXURY

Vì sao đắt (Kỳ 2): Nghệ nhân Việt rút tơ “vàng” từ sen

Aug 04, 2022 | By Ton Binh

Không óng ả, sang trọng như lụa tơ tằm, tơ sen mang dáng vẻ quý phái, mộc mạc đem lại nguồn sinh khí giúp chữa lành tâm hồn. 

Ảnh: Paul Horsley

Hoa sen vốn là biểu trưng cho tinh thần, tín ngưỡng của một số quốc gia khu vực Đông Nam Á bao gồm Myanmar, Campuchia và Việt Nam. Theo các tài liệu lịch sử, hồ Inle tại Myanmar vốn là nơi hình thành nghề dệt tơ sen được sử dụng để làm áo choàng cho tượng Phật, hay còn được gọi là áo choàng sen.  Đến năm 2017 nghề dệt tơ sen mới được đưa về Việt Nam bởi nghệ nhân Phan Thị Thuận. 

Ảnh: Bangkok post

Hiện nay, giá trị của một mét vuông vải tơ sen khoảng 1.300 USD (30 triệu VNĐ). Điều gì đã khiến lụa tơ sen trở thành sản phẩm xa xỉ như vậy? 

Quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công 

Xuất phát từ thời gian thu hoạch sen hàng năm chỉ kéo dài từ tháng 4 đến hết tháng 10, điều này cũng rút ngắn quá trình sản xuất chỉ theo thời vụ chứ không thể kéo dài cả năm. Không những vậy, 100% công đoạn dệt tơ sen đều được các nghệ nhân thực hiện thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì rất lớn. 

Cụ thể, người thợ phải tận dụng độ ẩm từ cuống sen khi mới vừa thu hoạch để chiết tơ, nếu không cuống sen đó coi như hỏng. Để lấy được tơ sen, nghệ nhân phải dùng con dao nhỏ, nhẹ nhàng khứa xung quanh cuống sen, bởi nếu quá tay cắt sâu sẽ làm đứt sợi tơ bên trong. Sau đó, nhẹ tay vặn và kéo tơ, se cho sợi tơ sen gọn lại.

Bởi thế, để có được những sợi tơ sen mềm mại, dệt lên những chiếc khăn tinh xảo, mềm mại và sang trọng, đòi hỏi nghệ nhân phải hết sức tinh tế, khéo léo và làm việc tỉ mẩn trong nhiều ngày liền. Tơ sen sau đó được phơi khô và đưa vào khung dệt. Trung bình mỗi ngày, người thợ có thể làm được 200 – 250 cuống sen trong khi để hoàn thành mảnh vải rộng 1,7m cần ít nhất 4.800 cuống sen. Bởi vậy cần mất khoảng một tháng để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh từ tơ sen.  

Tính ứng dụng cao của tơ sen 

Lụa tơ sen có tính mềm mại, thoáng khí khi mặc, chính những yếu tố này đã thu hút một số thương hiệu nổi tiếng trên thế giới lựa chọn để sản xuất trang phục. Trong đó, Loro Piana – thương hiệu sản xuất vải, quần áo cao cấp tại Ý đã lựa chọn lụa tơ sen để may chiếc áo blazer. 

Chiếc áo từ nhà Loro Piana có giá trị 5.600 USD (Ảnh: WSJ)

Theo đó, nhà thiết kế Loro Piana đã đặt chân tới Myanmar trong 4 ngày với hy vọng có thể khám phá loại vải mới. Chiếc áo khoác làm từ tơ sen đã thuyết phục ông nhờ sự thoáng khí và chống nhăn khi mặc. Đồng thời, chất liệu này còn phù hợp với quần áo thể thao bằng sợi tự nhiên – sản phẩm vốn được bán tại các cửa hàng bán lẻ của thương hiệu. 

Ông tin tưởng chất liệu vài sen có thể khiến thương hiệu ngày càng phát triển khi cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất vải len, cashmere giá rẻ của thị trường Trung Quốc. Loro Piana lựa chọn giới thiệu những loại vải tự nhiên, sang trọng chẳng hạn như vicuna. Công ty đã đăng ký nhãn hiệu vải Loro Piana Lotus Flower và có kế hoạch bán khăn quàng cổ và hơn 20 chiếc áo khoác làm từ vải tơ sen. 

Ảnh: WSJ

Tại Việt Nam, nhà thiết kế trẻ Vũ Việt Hà đã sử dụng tơ sen trong bộ sưu tập “Nối dài”. Anh đã hình thành ý tưởng trong chuyến đi thực tế về làng Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) và được tiếp cận với lụa tơ sen. Yếu tố lạ đã thu hút anh bởi đây là loại vải có độ co giãn tốt, bề mặt đanh mộc mạc và đặc biệt vương vấn mùi thơm ngát của hương sen. Nếu như trước đây, tại Việt Nam chỉ sản xuất khăn quàng tơ sen bởi chi phí và thời gian sản xuất lâu thì anh đã ứng dụng chất liệu này vào trang phục. 

Bộ sưu tập được anh hoàn thiện trong 3 tháng với phom dáng của thập niên 1930, pha trộn chất liệu bằng cách sử dụng tơ tằm xuyên thấu và sợi bố làm nền để tơ sen được nổi bật.

Làm sao để tiếp tục phát triển? 

Sản phẩm lụa từ tơ sen được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng do các công đoạn từ chọn, xếp cuống sen đến miết tơ, đều làm thủ công, dẫn đến thời gian để có một sản phẩm từ tơ sen rất lâu, đẩy giá thành lên cao và khó tiếp cận người dùng. 

Được biết, một chiếc khăn làm từ tơ sen có giá khoảng 4-5 triệu đồng. Do giá thành đắt nên hiện nay, sản phẩm từ tơ sen chủ yếu làm theo đơn đặt hàng, hoặc phục vụ khách cao cấp, khách nước ngoài.

Bên cạnh đó, khi sen hết mùa, cũng không có sen để sản xuất ra sản phẩm từ loại tơ đặc biệt này. Vì thế, việc dệt lụa từ tơ sen chưa thể đưa vào sản xuất đại trà, để bất cứ ai cũng có thể sở hữu, hoặc làm một món quà đặc trưng xứ Việt cho du khách.

Thu Thảo – tổng hợp 


 
Back to top