Nghệ thuật

“Câu chuyện dòng sông”: Một triển lãm trực tuyến vì cộng đồng

Jul 12, 2021 | By Trang Ps

Vì giãn cách Covid-19, thay vì diễn ra trực tiếp tại bảo tàng hoặc phòng tranh, triển lãm “Câu chuyện dòng sông” được tổ chức trực tuyến qua nền tảng phòng tranh 3D. Điều này giúp người xem có thể thưởng thức nghệ thuật dễ dàng hơn, an toàn hơn, cũng như mở rộng cho đại đa số khán giả.

Phạm Bình Chương. Biển chiều. Sơn dầu. 70 x 120cm

Triển lãm “Câu chuyện dòng sông” trưng bày hơn 20 tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế – những người đã luôn hào phóng và tích cực trong các hoạt động vì cộng đồng. Họ gồm các họa sĩ Lê Đình Nguyên, Tôn Thất Bằng, Doãn Hoàng Lâm, Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Văn Thể, Phạm Bình Chương, Ngô Bình Nhi, Phương Bình, Nguyễn Thế Hùng, Hùng Rô, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Thắng, Trung Liêm, cựu đại sứ Hy Lạp tại Việt Nam – họa sĩ Nicolaos D. Kanellos, họa sĩ Hadi Soesanto người Indonesia…

Từ ngày 22/7-29/7, 4 phiên đấu giá trong khuôn khổ triển lãm “Câu chuyện dòng sông” sẽ được tổ chức trên Facebook Jang Kều nhằm gây quỹ vòng hạt giống (seeding fund) cho các hoạt động của River Ơi trong năm 2021 và 2022.

Doãn Hoàng Lâm. Hội An. Acrylic trên toan. 86 x 106 cm

Đây không phải là lần đầu tiên Quỹ Sống gây quỹ cho các chương trình phát triển bền vững thông qua việc đấu giá các tác phẩm nghệ thuật. Từ năm 2013 đến nay, hơn 20 chương trình đấu giá gây quỹ và biểu diễn nghệ thuật đã được tổ chức thành công, tạo ra nguồn quỹ hạt giống đáng kể cho giai đoạn khởi động của các chương trình uy tín như Nhà Chống Lũ và Hạnh Phúc Xanh.

Hùng Rô. Phố ngày mưa. Acrylic. 100 x 150 cm

Tên triển lãm được River Ơi lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Siddartha” (1922) của Hermann Hesse (1877-1962), mà Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch, với tên tiếng Việt là “Câu chuyện dòng sông”.

Nguyễn Xuân Hoàng

Trong câu chuyện này, nhờ dòng sông khai sáng, Siddhartha đã quyết định trở thành người lái đò, chở khách sang sông. Khi lắng nghe dòng sông, Siddhartha nhận thấy đây chính là sự sống, chứa đựng hàng vạn âm thanh, sự vẹn nguyên trong vô lượng và vô ngã. Chính bởi thế dòng sông cần phải chảy qua mọi thác ghềnh, mọi cửa bể, mọi địa hình, trải qua hết thảy những đau thương, vui thú, dục lạc, bi ai…

Ý niệm của “Câu chuyện dòng sông” rất phù hợp với liên tưởng về River Ơi – một chương trình thúc đẩy sáng tạo, sáng kiến và đối thoại về phát triển bền vững thông qua nghệ thuật, công nghệ và giáo dục.

Khán giả có thể xem toàn bộ triển lãm tại đường link


 
Back to top