Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Suy tư sáng tác (P10): Họa sĩ Mường Mán và những hạnh phúc trôi

Mar 05, 2022 | By Trang Ps

Tôi gọi hội họa của Mường Mán là “những hạnh phúc trôi”. Nói điều đó không có nghĩa là ông chỉ vẽ về những ký ức ngọt ngào, mà là những hiện thực xã hội luôn biến đổi như nó vốn là vậy. Nỗi buồn cũng trôi, mà niềm vui cũng trôi, tuổi hồng cũng trôi mà chiến tranh với những bất hạnh mất mát cũng trôi… để rồi trên tranh ông giờ đây là những màu trong trẻo và mát mẻ vì cởi mở đón nhận nhân sinh.

Có lẽ nên bắt đầu triển lãm vào ngày 6/3 này của ông bằng bức “Âm – Dương”. Vì sao vậy? Gặp nhau ở Quán Ruốc, nơi diễn ra cuộc trưng bày và cũng là địa chỉ ẩm thực mà ông và gia đình sáng lập và quản lý suốt 20 năm nay, ông mỉm cười khi nghe tôi đùa mà cũng là thật: “Tranh của chú bức nào bức nấy đều có đôi có cặp nhỉ!?”.Chú đáp: “Đó là một phát hiện mới mẻ, nhìn lại mới thấy thế thật!”. Và cả hai chúng tôi, một già, một trẻ, lại cùng nhau phá lên cười.

Là cây bút kỳ cựu với khoảng 30 đầu sách, Mường Mán cũng như bao người trong thời cuộc chiến tranh, sinh ra đã đối mặt với nhiều mất mát và bất hạnh. Ông mồ côi cha khi còn vắt mũi chưa sạch, một mình mẹ ông ở vậy nuôi nấng 5 người con lớn khôn trưởng thành. Ông cũng từng làm nhà báo nơi chiến trường, sinh tử đe dọa trong từng giây phút. Mường Mán đã đã đối mặt đủ đầy tính hai mặt vốn là bản chất muôn đời của thế gian. Cũng chính vì đã đi qua nhiều giai đoạn cuộc đời, nên giờ đây, tranh của ông là một tập hợp của những hiện thực cuộc sống, phản ánh tính nhị nguyên: âm – dương, hạnh phúc – đau khổ, niềm vui – nỗi buồn… Tất cả tuôn theo dòng sông thời gian mà biến đổi, mà chuyển hóa…

Biểu hiện chân thực của dục giới

Ông dẫn tôi đi qua hai lầu tranh, đứng cạnh bên bức trên và nói: “Không chỉ con người, mà động vật, chim muông… cũng đều có đôi có cặp. Đó là ‘nguồn gốc’ của muôn loài”. Và tôi nhận ra: “Đó chẳng phải là biểu hiện chân thực của cõi dục, một phần của tam giới hay sao?” Thế nhưng, sự độc đáo trong bút pháp của Mường Mán là đã thể hiện được điều này một cách rất thanh nhẹ và trong trẻo. Tôi nghĩ điều này có liên quan mật thiết đến sự kinh qua nhiều giai đoạn trưởng thành trong cuộc đời và ở độ tuổi thập cổ lai hy xưa nay hiếm, ông biết buông.

Hình tượng trong tranh của ông rất đơn giản, theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Bắt gặp tranh ông, ai cũng có thể đoán được ông vẽ về điều gì. Ông gật gù: “Quả thực, chú không có cách tiếp cận ‘đao to búa lớn’. Nhưng trong những thứ dung dị, lại ẩn chứa những giá trị nhân sinh sâu sắc đấy”.

Ông vẽ khá nhiều tư thế “hạnh phúc” của đôi lứa, và cho rằng đấy cũng là một hiện thực cuộc sống mà thôi. Ông trân trọng điều đó, tất cả thể hiện trong ánh mắt nhìn lại của ông về quãng đời tuổi trẻ. Tranh ông đậm màu sắc tuổi hồng, tuổi trẻ, bởi ông coi đó là giai đoạn đẹp nhất của đời người. Nhưng cách ông thể hiện lại thật trong sáng, ngay cả một nỗi buồn cũng đẹp đến nỗi người ta phải nhìn thẳng vào nó để thấu hiểu cho nỗi khổ niềm đau của chính họ.

Bức “Bèo nước long đong” này lấy tên từ một tác phẩm mà ông viết, thể hiện thân phận con người với cuộc đời trôi nổi không bến bờ, không còn gì ngoài một chú mèo gầy guộc bầu bạn. Gam màu xanh trầm buồn pha chút đen, một bố cực thật đơn giản nhưng chiều sâu thì dường như chỉ cần được biểu lộ qua ánh mắt, của cả một con người lẫn của con mèo.

Một trong những từ ngữ quan trọng để nói lên được cuộc đời của Mường Mán là say mê. Bức “Liên khúc boléro”, tuyệt thay, lại thể hiện trung thực cho điều đó. Nhìn tác phẩm ấy, người ta quên mất thân hình gầy còm của anh chàng nghệ sĩ, quên mất cây đàn như hư hỏng của anh ta, để chỉ chú tâm vào dòng năng lượng bùng nổ và dâng trào được thể hiện qua cử chỉ ngón tay “đắm say” trên từng dây đàn. Hoàn cảnh đời sống có lúc này lúc khác, đòi hỏi mỗi người phải thích ứng bằng thái độ sống đón nhận chứ không có cách nào khác hơn, tốt hơn.

Bút pháp biểu hiện pha chút huyền ảo không phải là mới mẻ hay phá cách, nhưng có lẽ lại hợp với cá tính của Mường Mán hơn cả. Ở nhiều bức tranh ông vẽ, bên cạnh những hiện thực cuộc sống dung dị, ta thấy sự thơ ngây, hồn nhiền, muốn bay bổng khỏi thực tại của con người. Tôi gọi đó là “sống trong tâm trí”. Nó cũng phản ánh bản năng vô thức của con người, trong khuynh hướng luôn mơ mộng, luôn hy vọng được say đắm trong khoảnh khắc phi thường nhưng rốt cuộc cũng chỉ là ảo vọng của họ.

Và một khi họ mở mắt, một khi bỗng sực tỉnh khỏi vùng tâm trí huyễn tưởng hữu hạn, họ biết rằng mình cần đối diện với thực tại vô thường, với những trách nhiệm và gánh nặng cuộc sống đầy lo toan.


Vào lúc 9h30 ngày 6/3/2022, nhà văn Mường Mán bày 25 tranh tại Quán Ruốc,145A Nguyễn Đình Chính (quận Phú Nhuận).

Nhà văn – họa sĩ Mường Mán tại Quán Ruốc. Ảnh: Internet.


 
Back to top