Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Đôi bạn chân tình: Gặp gỡ vợ chồng họa sĩ Hồng Lĩnh – Lê Triều Điển

May 26, 2021 | By Trang Ps

Sống và làm việc cùng nhau như tri kỷ suốt 50 năm, Lê Triểu Điển ở tuổi 80, Hồng Lĩnh ở tuổi 70, khiến người thưởng lãm xuýt xoa trước những sáng tác tỏa ra nguồn năng lượng thật mạnh mẽ và giàu nhiệt huyết nhưng nhiệt huyết ấy không phải nhiệt huyết của tuổi trẻ hãy còn xông pha trải nghiệm, mà là nhiệt huyết trong tâm bình thản của tuổi già. Như Trang Tử từng nói về tiêu dao du, hay Lão Tử nói về vô vi, thực hành nghệ thuật của cặp vợ chồng thể hiện rõ tính phiêu diêu tự tại ấy.

Nhìn lại chặng đường sáng tác của họa sĩ Hồng Lĩnh và Lê Triều Điển cũng đã xấp xỉ 50, 60 năm nay, nhiều thay đổi đã diễn ra, các bước ngoặt sáng tác hẳn không dễ dàng liệt kê một cách cụ thể. Thế nhưng, trong một thập niên nay, chuyển biến quan trọng nào đã diễn ra đối với hai người?

Hồng Lĩnh: Sự chuyển biến này không nằm ở sự thay đổi về sáng tác mà là thay đổi về tư duy. Khi tâm hồn con người ta càng trưởng thành, có lẽ, họ thường có xu hướng đơn giản và cô độc.

Cũng thế, chúng tôi không còn vướng bận vào những hỷ nộ ái ố thường tình; mà dốc hết toàn bộ nguồn lực được tích lũy gần cả đời người để sáng tác. Lúc này, mọi sáng tạo tràn ra một cách tự nhiên và hồn nhiên như khi mình sống.

Lê Triều Điển: Trong những năm gần đây, tôi thường đi một màu trên tranh, có khi chỉ là một vài nét vẽ nhưng biểu lộ trọn cảm xúc thật bên trong mình. Đó là một chuyển biến rất mởi mẻ so với chặng đường mấy chục năm về trước.

Ở tuổi 70, 80 này, với chúng tôi, sự sống – chết là chuyện thường tình như giấc ngủ. Bữa nay mình sống nhưng ngày mai mình có thể ra đi nhưng với tâm thế rất thong dong. Chính vì không còn vướng bận mà cuộc sống trở nên cô đọng và giản dị, như mặt trời mọc ban sáng, lặn chiều tối, như hai mùa mưa nắng Sài Gòn.

Giống như có câu nói “sự đơn giản là sự phức tạp ở mức độ cao nhất”, và như ông bà chia sẻ, để đạt đến tính đơn giản có chiều sâu này, người ta phải trải qua chặng đường sống đầy gian truân thử thách thì lúc này, năng lượng trong tranh mới có thể chạm sâu đến tâm thức người thụ hưởng!

Ca dao, tục ngữ của mình toàn những câu thật ngắn gọn và nom đơn giản nhưng ẩn chứa chiều sâu trong đó. Hồi còn nhỏ, khi tiếp cận chúng, thật khó để thấu hiểu, nhưng nhờ kinh nghiệm sống được tích lũy theo sự chảy trôi của thời gian, sự biết trong ta mới dần hoàn thiện.

Đây vốn dĩ là chuyển biến chung trong cuộc đời mỗi con người chứ không riêng gì chúng tôi. Và sự chuyển biến này cũng tùy từng người, có người trưởng thành nhanh, có người trưởng thành chậm, chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào tuổi tác.

Những năm 60, 70, trường phái tối giản trong nghệ thuật xuất hiện, có những người sử dụng đơn thuần một màu sơn nhưng bức tranh vẫn chứa đựng chiều sâu nhất định. Cũng giống như thơ haiku của Nhật Bản, chỉ một vài câu đơn giản mà tạo ra độ rung cảm mạnh mẽ. Hay như Đạo Đức Kinh có câu “Đạo khả đạo, phi thường đạo” (Đạo có thể gọi được là đạo, thì không phải là đạo vĩnh cửu). Để đạt sự cô đọng này thì đòi hỏi một sự tích lũy, chắt lọc kinh nghiệm lớn lao để không bị sa vào năng lượng bề mặt.

Sống và làm việc cùng nhau như tri kỷ, nhưng trong sáng tạo nghệ thuật, làm sao để sự hòa nhập ấy không dẫn đến sự hòa tan cá tính?

Hồng Lĩnh: (Cười). Chắc trời cho hay sao đó! Chúng tôi, mỗi người một cá tính riêng biệt, và độc lập về suy nghĩ.

Chúng tôi vẫn làm việc cùng nhau trong một không gian, nhưng thực hiện hai tác phẩm khác nhau, và không thảo luận bất cứ việc gì trước đó.

Tôi thường vẽ tranh trước, rồi thấy kiểu vẽ này phù hợp với bài thơ nào thì viết bài thơ ấy lên. Chữ là một hình thức, là đường nét, như tranh, nhưng ý nghĩa ẩn chứa trong đó. Đó là một cách diễn cảm. Đôi khi đơn giản, đang ngồi vô tư lự vậy thôi, mà một vài câu thơ phát lộ ra diễn tả những cảm xúc bên trong mình.

Còn họa sĩ Lê Triều Điển, sự chuyển biến trong tranh của ông không chỉ nằm ở tối giản sắc màu mà dường như ông đã đúc rút cuộc đời đa dạng dưới những ký hiệu giản đơn. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Nói một cách dân dã thì ký hiệu nhập vào tôi lúc nào không hay.

Tôi nghĩ một trong những ảnh hưởng có lẽ đến việc say mê đọc các tư liệu cổ, xem những bức tranh trong các hang động hồi xưa.  Chẳng hạn, trong chuyến đi đến Sapa, việc đầu tiên chúng tôi làm là đi đến bãi đá.

Hay, hồi ghé thăm Bảo tàng Louvre ở Paris nước Pháp, chúng tôi mê mẩn ở không gian trưng bày các tác phẩm cổ đại được chế tác từ cách đó 5.000 đến 10.000 năm. Đó là một thế giới khác, thiếu thốn phương tiện so với bây giờ, ấy vậy mà, nhiều tác phẩm tinh vi và đẹp không tưởng, khiến chúng tôi xuýt xoa và đặt ra nhiều câu hỏi. Phải chăng vì có một lối sống thuận tự nhiên mà xúc cảm trong họ trong sáng, không toan tính, nên mới có thể đạt đến thẩm mỹ tinh xảo như vậy!

Với tôi, ký hiệu trong tranh là một ngôn ngữ của xúc cảm, chứ không phải ngôn ngữ ký hiệu đơn thuần. Suốt thời gian qua, tôi không để ý mình đã có bao nhiêu ký hiệu trong tranh, nhưng biết rằng chúng thay đổi hoài như luật vô thường.

Khi sáng tác bằng trực giác, người họa sĩ sẽ đạt đến độ phiêu như trạng thái dòng chảy vậy! Không biết, họa sĩ Lê Triều Điển và Hồng Lĩnh có thói quen sáng tác như thế nào?

Lê Triều Điển: Gần như ngày nào chúng tôi cũng vẽ, rảnh là vẽ, trung bình mỗi ngày vẽ xong một tấm, lúc nào phiêu có thể vẽ nhiều hơn. Lúc vẽ, sức sống của mình tuôn chảy ra. Vẽ được tấm nào thì cuộn lại để trong kho, vì không còn chỗ trưng nữa.

Vì phiêu nên tốc độ vẽ của chúng tôi thường nhanh. Có những lúc phiêu quá, ngày mai xem lại tự hỏi tại sao mình vẽ được vậy. Cũng giống như bạn sinh một đứa con, bạn hạnh phúc bất ngờ không rõ vì sao mình lại sinh được nó. (cười)

Khi nhập một vào sáng tác, bản thân không hề hay biết. Chính tác giả không biết cái phiêu ấy trong lúc sáng tác, hiểu biết ấy đến sau. Khi hoàn thành xong một tác phẩm, chúng tôi cũng không xem xét hay phân tích đẹp xấu nữa. Như khi bạn hát xong một hài hát vậy, bạn biết mình đã phiêu hết mình, bạn buông bỏ tiết mục ấy. Không còn vướng bận nữa.

Khi vẽ, chúng tôi vẽ bằng vốn sống và tâm thức của mình, trong lòng không có những trường phái như trừu tượng hay biểu hiện trừu tượng. Vẽ tranh hay nặn gốm mà dường như chẳng có một mục đích nào khác ngoài mục đích tự thân của chính nó.

Có người hỏi tôi bức nào tôi cảm thấy ưng ý nhất. Tôi bảo: “Bức ấy vẫn còn nằm ở phía trước!” – Hồng Lĩnh.

Hồng Lĩnh: Hồi làm triển lãm ở Pháp gồm 10 bức tranh của anh Điển và cuộn tranh của tôi dài 10 mét, tôi làm kê khai mỗi bức tranh có giá 500 USD nhưng thấy giá tranh của Dumonteil (nhà sưu tập của chúng tôi) có giá trung bình khoảng 10.000 USD nên họ đòi tính thuế rất cao. Vì thế, tôi bèn về lấy hóa đơn bán tranh cho Dumonteil hồi năm 2010 chỉ khoảng 500 USD – 1.000 USD thì họ mới cho xuất kho. Chiều mai là khai mạc triển lãm, chúng tôi liên tục vẽ ngày vẽ đêm trong trường hợp tranh đến không kịp. Trong khi vẽ, hai vợ chồng chẳng nghĩ ngợi gì, cứ phiêu trong sáng tác của mình. Sau đó, loạt tranh mới này cũng được người ta sưu tập luôn. Họ nhìn thấy cách làm việc thật sự của mình, chứng kiến một tác phẩm mình tạo ra tại studio và quý giai đoạn hình thành ấy.

Tôi nhớ sau giai đoạn 30/04/1975, gia đình nghèo lắm, không có vải bố, không có màu. Hễ có tờ giấy, sơn là vẽ ngay, bất cứ cái gì có khả năng vẽ được là vẽ. Họa sĩ Nguyễn Chí Hiếu lúc ấy ghé nhà rồi bảo: “Ông bà vẽ vậy thì ai cho treo.” Nhưng vì mình làm thật lòng, nên mình không thể bỏ được.

Nói như họa sĩ Hồng Lĩnh, vì mình làm thật lòng nên không thể bỏ được. Vì thế mà chặng đường sáng tác mới bền bỉ bởi giữa cuộc sống thường ngày biết bao nhiêu ảnh hưởng đa chiều có thể khiến mình lung lay!

Lê Triểu Điển: Tôi có ông bạn vẽ tranh cổ điển, và suốt ngày bị người ta chê bai rằng ông ấy chỉ vẽ khéo tay thôi chứ không sáng tạo. Thực ra, dư luận là chuyện đương nhiên và đó là tự do của mọi người. Điều quan trọng là sau bao nhiêu nói ngả nói nghiêng ấy thì lòng mình có vững như kiềng ba chân không thôi. Bởi mỗi thứ mà mình theo đuổi đều có thể đạt đến chiều sâu sắc riêng.

Hồng Lĩnh: Vào những năm 2000, tôi có triển lãm đầu tiên mang tên “Những gì còn lại” tại 92 Lê Thánh Tôn. Một nhà báo viết bài phê bình rằng trong triển lãm này có một số người không biết vẽ và nêu đích danh tên tôi. Nhưng tôi vẫn lấy đó làm chuyện thường tình. Vì mỗi người có một công việc riêng, mình tôn trọng công việc mình làm cũng như tôn trọng công việc của người khác. Vì bản chất cuộc sống là vậy, có khen ắt sẽ có chê. Mình hiểu điều này thì mình không còn giận dỗi oán trách ai nữa. Và may mắn là họ có bản lĩnh để chê bai công khai.

Trước luồng dư luận đa chiều như vậy, sức mạnh nội tại là điều vô cùng quan trọng. Chúng tôi quan niệm luôn hướng về tâm mình để rèn luyện mỗi ngày. Sáng tác nghệ thuật là một lối thoát, là việc mở ra con đường thay vì khép chặt tất cả.

Được biết, một trong những nhà sưu tập danh tiếng thế giới – ông Dumonteil có sưu tầm tranh của ông bà. Ông bà có thể chia sẻ thêm về mối nhân duyên đặc biệt này?

Hồng Lĩnh: Vào năm 2010, Dumonteil ghé thăm nhà một người bạn ở Pháp, cũng là người từng mua tranh của chúng tôi, rồi bất ngờ vì thấy lối vẽ tối giản khá độc đáo. Khi qua Việt Nam, Dumonteil liên hệ chúng tôi và quyết định sưu tập tranh của chúng tôi kể từ đó. Đến nay, ông ấy đã sưu tập của chúng tôi khoảng hơn 100 bức.

Thành công là yếu tố khách quan người khác nhìn vào đánh giá, còn về phần chủ quan, chúng tôi đơn thuần tập trung làm công việc của mình.

Lê Triều Điển: Cách đây không lâu, Dumonteil có tổ chức một triển lãm riêng cho tôi ở Thượng Hải và phần lớn người mua đều là những nhà sưu tập trẻ tuổi. Ở quầy tiếp tân của phòng tranh, họ có trưng bày một bức của tôi, và vào bên trong là nhiều bức của các danh họa. Thấy thế, chúng tôi rất cảm động.

Ảnh: RAB HUU STUDIO


 
Back to top