Kiến trúc của Kengo Kuma và cuộc truy tìm cái đẹp thuần chất
Từ chối sự hoành tráng và hoa mỹ bề mặt, tìm lại vẻ đẹp nguyên bản và gợi nhớ truyền thống bằng cảm giác vật liệu, mục tiêu cuối cùng của Kengo Kuma là “xóa bỏ kiến trúc”.

Kiến trúc sư Kengo Kuma. Ảnh: Kengo Kuma & Associates
Tại sảnh nhà trọ truyền thống Fujiya ở Ginzan Onsen, những bức vách cao từ sàn đến trần, như tấm rèm vải mỏng tỏa ra một thứ ánh sáng kỳ ảo, thực chất được tạo nên từ hơn một triệu nan tre mảnh mai, mỗi nan chỉ rộng khoảng 4 mm. Cũng với tinh thần đó, tại Bảo tàng Đá Nasu Ashino (Stone Plaza) ở tỉnh Tochigi, những bức tường đá tưởng chừng nguyên khối, vững chãi, lại được hình thành từ việc ngàm nối từng phiến đá Ashino mỏng. Tre hay đá không phải là vật liệu xa lạ, nhưng chính việc sử dụng vô số cấu phần nhỏ bé để kiến tạo nên những bề mặt có sức lay động lớn lao mới cho thấy sự kỳ công trong các công trình của kiến trúc sư Kengo Kuma. Chúng dường như tan ra trước mắt chúng ta, như hàng triệu chấm màu li ti trong bức tranh “Chiều Chủ nhật trên đảo Grande Jatte” của Georges Seurat. Từ vô vàn điểm nhỏ riêng biệt, một tổng thể hài hòa, sống động hiện ra mời gọi trí tưởng tượng của người xem. Chính Kuma đã kể trong cuốn sách “Anti-Object” (London: AA Publications, 2008), rằng ông luôn tìm cách “xóa bỏ kiến trúc” như những đối tượng thống trị, thay vào đó là tạo ra “một trạng thái mơ hồ và lỏng lẻo nhất có thể”.

Ánh sáng và cầu thang hiện ra mờ ảo sau bức vách tre mỏng tại nhà trọ Fujiya do Kengo Kuma thiết kế ở Ginzan Onsen, một khu nghỉ dưỡng suối nước nóng thuộc thành phố Obanazawa, tỉnh Yamagata, Nhật Bản. Ảnh: DesignBoom

Những bức tường đá tại tàng đá Nasu Ashino (Stone Plaza) ở thị trấn Nasu, tỉnh Tochigi, Nhật Bản. Ảnh: Arquitectura Viva
Phản kháng “kỷ nguyên của bề mặt” và hướng về kết cấu nguyên bản
Kengo Kuma gọi kiến trúc đương thời là “kỷ nguyên của bề mặt”, một sự phê phán đối với việc sử dụng vật liệu như lớp vỏ trang trí mỏng manh, che đậy kết cấu bê tông cốt thép bên trong, làm mất đi vẻ đẹp và tính trung thực của chính vật liệu. Ông cho rằng: “Trong kiến trúc truyền thống Nhật Bản, vật liệu và kết cấu là một thể thống nhất. Cấu trúc được biểu lộ, và bản thân cấu trúc đó chính là không gian.” (Kuma, “Studies in Organic”, 2003). Bên cạnh đó, bối cảnh kinh tế Nhật Bản sau khủng hoảng những năm 1990, thường được gọi là “thập kỷ mất mát”, cũng đóng vai trò như một yếu tố then chốt thúc đẩy sự thay đổi này. Chính thực tế kinh tế khó khăn đã khiến cho kiểu kiến trúc phô trương, xa hoa của “thời kỳ bong bóng” trở nên không còn phù hợp và khó có thể duy trì. Giáo sư Thomas Daniell tại Đại học Kyoto, trong cuốn sách “After the Crash: Architectural Culture in Post-Bubble Japan”, ghi nhận “cuộc suy thoái cũng đã mang lại một giai đoạn nghỉ ngơi khỏi những thái quá cuồng nhiệt trước đó, một thời gian để suy nghĩ lại về nhiệm vụ của kiến trúc sư và, theo đúng nghĩa đen, nhìn nhận lại toàn diện đô thị hiện hữu”. Việc “suy nghĩ lại về nhiệm vụ của kiến trúc sư” trong bối cảnh phải đoạn tuyệt với “những thái quá cuồng nhiệt” của quá khứ, như Daniell chỉ ra, đã cộng hưởng phần nào với quan điểm quay về với bản chất của kiến trúc. Thêm vào đó, điều kiện kinh tế eo hẹp hơn đã làm giảm sự hào hứng với các công trình hoành tráng thuần túy bề mặt, đồng thời tạo ra không gian cho những tìm tòi hướng đến vẻ đẹp chân thực của vật liệu và kết cấu.
Một hình ảnh mang tính biểu tượng cho việc thách thức giới hạn vật liệu và đề cao vẻ đẹp cấu trúc thuần khiết, trong kiến trúc đương đại Nhật Bản, có thể thấy qua tác phẩm của một kiến trúc sư thuộc thế hệ trẻ hơn, Junya Ishigami, với chiếc bàn bằng thép được ông giới thiệu năm 2004 tại triển lãm “Hi-energy Field”. Mặc dù hoàn toàn bình thường về hình dạng và chức năng, nhưng tỷ lệ của nó lại siêu thực. Một tấm thép phẳng hoàn hảo dày 3 mm, dài 9,5 m và rộng 2,6 m, chỉ được đỡ ở bốn góc bằng các chân thép cao 1,1 m. Đây không chỉ là một chiếc bàn phi trọng lực, mà có lẽ còn là quan điểm mới trong sử dụng vật liệu. Không có lớp sơn phủ, không trang trí bề mặt, điều đặc biệt nằm ở chính cấu trúc của vật liệu. Độ mỏng siêu thực của mặt bàn đạt được bằng cách tạo ứng suất trước cho mặt bàn và chân, cho chúng một độ cong nhẹ sau đó trở nên thẳng dưới sức nặng bản thân. Người thiết kế đã thuận theo và khai thác tối đa khả năng tự nhiên của vật liệu. Bàn thép của kiến trúc sư Ishigami là ví dụ cho vẻ đẹp cấu trúc của vật liệu. Đó là một cách sử dụng vật liệu dựa vào đặc tính của chúng thay vì làm giả lại bề mặt, và có lẽ không cách nào tốt hơn để mô tả điều này như lời của triết gia Kitaro Nishida viết trong tác phẩm “An inquiry into the good” (tạm dịch: Điều tốt): “làm nước chuyển động là thuận theo bản chất của nó”.

Chiếc bàn làm từ tấm thép mỏng của Ishigami Junya. Ảnh: Ishigami Junya

Quy trình uốn thép làm bàn của Junya Ishigami. Ảnh: Ishigami Junya
Phía sau những “bức tường tan biến”
Việc từ bỏ trang trí bề mặt để truy tìm vẻ đẹp thuần chất của vật liệu và để kết cấu được thể hiện đa dạng trong kiến trúc đương đại Nhật Bản. Đó có thể là những bức tường bê tông trần của Tadao Ando, thể hiện quan niệm “hư không” (nothingness) và sự tĩnh lặng, những phiến đá mỏng nhẹ trong Serpentine Pavilion 2019 của Ishigami Junya, hay những hệ lam màu trắng khiến ánh sáng tan ra trong Water/Glass của Kengo Kuma.
Giữa sự đa dạng đó, Kuma nổi bật với cách tiếp cận nghiêng về cảm giác vật liệu, gợi nhớ đến truyền thống thủ công Nhật Bản. Chẳng hạn, khi tìm vật liệu mái có độ mỏng hoàn hảo như mong muốn cho công trình sân khấu kịch Nō ở Miyaki, ông quan tâm đến kích thước của phiến đá được thiên nhiên kiến tạo theo thời gian và khả năng cắt gọt cũng như ghép nối chúng. Đó giống như cách gỗ được dùng trong kiến trúc Nhật truyền thống, nơi những thân cây được đặt đúng chiều và xoay về đúng hướng mà nó đã lớn lên trong tự nhiên.
Dù vậy, cái bầu không khí truyền thống trong cách dùng vật liệu của Kuma không phải là sự ám ảnh hình thức, như một kiểu chủ nghĩa dân tộc hay các đường nét đặc trưng được sao chép và biến tấu. Đúng hơn, đó là chút khơi gợi từ những ký ức cảm giác về nơi chốn cũ, một trải nghiệm mang tính cá nhân, đã định hình quan điểm của Kengo Kuma, như ông chia sẻ trong cuốn sách “Material immaterial: The new work of Kengo Kuma” (2009) của Botond Bognar, “các giác quan khác của tôi, đã quen với ngôi nhà nơi tôi lớn lên, và không thích nghi được với ý tưởng về hộp bê tông thô”. Điều đó lí giải vì sao dù với bảng vật liệu đa dạng và hiện đại như thép, đá, kính, vải, thậm chí là màn hình LED, kiến trúc của Kuma vẫn nhẹ nhàng và tan biến vào môi trường xung quanh như một phòng trà đạo phong cách Sukiya. Chẳng hạn như với Bảo tàng Ando Hiroshige, tất cả các mảng lớn như tường, mái đều được “phân rã” thành lam gỗ thay vì các mảng đặc và kín. Hình ảnh thiên nhiên bên ngoài được “lồng” vào các thanh gỗ lặp đi lặp lại vô tận nhờ vào đặc tính phản chiếu của những bề mặt kính. Điều này khiến cho công trình có lúc kín đáo, có lúc mơ hồ tùy vào góc nhìn của người tham quan.

Sân khấu kịch Nō trong rừng ở Miyagi, với các khối sân khấu bên trái theo lối kiến trúc truyền thống và dãy nhà xem kịch bên phải với hình khối đơn giản và hiện đại. Ảnh: Muri Butai

Bảo tàng Ando Hiroshige với lớp mái lam mỏng hiện ra giữa rừng tre. Ảnh: Ando Hiroshige Museum
Kuma không xem việc sao chép hoặc tuân theo quy định về hình thức từ quá khứ là cách duy nhất tạo ra bầu không khí truyền thống, cho dù chúng được xem như những nguyên tắc bất di bất dịch. Chẳng hạn như dải đất phủ đầy sỏi trắng (shirasu) giữa sân khấu và khu vực khán giả đã trở thành quy luật bất biến trong thiết kế sân khấu kịch Nō truyền thống, như một sự phân chia giữa sân khấu – nơi dành cho linh hồn đã chết, và sàn khán giả – nơi hiện thực của người đang sống. Tuy nhiên, tại công trình sân khấu kịch Nō trong rừng ở Miyagi, Kuma đã làm điều ngược lại. Tại đây, ông cảm thấy những viên sỏi trắng không còn phù hợp. Cây cối và mặt đất ẩm ướt bên dưới đều sậm đi. Đặt trên nền tối đó, những viên sỏi trắng sẽ “quá dễ thấy và rạch ròi”. Thay vào đó, ông quyết định sử dụng đá đen nghiền để dải shirasu hòa quyện với nền rừng, cho phép nó duy trì trạng thái trừu tượng của mình bằng cách tiếp tục chảy tràn ra từ sân khấu đến khu rừng xung quanh một cách huyền bí.

Dải shirasu giữa khu vực sân khấu và khu khán giả, với lớp sỏi màu tối như hòa vào nền rừng ở phía xa. Ảnh Mitsumasa Fujitsuka

Các lớp lam và kính khiến cho ánh nắng trở nên mờ ảo trong Bảo tàng Ando Hiroshige do Kengo Kuma thiết kế. Ảnh: Arquitectura Viva

Không gian bên trong hiện ra mờ ảo nhờ lớp lam mỏng do Kengo Kuma thiết kế cho Bảo tàng Ando Hiroshige. Ảnh: Ando Hiroshige Museum
Phân tích cách một kiến trúc sư xử lý vật liệu là khám phá quan điểm thiết kế của họ. Đó có thể là sự vay mượn hình thức bề ngoài, hoặc như trường hợp của Kengo Kuma, là một triết lý nhất quán, bắt nguồn từ những quan sát cá nhân và hiểu biết lịch sử. Các công trình của ông không phải là tập hợp các mảng miếng thị giác rời rạc, mà là sự sắp đặt có ý thức, tạo nên cảm giác thống nhất và xuyên suốt. Mặc dù các chi tiết kỹ thuật như kích thước lam tre hay đá có thể được sao chép, nhưng chính sự thấu hiểu vật liệu, bối cảnh và quan điểm “anti-object” của Kengo Kuma đã nâng các “bức tường tan biến” của ông thành những biểu đạt kiến trúc độc đáo, ghi dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy kiến trúc đương đại toàn cầu. Cách tiếp cận của ông, như nhà phê bình Botond Bognar đã nhận xét trong “Kengo Kuma: Complete Works” (2013), “thể hiện một sự nhạy cảm đối với vật liệu và một mong muốn hòa giải kiến trúc với môi trường tự nhiên và văn hóa”.
Thúc Đạt