Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Ký ức Đông Dương (2): Chuyện về nhà điêu khắc Paul Van Thé 

Feb 28, 2022 | By Art Republik

Bây giờ nước mình mở cửa, đổi mới, bố có thể kể cho con được…”, qua lời kể của bố, hoạ sĩ Nguyễn Đức Hoà mới biết thêm về ông Văn Thế, người từ Nam Kỳ ra học khóa nghệ nhân nghề gốm của trường Mỹ thuật Đông Dương, không thi đầu vào, không bằng tốt nghiệp.

Ảnh trái: Chân dung nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thế (Paul Van Thé). Ảnh phải: Danh sách học viên khóa XIII Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Lời tựa của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa:

Năm nay, tôi bỗng giật mình khi liên tiếp mấy người bạn cùng lớp Trung cấp Mỹ thuật của tôi (khóa 1971 – 1976) đột ngột ra đi vì Covid-19, và họ cũng đã ngoài tuổi hưu. Có những chuyện thuộc về ký ức từ những cuộc trò chuyện giữa tôi và bố, họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp, tôi định chỉ giữ cho riêng mình. Nhưng rồi tôi quyết định ghi lại ít nhiều cũng góp phần giúp những người quan tâm hiểu thêm về một trong số những khía cạnh đa dạng của lịch sử Mỹ thuật Đông Dương thời ấy.

 

Hồi ấy, khoảng những năm 1980, họa sĩ Lương Xuân Nhị tặng Trường Mỹ thuật Hà Nội những tư liệu cực kỳ quý hiếm. Đó là một cuốn phim đen trắng 16 ly quay trường Mỹ thuật trên chiến khu Việt Bắc (thời họa sĩ Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng) vào khoảng năm 1950 đến năm 1952 và sau khi trường về Hà Nội từ năm 1956 đến trước năm 1965. Kèm theo món quà đặc biệt này còn là một bộ toàn tập các số tạp chí INDOCHINE Hebdomadaire Illustré (Tuần báo họa báo Đông Dương).

Tôi lên thư viện của trường xem tuần báo đó, thấy tranh của bố tôi và nhiều người khác cùng đăng trong một trang về Triển lãm Salon Unique cuối năm 1943, bèn về nhà gọi bố lên xem. Hầu như tất cả các họa sĩ có tranh trong trang ấy tôi đều biết ngoài đời. Nhưng có một cái tên rất lạ là Nguyễn Văn Thế, tác giả một pho tượng chân dung. Tôi hỏi thì bố bảo vắn tắt rằng ông ấy không cùng lớp bố và học bên điêu khắc. Bố không nói thêm. Tôi cũng không dám hỏi. Sau này tôi mới biết vì đó thời là nhạy cảm, mà để bảo vệ con mình bố tôi phải lờ đi, mặt lạnh như tiền, coi như chẳng biết gì về một số chuyện thật ra bố rất rành.

Những tác phẩm bày tại Triển lãm Salon Unique 1943 ở Hà Nội và tượng của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thế đăng trên tạp chí Indochine. Nguồn: Nhà nghiên cứu Loan de Fontbrune cung cấp.

Chuyện chẳng có gì đáng nhớ ấy rồi cũng qua đi. Mùa hè năm 1995, tôi sang Pháp làm triển lãm tranh chung 2 cha con Nguyễn Trọng Hợp – Nguyễn Đức Hòa tại Trung tâm Văn hóa Pháp Việt số 24 rue des Écoles, Paris. Ngay sau đó, tôi mang triển lãm tiếp tại thị trấn nhỏ xứ Bretagne tên là La Trinité sur Mer. Nghe cái tên đó, một số người nhạy cảm chính trị bảo “Đất dữ đó con ơi !” làm tôi giật mình. Mãi sau tôi mới hiểu đó là quê hương thủ lĩnh đảng cực hữu của Pháp thời bấy giờ, ông Jean-Marie Le Pen. (1)

Nhưng 10 ngày triển lãm trôi qua yên ả không có chuyện gì xảy ra. Nhóm bạn Pháp đã giúp tôi tổ chức bày tranh, khai mạc và bế mạc thuận buồm xuôi gió. Chỉ có duy nhất một chuyện bất ngờ tôi không lường trước. Vào lúc buổi khai mạc đã vãn người, có một ông già nhỏ thó, trước đó dạo xem rất lặng lẽ, đã đến bên tôi và tự giới thiệu bằng tiếng Pháp rằng ông là Paul Van Thé, bạn học ngày xưa cùng trường Mỹ thuật Đông Dương với bố tôi. Tôi ngạc nhiên đáp bằng cách hỏi lại: “Ơ vậy hả bác ? Cháu không thấy bố cháu kể…

Bản đồ vị trí La Trinité sur Mer trên bản đồ nước Pháp (ảnh nhỏ góc trên-trái) và bản đồ từ La Trinité sur Mer đến Locmariaquer (ảnh dưới). Nguồn internet.

“Belle-Ile” (1987), một bức tranh của Paul Van Thé. Nguồn: ouest-france.fr.

Hôm sau ông lái xe đến rước tôi sang chơi xưởng điêu khắc của ông ở một thị trấn còn nhỏ hơn nữa là Locmariaquer, cách La Trinité sur Mer khoảng 15 km. Một căn nhà nhiều cửa kính lớn xây giữa thảm cỏ bị xới tung bởi vô số hang thỏ. Có khoảng 5 đến 7 pho tượng. Tôi bỗng bị hút mắt vào tượng đầu một thiếu phụ trông “mỏng mày hay hạt” với vẻ trầm tư. Ông nói nhỏ:“Madame Nhu đó ”.

Tôi sực tỉnh vì cũng khá am hiểu tình hình thời sự, chính trị liên quan đến lịch sử đất nước nên hỏi lại ông: “Bà Ngô Đình Nhu hả bác ?” Ông gật đầu và kể vắn tắt rằng đó là bản nặn tư liệu cho tượng đài Hai Bà Trưng ở Sài Gòn dưới thời Ngô Đình Diệm. Tượng đài Hai Bà nhưng mang khuôn mặt của bà Trần Lệ Xuân và con gái Ngô Đình Lệ Thủy. Tượng được khánh thành vào tháng 3 năm 1962. Ngày 2.11.1963, tượng bị dân chúng kéo đổ chỉ một ngày sau khi hai anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị đảo chánh. Chuyện này ầm ĩ ở Sài Gòn một dạo, thời đầu những năm 1960. Sau đó, ông bỏ hẳn sang Pháp vì có quốc tịch Pháp sẵn.

Sau khi hai anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị đảo chánh, dân chúng kéo đổ tượng đài Hai Bà Trưng mang khuôn mặt chân dung của bà Trần Lệ Xuân và con gái. Nguồn từ hinhanhlichsu.org.

Các góc ảnh khác nhau về tượng đài Hai Bà Trưng tại Sài Gòn của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thế những năm 1962, 1963. Nguồn: hinhanhlichsu.org

Ấn tượng của tôi hôm đó về bức tượng chân dung bà Ngô Đình Nhu khá mạnh, vì được nặn khá giống mà lại có “thần”. Rất tiếc cả ảnh lẫn phim chụp hôm đó tôi để lại nhà cũ ở Hà Nội chứ không mang theo sang Canada nên hiện không có để làm minh họa cho bài viết này.

Trở lại chuyện thời học Mỹ thuật Đông Dương, ông kể đúng tên tất cả các bạn cùng khóa với bố tôi như Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Huỳnh Văn Thuận, Sỹ Ngọc, Trần Đình Thọ… Ông không dùng chữ lớp (classe) mà dùng chữ khóa (promotion). Hôm ấy tôi xin phép chụp vài kiểu trong xưởng của ông, tất nhiên có tượng bà Nhu và đặc biệt chụp chung kiểu ảnh với ông, định bụng về nhà sẽ rửa ra ảnh cho bố tôi nhận mặt bạn cũ. (Hồi ấy chưa phổ biến ảnh kỹ thuật số như bây giờ mà chỉ có phim nhựa và phải in tráng ra giấy ảnh mới xem được). Ông cũng viết một lá thư đưa tôi mang về cho bố.

Tượng bà Ngô Đình Nhu của nhà điêu khắc Paul Van Thé và chân dung ông cắt từ video của triển lãm Locmariaquer – Việt Nam, những cuộc gặp gỡ xuyên đại dương năm 2014 tại Bretagne, Pháp. Nguồn: Locmariaquer -Vietnam 2014 “Rencontres par delà les océans”. Sơn Ca cung cấp.

Tượng bà Ngô Đình Nhu của nhà điêu khắc Paul Van Thé tại triển lãm Locmariaquer – Việt Nam, những cuộc gặp gỡ xuyên đại dương năm 2014 tại Bretagne, Pháp. Nguồn: Locmariaquer -Vietnam 2014 “Rencontres par delà les océans”

Mãi tới khi xem ảnh và đọc thư bạn cũ gửi qua con thì bố tôi mới kể: “Bây giờ nước mình mở cửa, đổi mới, bố có thể kể cho con được…” Qua câu chuyện của bố, tôi được biết ông Văn Thế hồi đó từ Nam Kỳ ra học khóa nghệ nhân nghề gốm của trường dưới thời Hiệu trưởng thứ hai, ông Évariste Jonchère. Xong khóa, ông xin với Hiệu trưởng cho học tắt lên cao và được chấp thuận vào lớp điêu khắc cùng bà Nguyễn Thị Kim.

Tôi thắc mắc sao ông không thi vào chính khóa nhưng bố lờ đi, chỉ bảo rằng Hiệu trưởng rất nể ông và các sinh viên người Nam Kỳ (dưới thời Pháp thuộc họ được ưu tiên nhiều hơn vì đó là xứ thuộc địa, cao hơn xứ “bảo hộ” Bắc Kỳ và Trung Kỳ), nên chiều và cho phép ông lên học cùng. Nhưng rốt cuộc, luật là luật, không thi đầu vào thì cũng không được cấp bằng tốt nghiệp khi thi ra. Cuối cùng, ông chỉ có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa Nghệ nhân gốm mà thôi.

Bố tôi nhận xét ông nặn tượng tả thực theo mẫu khá nhanh nhạy, cũng chẳng kém gì sinh viên điêu khắc chính khóa. Nhưng khi cần cách điệu hay suy tưởng cao hơn thì ông có vẻ khó nhọc. Hồi ấy ít người chơi với ông dù ông rất cố gắng làm thân với mọi người. Chung quy vì có một rào cản vô hình bởi phần lớn các sinh viên chính khóa tự coi họ ở đẳng cấp cao hơn, biết sáng tác, sáng tạo trong khi khóa Nghệ nhân gốm bị coi là đẳng cấp thấp, loại “thợ” mà thôi. Có người còn mỉa mai là “thằng nặn nồi” ! Chỉ có bố tôi là không nề hà giao lưu. Chắc vì vậy mà ông rất nhớ và giữ thiện cảm với bố tôi. Sau này các cụ còn thư đi, từ lại vài lần nữa.

Ảnh danh sách học viên khóa XIII Trường Mỹ thuật Đông Dương. Bên trái chụp từ tạp chí, bên phải là đánh máy lại cho rõ.

Tôi vẫn nhớ thư đầu của ông hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Chỉ có mỗi 2 chữ Việt là “Chi Kim” (không có dấu nặng). Bố tôi dịch là ông ấy hỏi thăm bà Nguyễn Thị Kim, nhà điêu khắc nữ duy nhất cùng khóa bố tôi và từng cùng học với ông. Bố cũng đắn đo rồi nói thêm là hồi đó ông Thế và một sinh viên Nam Kỳ khác mê bà Kim lắm nhưng cuối cùng đành chịu thua vì bà Kim chọn ông Phạm Văn Đôn cùng khóa, cùng người Hà Nội mà hào hoa phong nhã hơn nhiều.

Cuối thư ông đưa ra ý định sẽ tổ chức một triển lãm chung với các bạn bè cũ từ thời Mỹ thuật Đông Dương. Buồn thay ý định đó vĩnh viễn không thành bởi vài năm sau bố tôi qua đời vì tuổi già và các cụ cùng khóa cũng lần lượt ra đi. Ngay sau khi bố tôi mất, mẹ tôi đã viết thư báo tin cho bác Thế. Khoảng tháng sau gia đình tôi nhận được thư chia buồn (không phải vì chậm viết mà vì thư từ hồi ấy lâu lắm). Mãi bây giờ tôi mới biết bác Thế còn sống đến tận năm 2011…

Mộ nhà điêu khắc Paul Văn Thé (1920 – 2011) tại Locmariaque, vùng Bretagne, Pháp. Nguồn: landrucimetieres.fr.

 

Bài: Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa từ Canada

Một số thông tin về Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thế (Paul Van Thé):

Ban biên tập Art Republik Việt Nam tìm được một số thông tin ít ỏi về nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thế từ một số nguồn trên báo Pháp. Ông sinh ngày 30.6.1920 tại Campuchia, tới Pháp năm 1947 qua Marseille. Từ năm 1948, ông chọn Locmariaquer, vùng Bretagne là bến cảng quê hương mình. Ông đoạt giải Nhì Giải thưởng Rome về điêu khắc vào năm 1950. Ngoài tạc tượng, ông còn sáng tác tranh. Những tác phẩm hội họa của ông “vượt qua những cái nhìn hàng hải về Châu Á và Vịnh Morbihan”, lần đầu tiên được trưng bày tại triển lãm “Locmariaquer – Việt Nam, những cuộc gặp gỡ xuyên đại dương” vào năm 2014, ba năm sau khi ông qua đời. (2)

Chú thích và trích nguồn:

(1) Le Font National (Mặt trận Quốc Gia Pháp) do Jean-Marie Le Pen sáng lập và là chủ tịch từ năm 1972, đến năm 2018, đổi tên thành Le Rassemblement National (Đảng tập hợp quốc gia) điều hành bởi Marine Le Pen, con gái Jean-Marie Le Pen.

(2) Sơn Ca tổng hợp thông tin từ website ouest-france.fr

_ _ _

Chuyên mục Ký ức Đông Dương, mong nhận thêm các bài viết tại địa chỉ: sonca@artrepublik.vn. Chân thành cảm ơn!


 
Back to top