Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Nghệ sĩ Huong DoDinh: Lần đầu sau hơn 50 năm

Jan 05, 2022 | By Tam Tam

Nghệ sĩ gốc Việt không hề thiếu, nhưng vấn đề luôn nằm ở chỗ nghệ thuật tạo hình đương đại Việt nhìn chung mắc kẹt ở một số định kiến và kiểu nhất định: chiến tranh, thuộc địa, Đông dương, hình tượng và sến…

Trên thực tế các nghệ sĩ Việt kiều sinh ra hoặc lớn lên ở châu Âu đều phát triển khá tốt nghệ thuật của mình. Có thể kể đến các nghệ sĩ ý niệm thành danh như Danh Vo, Mai Thu-Perret và Thu Van Tran.

Nhưng hội họa ở lứa còn sống thì không có quá nhiều cái tên nổi bật cho đến khi cô Đỗ Đình Hương triển lãm lần đầu tại bảo tàng Guimet ở Paris.

Nếu một số vị gốc Việt lạm dụng nghệ thuật như một loại hình tạp kỹ đánh bóng sự nổi tiếng thì nghệ thuật của cô Hương Đỗ Đình hướng đến chiều sâu thuần túy và phần nào vượt qua những định kiến trên.

Trong thế giới nghệ thuật đương đại, không nhất thiết nghệ sĩ gốc Việt phải tạo ra những thứ hoàn toàn thuần Việt hay có yếu tố Việt.

50 năm ẩn mình trước thị trường nghệ thuật, cô Hương muốn toàn tâm toàn ý cho thứ nghệ thuật mình theo đuổi. Giám tuyển có tiếng Hervé Mikaeloff là người giúp cô làm nên triển lãm này.

Triển lãm ngay tại một cơ sở nghệ thuật châu Á uy tín như musée Guimet là minh chứng vững chắc cho việc không chạy theo hào nhoáng sáo rỗng của thị trường nghệ thuật và khẳng định chất lượng nghệ thuật của cô nữ nghệ sĩ người Sóc Trăng, sinh năm 1945 này.

Xuyên suốt triển lãm từ 2 không gian của bảo tàng Guimet và Hotel Heidelbach cho thấy một người nghệ sĩ đi rất sâu về nghiên cứu dạng, hình thể và ánh sáng.

Xúc cảm cũng là chất liệu quan trọng trong các tác phẩm của cô. Các giá trị nghệ thuật tinh tế nhất, được đúc kết từ những trải nghiệm của cô ở môi trường nghệ thuật hậu hiện đại New York, đặc biệt là trừu tượng biểu hiện.

Hơn thế nữa, chất liệu màu trong các tác phẩm của cô đều được làm bởi chính cô. Gam màu lạnh chủ đạo của các tác phẩm mới bắt nguồn từ những hạt tuyết rơi theo như cô Hương chia sẻ.

Trong tác phẩm của cô dày đặc chất thiền và sự tập trung tuyệt đối vào cảnh vật trừu tượng cùng ánh sáng, thể hiện hoàn toàn dựa trên các khối cơ bản.

Việc nghiên cứu ánh sáng dựa trên sắc độ màu sắc, ta có thể nhắc tới những bậc thầy như Pierre Soulages còn nội tâm trừu tượng từ các khối trong hội họa không thể không nhắc đến Agnes Martin.

Ở tranh của cô Hương có cả hai thứ về ánh sáng cùng với các gam màu và xúc cảm với các đường nét. Mọi thứ đường bày rõ ràng một cách chân thực. Điểm thú vị là không gian triển lãm được đặt đèn khá tối một cách có chủ ý để người xem có thể cảm nhận rõ ràng nhất ánh sáng len lỏi phản chiếu trên các sắc tố màu của cô Hương tạo ra.

Rất khó để có tìm thấy ảnh hưởng của ai đó lên cô Hương và có thể khẳng định tranh của cô ở mức đỉnh đạt của một nghệ sĩ biết rõ con đường mình đi.


 
Back to top