Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Salvador Dalí: Cách mạng hóa thế giới bằng nghệ thuật ngông cuồng

May 24, 2022 | By Ton Binh

Trường phái siêu thực ra đời như một phong trào của văn học và nghệ thuật, đánh dấu cái gọi là tiềm thức phát khởi trong mọi hình tượng giữa thực và ảo. Siêu thực thẳng tay gạt bỏ những quy tắc trong ngữ pháp và thi pháp, được cai trị bởi sự thúc đẩy của cảm xúc, lôi cuốn trí tưởng của vô vàn nghệ sĩ, trong đó có Salvador Dalí. Kì dị và ngông cuồng, đó là cách ta nhìn vào Dalí và cũng là cách ông dùng để thay đổi thế giới.

Paranoiac Visage.

“Siêu bút” của Dalí đã mở ra trước mắt công chúng thế giới của những giấc mơ nhưng không thoát ly khỏi hiện tại. Nguồn cảm hứng của Dalí vẫn đến từ những khái niệm vật lý ngoài đời mà ai cũng quen, nhưng chúng méo mó, nhiễu loạn, lấp lửng, xếp chồng. Chúng thôi miên người xem bằng quyền năng của trí tưởng tượng. Với bản tính phóng khoáng, bất chấp luật điều, Dalí kiến tạo nghệ thuật từ lòng trung thành với những ám ảnh, nâng chúng lên thành cái nhìn siêu hình học để phác họa một cuộc chơi qua vùng đất đầy tối tăm nhưng diễm ảo của riêng ông.

Song đề mơ – thực của Dalí chịu sự chi phối của một nhà cách mạng lý thuyết khác là Sigmund Freud, cha đẻ của phân tâm học. Dalí tiếp nhận hoàn hảo logic của giai đoạn tâm phân học Freud thống trị. Theo lý thuyết tiềm thức của Freud, tiềm thức là một phần của tâm trí chứa toàn bộ suy nghĩ và cảm xúc không phụ thuộc vào nhận thức hay sự kiểm soát của cá nhân, nhưng nó thường xuyên tác động đến hành vi hữu thức của cá nhân đó.

Paranoiac-Critical Solitude.

Khi một người suy nghĩ hay có cảm xúc về một điều bất kì, cùng lúc đó ý thức ở tầng tiềm thức sẽ hoạt động, dẫn đến cái xảy ra trong giấc mơ, những giấc mơ ấy được mã hóa là do hoạt động của tiềm thức. Nhờ Freud, Dalí như được kích thích chạm tới tận cùng bí ẩn của những cơn mộng mị, ông phát triển tính chất phân tâm học trong tranh của mình bằng việc sáng tạo ra phương pháp hoang tưởng – phê phán (Paranoiac-critical method). Kỹ thuật này gợi mở trạng thái hoang tưởng mà không cần chất kích thích, mở ra một nỗi sợ bị thao túng hoặc kiểm soát bởi sức mạnh từ bên ngoài, tập trung chú ý tới cơ chế bên trong.

Diễn trình phương pháp này được thực hiện như một sự liên kết dấu hiệu của những giấc mơ. Đó là quá trình chuyển những thứ trừu tượng thành hình ảnh, liên kết chúng lại với nhau, sáng tạo chúng theo nhiều cách, bóc tách những bí mật ẩn sâu trong tiềm thức người nghệ sĩ: nỗi ám ảnh, nỗi sợ, những khúc mắc từ lâu. Như vậy, phương pháp này còn giúp nghệ sĩ khai phá chính bản thân, biến hình ảnh của hiện tượng hoang tưởng thành vật hiện hữu trên tác phẩm nghệ thuật trong thế giới hiện thực.

Qua đó, thay vì loại bỏ nỗi ám ảnh khỏi suy nghĩ như một cơ chế phòng thủ của tâm trí, người nghệ sĩ cân bằng chúng, biến chúng thành cảm hứng cho nghệ thuật thăng hoa. Dalí đã đạt tới cái đích của phân tâm học, bằng cách xâm nhập vào những cơn mơ, ông đã tìm ra một thực tại khác và sau khi trở về từ trạng thái “lên đồng”, ông vẽ lại những gì ông thấy.

Invisible Sleeping Woman, Horse, Lion, 1930.

Phương pháp hoang tưởng – phê phán ảnh hưởng lớn tới nghệ thuật biểu đạt của Dalí, đó là tính đề cao vật thể. Ông từng tuyên bố trong Những giới hạn mới của hội họa (The New Limits of Painting, 1928) rằng nghệ thuật tân tiến phải hiến dâng cho cái gọi là “sự tự trị thi ca của vật thể”. Dalí cho rằng tự bản thân vật thể đã có ý nghĩa, không cần phải tác động tới chủ thể con người ở hiện thực. Hiện thực là khách quan, ông tin nếu quá chú trọng nghệ thuật vào khách quan, tất yếu sẽ dẫn đến thất bại trong việc nhận thức vẻ đẹp tự thân của thế giới.

Dalí đã giải phóng mọi bản thể vật chất khỏi công năng của chúng (dematerialising), để chúng “không còn phục vụ cho mục đích nào cả” và rồi siêu linh hóa mọi thứ (spiritualising) để tạo ra những hình thức năng lượng mới mẻ. Tài nghệ vẽ của Dalí đã khiến người xem sửng sốt bằng cách phá vỡ quan niệm định kiến về thực tiễn khi biến đổi một con ong thành hổ, cá và lưỡi lê trong bức Dream caused by the Flight of a Bee around a Pomegranate a Second before Wakening up, 1944; hay đặt bên cạnh nhau những hình ảnh và biểu tượng sóng đôi (double imagery) như trong Swans Reflecting Elephants, 1937.

Swans Reflecting Elephants, 1937.

Siêu thực phản ánh sự xa rời khỏi những khuôn sáo, hàn lâm, trái lại đề cao những thứ không chịu sự kiểm soát của lý trí. Sứ mệnh của người nghệ sĩ siêu thực không phải là tìm ra vật thể có thể phục vụ chủ thể một cách vẹn toàn, mà là giải phóng vạn vật ra khỏi tâm trí điều khiển chúng. Sự thay đổi quan niệm này phải gắn với một cuộc cách mạng khoa học tự nhiên, nhằm tạo ra một nhận thức mới về thế giới, chính Dalí đã là người khai sáng, giúp làm rộng ra thế giới của cái nhìn duy lý chủ nghĩa.

Dream caused by the Flight of a Bee around a Pomegranate a Second before Wakening up, 1944.

Điều gì xảy ra với trường phái siêu thực

 Với nhiều văn nhân như André Breton, người sáng lập chủ nghĩa siêu thực, phương hướng nghệ thuật của họ dựa trên tư tưởng tiềm thức và suy tư, đó là cõi riêng nghệ thuật của họ, không cần ai phân đoạn luận thay họ. Đây là “chủ nghĩa tự khởi”, nghĩa là tự chủ động, tự mô thức hóa, tượng trưng cho lối viết tự nhiên, bộc phát. Họ cho rằng chỉ có đường lối tự khởi mới chụp được hình ảnh tư duy của tiềm thức mà thôi.

Còn với Dalí, những gì thuộc vô thức tự khởi thường lấy từ tiềm thức và những gì thuộc bề mặt của tư duy tiềm thức, việc của người nghệ sĩ là đi tới phân đoạn luận và làm sáng tỏ hình tượng siêu hình đó. Dalí và Breton từng cộng tác với nhau cùng các nghệ sĩ siêu thực Pháp về các dự án và làm phim, nhưng sau đó ông bị trục xuất khỏi nhóm vì bất đồng trong quan điểm chính trị. Song, có lẽ đây là lúc ông thật sự buông xuôi con thuyền ông từng bấu víu để thỏa mãn cơn mê siêu thực, mở màn cho sự nở rộ họa phái của ông.

Cái nhìn độc đáo vào thế giới nghệ thuật và cái nhìn say đắm trong những hoang tưởng kì dị tạo nên sự kì diệu của đôi tay khéo léo, để Dalí đưa ảo giác của mình lên những tấm toan. Lòng kiêu hãnh và sự ngông cuồng từ chính bản chất của ông đã khiến ông ngông cuồng sáng tác, chứng minh cho chính nhận định của ông về bản thân: “Tôi chính là người cứu rỗi hội hoạ khỏi sự đe doạ của trường phái Trừu tượng, Siêu thực hàn lâm, Dadaism nói chung, và tất cả các thể loại ‘ism’ cũ mèm khác”.

Linkingpaste


 
Back to top