Nghệ thuật

Thưởng lãm “50 năm nghệ thuật sơn dầu và tranh in của họa sĩ Lê Huy Tiếp”

Dec 24, 2020 | By Trang Ps

Trong các sáng tạo nhân văn và lãng mạn, nghệ thuật của Lê Huy Tiếp thỏa mãn nhu cầu thưởng lãm cái đẹp của thị giác qua kỹ thuật điêu luyện, bút pháp hiện thực có yếu tố siêu thực và tượng trưng. Dù thực hành nghệ thuật bằng nhiều chất liệu khác nhau, Lê Huy Tiếp thể hiện sự đồng nhất trong tư duy tạo hình.

Cô gái và con chó trắng, 1975, sơn dầu trên vải.

Triển lãm “50 năm nghệ thuật sơn dầu và tranh in của họa sĩ Lê Huy Tiếp” sẽ diễn ra 7 ngày từ ngày 23 tới 30 tháng 12 năm 2020. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của ông (1950-2020), triển lãm giới thiệu tới công chúng các sáng tác từ năm 1968 tới năm 2020, với hơn 120 tác phẩm hội họa (sơn dầu, acrylic, sơn mài, bút sắt, chì, than, màu nước) và đồ họa tranh in (khắc cao su, khắc kẽm, khắc đồng, in khô, in litho trên đá và bản kẽm, in độc bản, in lưới, in lõm) từ 12 bộ sưu tập bảo tàng và bộ sưu tập tư nhân tại Việt Nam, Úc và Mỹ.

Son 1969, sơn dầu trên bìa.

Sống trong nền văn hóa Nga và tiếp xúc với bộ sưu tập hậu ấn tượng của bảo tàng Pushkin và Hermitage, Lê Huy Tiếp từng theo đuổi trường phái hậu ấn tượng vào năm 1969-1970. Trong những năm 1971 -1974, ông ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực mới và chủ nghĩa biểu hiện với các đề tài về tội ác chiến tranh tại Việt Nam. Từ năm 1975, khi nghệ thuật ở Việt Nam mang nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, tôn vinh các giá trị cộng đồng, cổ động đời sống lao động chiến đấu và sản xuất, họa sĩ Lê Huy Tiếp đã sớm quan tâm và nhấn mạnh đời sống riêng tư, sự cô đơn và những niềm hy vọng cá nhân lẻ loi. Thời kỳ Đổi mới cho tới nay, khi xã hội bắt đầu mở cửa cho nền kinh tế tư nhân và đời sống cá nhân phát triển, ông đã có cái nhìn xa hơn tới mối quan hệ con người-thiên nhiên-vũ trụ, luân hồi sinh-tử và nỗi cô đơn của mỗi cá nhân, mỗi vật chất, từng sinh thể.

Trẻ mồ côi đọc thông cáo về hòa bình, 1973, khắc kẽm.

Trong 50 năm, họa sĩ Lê Huy Tiếp đã có nhiều đổi thay về tư duy sáng tạo và ngôn ngữ tạo hình. Lần đầu tiên, công chúng được chứng kiến cùng lúc sự thay đổi ấy trong một không gian nghệ thuật tại triển lãm lần này.

Khởi đầu (tự họa), 1978, sơn dầu trên vải.

100 tác phẩm sơn dầu và tranh in từ 12 bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và các bộ sưu tập tư nhân tại Việt Nam như Trần Hậu Tuấn, Phạm Việt, Phan Phi Yến… Công chúng sẽ được thưởng ngoạn nhiều nghệ phẩm hiếm khi trưng bày như: Phố Khâm Thiên sau bom Mỹ (1972), Hoà bình (1986), Thái Bá Vân (1998), Trời và đất (2003), Du thuyền “Cristal Symphonia” (2013), Gió tháng 7 (2019); và các tác phẩm tranh in như bộ tranh “Chiến tranh Việt Nam“ (1971-1973), Mùa Xuân (1985), Mực khô và những đồng tiền (2005), Nhạc chiều (2012)… Đặc biệt, hai tác phẩm được trao tặng giải thưởng Nhà Nước năm 2007 như Chiến tranh (1986), Eva trở về (1997) và Môi trường biển (2001) cũng sẽ được trưng bày. 

Chiến tranh, 1986, sơn dầu trên vải.

Hòa bình, 1985, sơn dầu trên vải.

Nhân dịp này, họa sĩ Lê Huy Tiếp sẽ có buổi nói chuyện với công chúng vào 14g30 chiều thứ 5 ngày 24/12/2020.

Thông tin triển lãm:

  • Triển lãm diễn ra từ ngày 23 tới 30/12/2020
  • Địa điểm: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội
  • Khai mạc: 17g30 thứ 4 ngày 23/12/2020
  • Buổi nói chuyện: 14g30 – 16g30 thứ 5 ngày 24/12/2020
  • Vào cửa miễn phí. Triển lãm mở cửa hàng ngày từ 8g30 – 17g00. 


 
Back to top