Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Trò chuyện Art Republik: Nem, nghệ thuật & chứng tự bế

May 09, 2021 | By Trần Đan Vy

Dù mới 15 tuổi, họa sỹ tự bế Nem (sinh năm 2005, Hà Nội) đã có một khối lượng tranh vẽ khổng lồ, lên đến hàng nghìn bức. Chỉ với đường nét đơn giản của bút bi, mực hay dạ, cậu tưởng tượng ra vô số nhân vật vui nhộn với đủ vẻ sinh động trong không gian hai chiều. Tranh cậu còn mang tính hài hước khi lồng ghép các câu chữ tiếng Anh hay từ ngữ do cậu tự nghĩ ra, đôi khi đề cập đến cả chủ đề về giới tính.

Nem, nghệ thuật chứng tự bế

Ảnh: Courtesy of Nem’s family

Đằng sau sự cởi mở tự do trong tranh Nem là sự động viên tích cực từ gia đình và một thế giới tràn ngập yêu thương luôn có sự đồng hành của cha mẹ và em gái. Cậu được khuyến khích vẽ chân dung tặng mọi người như một cách làm quen bạn mới hay thể hiện tình cảm thay lời nói. Nhưng sở trường của Nem vẫn là những bức vẽ thể hiện thế giới sáng tạo hồn nhiên của riêng cậu.

Nem hiện sống ở Bỉ cùng gia đình. Cha mẹ Nem đều là kiến trúc sư. Anh Hà Đình Long làm việc ở một công ty kiến trúc xây dựng, còn chị Nguyễn Lan Phương đang làm luận án tiến sĩ về đề tài thiết kế nhà ở hỗ trợ khả năng sống độc lập cho người tự bế. Em gái Hà Minh Châu năm nay 10 tuổi, hiếu động và cũng rất thích vẽ. Hãy cùng tìm hiểu về Nem cũng như chứng tự bế qua góc nhìn của mẹ cậu.

Tại sao anh chị lại đặt biệt danh Nem cho Hà Đình Chí?

Ngày chị mang thai Nem, bác sỹ siêu âm khám thấy bị dày ra gáy, có nguy cơ thai dị tật và yêu cầu chọc ối để xét nghiệm. Chị đi chọc ối và gửi sang Singapore, kết quả là thai nhi bình thường. Sau khi nhận kết quả, hai vợ chồng vui quá, đi ăn ở một nhà hàng chuyên bán nem. Và thống nhất khi nào đẻ con sẽ đặt nickname là Nem để kỷ niệm bữa ăn nem. Kết quả thì Nem đẻ ra không giống bình thường, anh chị lại buồn. Sau đó, Nem trở thành một cậu bé bất thường nhưng không tầm thường, bây giờ anh chị lại vui.

Nem có nhận thức thế nào về việc sáng tạo nghệ thuật?

Trước năm 2014, dường như Nem chưa nhận thức rõ rằng bản thân đang sáng tạo nghệ thuật, vẽ là nhu cầu để Nem xả ra ngoài vô số hình ảnh trong đầu và “buôn chuyện”. Năm 2011, chị cho Nem học vẽ nhưng rất khó dạy Nem vì dạy một đằng vẽ một nẻo. Năm 2012, Nem học một thầy một trò, cách này phù hợp hơn nhưng thường phải hơi ép, nên phần lớn Nem vẽ theo nhu cầu để xả.

Nem, nghệ thuật chứng tự bế

Ảnh: Courtesy of Nem’s family

Năm 2014, sau khi có triển lãm “Câu chuyện của Nem” thì Nem nhận thức được là Nem đang sáng tạo nghệ thuật và thích vẽ. Nem thích được mọi người yêu quý và được khen. Nem vẽ xong thì hay mang ra hỏi “Có đẹp không?” hay “Có được triển lãm không?”. Như vậy, Nem ý thức được là đang sáng tạo nghệ thuật.

Đến tận bây giờ, năm 2020, Nem đi học lớp vẽ ở trường Ecole des Beaux Arts ở Wavre, Bỉ. Trong khi các bạn trong lớp vẽ theo chỉ dẫn của thầy giáo, Nem vẫn thường vẽ một mình một kiểu và chỉ nội dung của Nem nghĩ ra.

Chứng tự bế gây những khó khăn gì cho việc sáng tạo nghệ thuật của Nem?

Nem có xu hướng giữ nguyên kiểu vẽ, khó khăn trong việc sử dụng chất liệu mới và cách vẽ mới. Điều này có thể thấy rõ khi so sánh với em gái Minh Châu. Trong khi Minh Châu sẵn sàng vẽ trên các chất liệu khác nhau (màu nước, màu dạ, màu chì, màu acrylic, màu bột, cắt dán, giấy, bìa carton…), Nem thường chỉ thích vẽ trên giấy và dùng bút dạ.

Nem có một số đặc điểm khi vẽ, không hiểu đấy là yếu điểm hay ưu điểm, nhưng rõ ràng là đặc điểm. Đặc điểm về sự “phiêu”: vận động tinh của Nem kém, nên Nem thường vẽ kiểu “phiêu”, nghĩa là không gò bó theo một khuôn hình nào cả, vẽ đến đâu thì Nem tự xử lý tiếp đến đó, sao cho hình “có nghĩa” theo góc nhìn của Nem. Nên nếu được yêu cầu vẽ theo mẫu thì Nem sẽ vẽ mẫu theo kiểu của Nem. Và Nem vẽ nét rất nhanh, dường như không cần phải suy nghĩ trước khi vẽ.

Nem, nghệ thuật chứng tự bế

Ảnh: Courtesy of Nem’s family

Đặc điểm khác là Nem dường như không quan tâm đến việc sử dụng hay sáng tạo ra các kỹ thuật vẽ mới. Ví dụ khi vẽ màu acrylic, được giới thiệu cách dùng bút lông phết màu lên toan, Nem có thể làm được, nhưng sau đó Nem không thực hiện tiếp các kỹ thuật đã được giới thiệu, mà có xu hướng quay lại kiểu vẽ cũ. Trong khi Minh Châu thì lại thích mày mò các hiệu ứng và kỹ thuật khác nhau như dùng bút lông phết màu, vẩy màu, kỹ thuật in (dùng các loại lá nhúng màu và in lên giấy)…

Nghệ thuật tác động thế nào đến Nem và gia đình mình?

Nem tự tin hơn, nhất là khi mọi người khen Nem vẽ đẹp. Nhờ có vẽ, Nem “giao tiếp” với mọi người tốt hơn. Và mọi người đánh giá khả năng của Nem tốt hơn.Thực tế là người tự kỷ có sự phát triển không đồng đều trên nhiều mặt. Nem rất kém trong tương tác, giao tiếp xã hội và thể hiện lời nói, nhưng Nem lại vẽ được và có thể dùng hình vẽ để “kể chuyện”. Khi Nem vẽ, chị biết được nhiều hơn những gì Nem đang nghĩ trong đầu.

Nem, nghệ thuật chứng tự bế

Ảnh: Courtesy of Nem’s family

Nem nhiều khi hay bực tức mà không nói được. Những lúc như thế, chị thường nói Nem vẽ ra sự bực tức, thì Nem sẽ vẽ ra được. Khi vẽ, Nem có thời gian để suy nghĩ và sắp xếp ý tốt hơn. Nhiều khi nói Nem không hiểu rõ, chị thường vẽ hình. Nem hiểu hình ảnh tốt hơn lời nói.

Nem cần có không gian để vẽ và để bày giấy, dụng cụ vẽ. Hiện nay, nhà thuê ở Bỉ hơi chật so với Nem. Nhà ở Việt Nam thì đủ rộng cho Nem vẽ.

Chị có thể kể một kỷ niệm đáng nhớ về Nem?

Nem từng vẽ liên tục 3 tiếng không ăn. Khi vẽ theo kiểu của Nem thì Nem vẽ rất say sưa và rất đẹp. Nhưng nếu yêu cầu Nem vẽ theo chủ đề thì tỉ lệ thất bại cao.

Chị có thể so sánh phương pháp giáo dục dành cho người tự bế ở Bỉ và Việt Nam?

Khác biệt lớn nhất ở Bỉ và ở Việt Nam liên quan đến tính chủ động. Ở Bỉ, thầy cô giáo nghe và quan sát Nem nhiều hơn trước khi thực sự hướng dẫn Nem học hay làm. Năm đầu tiên ở Bỉ, chị rất sốt ruột, vì Nem toàn khủng hoảng, đến lớp không tham gia hoạt động gì, hay có nhiều hành vi tự làm đau bản thân, hay mệt mỏi. Thầy cô mời Nem tham gia hoạt động, nếu Nem không muốn tham gia thì Nem có thể ngả ngốn cả ngày. Trong suốt năm đầu tiên, mục tiêu chính của nhà trường là tìm hiểu Nem. Sau một năm, Nem “tiến bộ” hơn, thể hiện rõ là Nem muốn thế này, muốn thế kia, tính chủ động của Nem tốt hơn.

Nem, nghệ thuật chứng tự bế

Ảnh: Courtesy of Nem’s family

Nếu so sánh, ở Việt Nam, cảm giác là các thầy cô giáo thường dành thế chủ động, bằng mọi cách yêu cầu Nem tham gia hoạt động, nên có vẻ Nem bị động hơn khi ở Việt Nam, có nghĩa là bảo gì thì làm nấy. Nên khác biệt rõ nhất ở Bỉ là Nem cần chủ động, nhưng việc này rõ ràng đòi hỏi nhiều thời gian.

Chị nhận định gì về cách tiếp cận hay nhận thức về chứng tự bế ở Việt Nam? Có điều gì cần thay đổi không?

Câu hỏi này cần rất nhiều thời gian để trả lời, khái niệm và định nghĩa về tự kỷ thay đổi liên tục từ năm 40 cho tới nay. Việc tiếp cận về tự kỷ cũng có nhiều cách khác nhau. Ví dụ nếu nhìn từ góc độ y tế, tự kỷ là một khuyết tật cần can thiệp, nhưng nếu nhìn từ góc độ xã hội thì tự kỷ là một đặc tính. Cái khó là chứng tự kỷ thường hay kèm theo các vấn đề khác, ví dụ rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu… Đối với các vấn đề y tế thì cần có sự can thiệp để chất lượng cuộc sống được cải thiện. Ví dụ, Nem bị rối loạn giấc ngủ nên ban ngày mệt mỏi và hay buồn ngủ. Nem còn bị rối loạn lo âu nên “bắt sóng” các thông tin tiêu cực hơn là thông tin tích cực, Nem cũng hay sợ hãi. Cần nhận biết rõ đặc tính của tự kỷ và các vấn đề đi kèm để có giải pháp tiếp cận phù hợp.

Nem, nghệ thuật chứng tự bế

Ảnh: Courtesy of Nem’s family

Khi nói đến tự kỷ là nói đến một phổ rộng, từ những người tự kỷ kèm chậm phát triển trí tuệ cần sự hỗ trợ hàng ngày cho đến những nhà khoa học thành công như Temple Grandin. Từ góc nhìn xã hội, tự kỷ nói riêng và khuyết tật nói chung được tạo ra bởi sự tương tác giữa con người và môi trường (xã hội và vật chất), do đó môi trường (xã hội và vật chất) có thể tạo ra bối cảnh khuyết tật cho con người. Lấy ví dụ dễ nhìn thấy: nếu đến một tòa nhà có bậc thang thì người đi xe lăn gặp bối cảnh khuyết tật và trở thành khuyết tật; nhưng nếu tòa nhà có đường dốc, thang máy thì người đi xe lăn không gặp bối cảnh khuyết tật và họ không phải là người khuyết tật lúc đó. Do đó, nếu môi trường xã hội và môi trường vật chất được điều chỉnh phù hợp với người tự kỷ, người tự kỷ sẽ có cuộc sống chất lượng tốt.

Nói tóm lại là cần hiểu, tôn trọng đặc tính tự kỷ; hiểu và tôn trọng sự khác biệt về hệ thần kinh (sự đa dạng thần kinh). Tự kỷ là đặc tính không hoặc khó thay đổi được về bản chất. Môi trường cần được thay đổi để đáp ứng nhu cầu của người tự kỷ.

Gia đình mong muốn điều gì cho tương lai của Nem?

Chị mong rằng Nem được sống hạnh phúc trong môi trường phù hợp với mong muốn của Nem và được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của Nem: (1) Nem có việc làm theo sở thích, đi làm hàng ngày đóng góp cho xã hội; (2) Nem có chỗ ở như Nem muốn, có người ở cùng, có bạn bè, có hàng xóm, có người thân xung quanh giúp đỡ, cho dù bố mẹ còn hay không còn đồng hành cùng Nem.

Nem, nghệ thuật chứng tự bế

Ảnh: Courtesy of Nem’s family

Thực hiện: Trần Đan Vy


 
Back to top