Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Trò chuyện cùng Trần Đan Vy về bộ sưu tập Bốn Mùa của 1618m Gallery

Jan 12, 2022 | By Ace Le

Trò chuyện với nhà phê bình nghệ thuật Trần Đan Vy, cố vấn nghệ thuật cho bộ sưu tập Bốn Mùa của 1618m Gallery vừa được ra mắt cuối năm 2021 tại khách sạn Cat Cat Galerie d’Art, Sa Pa.

Trong khi đại dịch Covid đã và đang làm chững lại nhiều hoạt động trong lĩnh vực du lịch – khách sạn, một số nhà đầu tư đã tận dụng quãng thời gian này để hoàn thiện các dự án mới, đặc biệt là xu hướng lồng ghép nghệ thuật vào chiến lược tạo dựng bản sắc và câu chuyện cho thương hiệu, kéo theo nhu cầu nhờ tới dịch vụ tư vấn, giám tuyển chuyên nghiệp. Tổng Biên tập Art Republik, anh Ace Lê, đã có dịp ngồi lại chuyện trò với nhà phê bình nghệ thuật Trần Đan Vy, cố vấn nghệ thuật cho bộ sưu tập Bốn Mùa của 1618m Gallery vừa được ra mắt cuối năm 2021 tại khách sạn Cat Cat Galerie d’Art, Sa Pa.

Ace Lê: Chào Đan Vy, và chúc mừng bạn đã hoàn thành dự án giám tuyển đầu tay cho bộ sưu tập Bốn Mùa. Bạn có thể điểm qua một vài điểm nổi bật của dự án?

Đan Vy: Bộ sưu tập Bốn Mùa của 1618m Gallery tại Khách sạn Cat Cat Galerie d’Art (Sa Pa) có nhiều điểm khác biệt so với bộ sưu tập của các khách sạn nghệ thuật khác ở Việt Nam. Thứ nhất là sự tương tác trực tiếp của các nghệ sỹ và nghệ nhân đương đại với không gian và văn hóa Sa Pa qua các tác phẩm đặt hàng riêng cho 1618m Gallery. Thứ hai là sự đa dạng về chất liệu, kỹ thuật và phong cách; từ hiện thực, ấn tượng cho đến siêu thực, trừu tượng biểu hiện, tạo nên những tương phản thị giác sinh động, lạ mắt. Thứ ba, bộ sưu tập có chủ đề xuyên suốt là bốn mùa vùng cao với các khu vực xuân, hạ, thu, đông đầy ý vị.

Điều quan trọng cuối cùng đó chính là sự hội tụ của nhiều nghệ sỹ trẻ tiềm năng thuộc thế hệ 9x như Đoàn Thanh Hương, Cao Văn Thục, Nguyễn Hoàng Dung, Nguyễn Hưng Giang và Trần Ngọc Nam. Tất cả cộng hưởng tạo nên một không khí trẻ trung và tràn ngập sức sống mới.

Ace Lê: Và bạn có thể giới thiệu một vài tác phẩm nổi bật từ bộ sưu tập?

Đan Vy: Trong số những tác phẩm nổi bật nhất của 1618m Gallery phải kể đến bức tranh “Ngược Thời Gian về Hầu Thào” của họa sỹ trẻ Trịnh Nhật Vũ và bộ kính màu “Sơn Đăng” của Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hồng Vinh.

Theo những gì tôi biết thì với kích thước 1.8 x 4.5 mét, “Ngược Thời Gian về Hầu Thào” hiện là bức tranh phong cảnh tả thực đề tài Sa Pa lớn nhất Việt Nam. Kích thước hoành tráng là một phần, quan trọng là tác phẩm tốn nhiều thời gian để lên ý tưởng và bố cục rồi lại được vẽ rất tỉ mỉ và công phu với nhiều chi tiết đòi hỏi tính kiên nhẫn cao. Ngoài ra, tác phẩm còn là sự đúc kết từ các nghiên cứu lý thuyết màu sắc và ánh sáng của Nhật Vũ.

Về bộ kính màu “Sơn Đăng”, yếu tố kích thước cũng góp phần quan trọng vào việc tạo cảm giác choáng ngợp. Tổng diện tích kính màu lên tới hơn 40 mét vuông. Nếu treo thêm gương ở những mảng tường trống của tầng bảy có lẽ hiệu ứng sẽ còn mạnh hơn nữa, như bước vào bên trong một cái kính vạn hoa phóng to. Điểm đặc biệt của bộ kính màu nằm ở thiết kế hiện đại với các hình kỷ hà là chủ đạo và lấy cảm hứng từ hoa văn trên trang phục truyền thống của người H’Mông. Kể cả giữa đêm tối mây mù, tác phẩm trừu tượng sặc sỡ này vẫn tỏa sáng lung linh huyền ảo, như một ngọn đèn khổng lồ ngự trên núi.

Ace Lê: Có lý do nào đứng sau quyết định lựa chọn phong cách hiện thực làm chủ đạo cho bộ sưu tập không? Nói rộng hơn, khung tiêu chí lựa chọn tác giả/tác phẩm là gì, và quá trình đó diễn ra thế nào?

Đan Vy: Một nhà tư vấn nghệ thuật không giống với một nhà phê bình hay giám tuyển. Khi làm tư vấn nghệ thuật, các tiêu chí đánh giá tác phẩm sẽ bị chi phối bởi nhiều yếu tố thực tiễn cả chủ quan lẫn khách quan như sở thích hay gu thẩm mỹ của nhà sưu tập, ngân sách đầu tư, tính chất không gian trưng bày, môi trường bảo quản cùng các yêu cầu cụ thể khác (1). Mọi đánh giá chuyên môn về kỹ thuật, thẩm mỹ, tư tưởng tác phẩm cũng chỉ mang tính tương đối, chứ không mang tính quyết định.

Về phía nghệ sỹ nhận đặt hàng, họ phải chịu áp lực về mặt thời gian vì hợp đồng nào thì cũng đều có thời hạn hoàn thành. Thời gian chính là một yếu tố khách quan khác nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Nếu tôi làm dự án này với tư cách một nhà phê bình khắt khe hay giám tuyển thủ cựu, thay vì một nhà tư vấn nắm bắt được tình hình thực tế, thì chắc chắn công việc sẽ không suôn sẻ.

Ngoài những tiêu chuẩn cơ bản như tác phẩm có thẩm mỹ tốt, có tính sáng tạo và hợp chủ đề thì còn hai tiêu chí khác mà tôi ưu tiên đối với dự án này để đảm bảo được sự độc đáo và chất lượng. Thứ nhất là tôi tìm đến các nghệ sỹ trẻ, đặc biệt là thế hệ 9x vì họ có những ý tưởng mới mẻ nhưng chưa có nhiều cơ hội trưng bày tác phẩm ở nơi công cộng. Điểm này chắc chắn tạo nên sự khác biệt. Thứ hai là tôi ưu tiên nghệ sỹ người dân tộc hoặc những nghệ sỹ có nhiều trải nghiệm thực tế ở Sa Pa nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Tác phẩm của họ có khả năng chuyển tải những câu chuyện và cảm xúc chân thật, như vậy sẽ mang đến chất lượng về mặt tinh thần. Có một lần tôi bắt chuyện với chị Lý Mẩy Trang, phó lễ tân khách sạn để hỏi cảm nhận của chị về các tác phẩm ở sảnh chính. Chị cho biết chị đã thấy xúc động khi xem các bức tranh của họa sỹ Trịnh Chấn Nam, bởi lẽ hình ảnh trong tranh ấm áp và gợi nhớ về cuộc sống thường nhật của chính chị, một người Dao Đỏ đến từ Tả Phìn.

Ace Lê: Đan Vy là một trong những số ít sử gia nghệ thuật trẻ được đào tạo bài bản trên giảng đường quốc tế, nhưng như bạn chia sẻ, đây lại là một dự án có tính bản địa (và dân tộc) cao, đồng thời giao thoa với những vận hành thương mại. Đã có những thách thức và hạn chế nào đối với bạn và đội ngũ?

Đan Vy: Đây là lần đầu tiên tôi phải hợp tác với những nhóm không cùng chuyên môn với mình. Khác với công việc của một giám tuyển làm việc trong môi trường liên quan đến chuyên môn (ví dụ, bảo tàng, gallery và biennale), công việc tư vấn của tôi đòi hỏi sự linh động vì phải làm việc với nhiều lĩnh vực khác như nội thất, kiến trúc, dịch vụ khách sạn, tài chính và marketing.

Dự án mang tính ứng dụng cao nhưng đồng thời tôi cũng không muốn để nghệ thuật trang trí lấn át bởi lẽ các tác phẩm trang trí bắt mắt đã quá phổ biến ở các khách sạn khác. Nhưng nhiều khi cũng khó để các bên khác hiểu những quan điểm nghệ thuật của tôi. Chủ đề và vị trí trưng bày bộ sưu tập khá cụ thể nên quy mô lựa chọn cũng hạn chế. Ví dụ, có một tác phẩm đẹp nhưng kích thước, tông màu hoặc tâm trạng (mood) tỏa ra không phù hợp với không gian thì cũng không thể chọn. Tìm được tác phẩm đáp ứng mọi tiêu chí là cực kỳ khó nên những lúc như vậy tôi sẽ quay lại với hai tiêu chí ưu tiên của mình.

Mọi thứ đều phải tính toán kỹ lưỡng ngay từ đầu. 1618m Gallery không chỉ hướng tới đối tượng người yêu và hiểu mỹ thuật mà tới nhóm người xem rất rộng, từ người lớn cho tới trẻ nhỏ, từ người dân địa phương đến khách du lịch. Tôi phải đặt mình vào vị trí của nhiều người khác nhau, trong đó tất nhiên có cả nhà đầu tư, trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng.

Ngoài ra, còn phải cân nhắc tới những yếu tố ngoại cảnh như khí hậu Sa Pa để có thể lên phương án bảo quản tác phẩm tốt nhất có thể (cũng chính vì điều này mà tôi ưu tiên chất liệu acrylic). Đấy là chưa kể phải hoàn thiện dự án đúng thời hạn, nên rất cần sự quyết đoán. Làm thế nào để chọn tác phẩm vừa đẹp vừa có ý nghĩa mà không bị sến và sáo mòn? Làm thế nào để tác phẩm phù hợp với không gian nhưng không biến thành vật trang trí đơn thuần? Làm thế nào để thu hút công chúng nhưng không biến 1618m Gallery thành địa điểm chụp ảnh check-in nông cạn, sáo rỗng?

Có lẽ điều khó nhất chính là cân đối giữa thẩm mỹ và tầm nhìn của cá nhân tôi với tất cả các yếu tố trên. Chính những thử thách trên lại khiến tôi có hứng thú với dự án này.

Ace Lê: Và Đan Vy đã đúc kết được gì trong và sau quá trình tìm lời giải cho các thử thách đó? Đặc biệt là khi so sánh kinh nghiệm này với các dự án trong không gian white cube / black box / grey space đang diễn ra với mật độ cao tại các tụ điểm nghệ thuật thành thị?

Đan Vy: Theo quan sát chủ quan của tôi thì các triển lãm nghệ thuật có giám tuyển chuyên nghiệp tại Việt Nam phần nhiều vẫn chỉ thu hút cộng đồng người xem rất nhỏ, tức là mọi hoạt động vẫn diễn ra trong một cái bong bóng của thế giới nghệ thuật đương đại. 1618m Gallery là cơ hội tuyệt vời để đại chúng tiếp xúc với các hình thức mỹ thuật cơ bản một cách thư giãn và tự nhiên.

Cả khi ở nước ngoài lẫn khi về nước, tôi đều không có trải nghiệm tích cực khi tham quan các không gian trưng bày tối giản có tường trắng kiểu the white cube; nó thường làm tôi cảm thấy có phần lạnh lẽo, nhàm chán và thậm chí là “ngột ngạt” (trừ khi tác phẩm được trưng bày có chất lượng cao, chiếm ngự được bầu không khí). Đấy là trải nghiệm cá nhân của tôi còn từ góc độ nghệ sỹ, vẫn có nhiều người chọn tường trắng để tập trung sự chú ý vào tác phẩm của mình.

Ngược lại, khoảng thời gian thực tập ở Bảo tàng Peggy Guggenheim Collection (Venice, Ý) đã cho tôi thấy sức mạnh của một không gian nghệ thuật độc đáo, có bản sắc riêng. Địa điểm của bảo tàng là Palazzo Venier dei Leoni xây dựng từ thế kỷ 18 và là nhà riêng của bà Peggy Guggenheim từ năm 1949 đến năm 1979. Tòa nhà nằm ngay sát Grand Canal với khung cảnh tuyệt đẹp và vô cùng lãng mạn. Các tác phẩm nghệ thuật hiện đại ở đây trở nên sống động hơn hẳn, như thể chúng có một đời sống riêng gắn liền với lịch sử Palazzo Venier dei Leoni và những câu chuyện thú vị về bà Peggy Guggenheim.

Khó khăn trong việc sắp đặt một gallery khách sạn được bù đắp bằng lợi thế về cá tính không gian và địa điểm. Nội thất đầy sắc màu của Khách sạn Cat Cat Galerie d’Art đem lại cảm giác ấm cúng, thân thiện và gần gũi; đây cũng chính là tiền đề để du khách có tâm trạng thoải mái khi thưởng thức nghệ thuật. Trước khi được cải tạo vào năm 2021, Cat Cat Galerie d’Art từng là Cat Cat View, một khách sạn gia đình xây dựng từ năm 1996 và do chủ cũ tự thiết kế một cách ngẫu hứng. Từ đây có thể ngắm nhìn cả thung lũng Mường Hoa thơ mộng lẫn dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, một địa điểm lý tưởng để đắm chìm trong cái đẹp. Điều quan trọng là du khách có thể tự do lựa chọn thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên hay cái đẹp của nghệ thuật, thay vì bị các tác phẩm “bao vây” như trong các không gian trung tính chuyên biệt.

Ace Lê: Một trong những biểu hiện khác của sự “ngột ngạt” Đan Vy nhắc tới là trong ngôn ngữ. Khi chúng ta được đào tạo trong khung giáo dục nghệ thuật Tây phương với tiếng Anh là ngôn ngữ chính (lingua franca), việc diễn đạt nội dung cho người Việt thường bị sa đà vào thuật ngữ, tạo ra rào cản tiếp cận cho công chúng. Bạn giải quyết vấn đề này thế nào?

Đan Vy: Thay vì sử dụng ngôn ngữ hàn lâm học thuật như trong các bài phê bình, tôi chọn lối viết rõ ràng, dễ hiểu cho cuốn catalogue sắp ra mắt trong năm nay để giới thiệu về bộ sưu tập của 1618m Gallery. Ý định của cuốn catalogue là dẫn dắt người xem qua các tác phẩm theo thứ tự trưng bày ở khách sạn từ sảnh chính lên nhà hàng bằng những kiến thức mỹ thuật cơ bản. Tôi nhấn mạnh vào các cảm nhận trực quan và những thông tin dễ tiếp cận để tránh gây hoang mang cho những ai ít tiếp xúc với nghệ thuật và kiến thức hàn lâm. Ngoài ra còn có nhiều trích dẫn của chính các nghệ sỹ, nghệ nhân và nhân viên khách sạn để đem đến những góc nhìn đa chiều và chân thực.

Đa phần các bài viết về nghệ thuật ở Việt Nam hoặc là nặng về lý thuyết khô khan, vô cảm hoặc là thiên về cảm tính, cường điệu mà thiếu chiều sâu học thuật. Có trường hợp viết rất chung chung, tưởng như ghép với tác phẩm hoặc nghệ sỹ nào cũng được. Có trường hợp văn vẻ phóng đại quá, nghe thì có vẻ thuyết phục nhưng không tương ứng với tác phẩm thực tế. Khi viết cho độc giả phổ thông, tôi hướng tới lối viết chi tiết cụ thể, cân bằng giữa học thuật và cảm hứng. Văn phong và giọng điệu thì tùy ngữ cảnh và cá tính người viết nhưng quan trọng là cách diễn đạt phải sáng sủa và nội dung phải trung thực.

Trong quá trình viết catalogue cũng như thực hiện dự án thì tôi luôn nung nấu mong muốn nâng cao thẩm mỹ của công chúng, khơi gợi sự hiếu kỳ và đánh thức lòng rung cảm mỹ thuật trong mỗi người. Điều gì áp đặt và gượng ép đều sẽ phản tác dụng nên hy vọng cuốn catalogue sẽ gợi mở những suy tư về nghệ thuật theo một cách thật tự nhiên và thuần túy. Tôi mong mọi người đến với nghệ thuật vì chân giá trị của nghệ thuật chứ không vì bất cứ thứ gì khác.

Ace Lê: Dưới vai trò giám tuyển, Đan Vy muốn gửi gắm thông điệp gì thông qua dự án đầu tay này?

Đan Vy: Về mặt văn hóa, bộ sưu tập Bốn Mùa tôn vinh vẻ đẹp của cảnh vật cũng như bản sắc dân tộc thiểu số ở vùng cao miền Bắc Việt Nam. Bộ sưu tập này đã truyền rất nhiều cảm hứng cho tôi tìm hiểu thêm về thiên nhiên và con người vùng cao. Về mặt nghệ thuật, tôi muốn khẳng định là nghệ thuật đương đại không nhất thiết lúc nào cũng phải khai thác cái mới, khó hiểu, lãnh đạm, khoa trương, nổi loạn, châm biếm, hoài nghi, khiêu khích, gây tranh cãi hay phản ánh thời cuộc một cách lộ liễu và thậm chí là đầy bất mãn. Đó hầu hết là những đặc tính của chủ nghĩa hậu hiện đại mà trên thế giới người ta đã bàn đến hồi kết của nó từ lâu.

Đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch đầy khủng hoảng như hiện nay, con người sẽ cần đến những kiểu nghệ thuật như thế nào? Tiếp nối truyền thống, trong sáng, chân tình, ý nhị, tinh tế, sâu lắng, uyên thâm, hướng thượng, nhân văn, tuyệt mỹ và siêu phàm? Liệu có một sự tái sinh mới sau đại dịch về các giá trị chân, thiện, mỹ? Bộ sưu tập Bốn Mùa không chỉ là linh hồn của Khách sạn Cat Cat Galerie d’Art mà còn có thể coi là thử nghiệm độc lập bước đầu để tái minh chứng cho câu nói “cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới” (2).

Ace Lê: Cảm ơn những lời chia sẻ rất thẳng thắn và chân thành của Đan Vy. Chúc không gian và dự án vận hành thành công trong năm 2022!

Đan Vy: Rất cảm ơn Tổng Biên tập Ace Lê đã dành thời gian cùng tôi nhìn lại dự án đặc biệt này vào dịp đầu năm mới. Nhân đây cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành tới nhà sưu tập đã tin tưởng và trân trọng ý kiến của tôi, cùng tất cả nghệ sỹ và nghệ nhân đã tin tưởng và đồng hành cùng tôi trong dự án này.

Chú thích

(1) Khác với các gallery thương mại thông thường nơi nghệ sỹ ký gửi tác phẩm, toàn bộ tác phẩm tại 1618m Gallery đều đã được khách sạn sưu tập.

(2) Fyodor Dostoevsky trích dẫn trong Alexandr Solzhenitsyn, “Nobel Lecture in Literature 1970”, NobelPrize.org, Nobel Prize Outreach AB 2021, nobelprize.org/prizes/literature/1970

Photo credit:

Nguyễn Khắc Quân © Khách sạn Cat Cat Galerie d’Art – Công ty Cổ phần Đầu tư Investcom

Giới thiệu về Đan Vy:

Trần Đan Vy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Cô tốt nghiệp đại học chuyên ngành đôi Lịch sử Mỹ thuật (ngành chính) với Điện ảnh học (ngành phụ) ở Oxford Brookes University (Anh Quốc); hoàn thành chương trình thạc sỹ chuyên ngành Quản trị Nghệ thuật ở The American University of Rome (Ý). Cô đã đến 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, thực tập tại các bảo tàng và gallery ở Anh và Ý. Hiện cô viết báo, viết phê bình mỹ thuật tự do tại Hà Nội. Bài phê bình mới nhất của cô là “Người trên cao của Thục” đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội số 975.

Nguyễn Ngọc Quân, “Đan Vy” (2019), màu nước trên giấy Arches, 34 x 23,5 cm.


 
Back to top