Nghệ thuật

Từ Na Uy đến Việt Nam: “Jakob” khám phá niềm thân mật qua ngôn ngữ múa đương đại

Nov 23, 2022 | By LUXUO

Ngày 25/11 tới đây, buổi công diễn “Jakob” – tác phẩm múa đôi đến từ Na Uy của biên đạo múa gốc Việt Tony Trần kết hợp cùng workshop về chuyển động và ánh sáng sân khấu do các nghệ sĩ trong đoàn múa dẫn dắt sẽ được gửi đến khán giả tại Hà Nội. Sự kiện cũng được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 30/11. 

Chuyến lưu diễn “Jakob” được tài trợ một phần bởi Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn Na Uy, Hội Đồng Nghệ thuật Na Uy, do Đại Sứ quán Na Uy tại Hà Nội cùng MORUA, H2Q Art, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) tại Hà Nội và Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Kinergie Studio, Theater 21, Lặng Spot, nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Na Uy và Việt Nam (1971 – 2021).

“Jakob”: Niềm thân mật ở khoảng giữa cuộc gặp gỡ 

Tiêu đề “Jakob” hướng đến hai mặt nghĩa khác nhau: trong bối cảnh Na Uy, cái tên Jakob đại diện cho tính chất vững vàng – một kẻ tốt tính và thích phiêu lưu. Mặt khác, trong Kinh thánh, Jakob lại là một kẻ lọc lừa và dối trá. Biên đạo múa Tony Tran muốn xem chuyện gì sẽ xảy ra khi hai thứ trái ngược này gặp gỡ nhau. Và niềm thân mật xuất hiện, trong chính những khoảng giữa của cuộc gặp ấy.

Biên đạo múa gốc Việt Tony Tran

Sự thân mật không nhất thiết lệ thuộc vào tính dục, giới tính hay tình yêu” (Jonas Øren viết về Jakob). Đó cũng là khởi điểm của Tony Tran khi bắt tay sáng tạo Jakob (2019), một vở múa đôi mô tả cuộc gặp gỡ thân mật giữa hai người nam, trong cùng một căn phòng, nhìn nhau. Tất cả bắt đầu từ những cái nhìn. Cái nhìn có khả năng lột tả mạnh mẽ về hai cơ thể đang chuyển động. Một cái nhìn cất lên ngàn lời. Phần biên đạo cũng chi tiết đến từng đầu ngón tay, tập trung vào trọng lượng, hơi thở, phản ứng của hai cơ thể.

“Intimate Masculinity” (Nam tính thân mật) 

Diễn viên múa Knut Vikstrøm Precht

Bạn diễn của Tony là vũ công người Thụy Điển Knut Vikstrøm Precht. Hai người không hề quen biết nhau cho đến khi bắt đầu làm việc chung. Ngoài chuyện cần dành nhiều thời gian để hiểu thêm về nhau trong công việc và đời sống riêng, cả hai đã cùng trải qua quá trình xóa nhòa các vùng thân mật để có thể đặt niềm tin nơi nhau. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra để từng nghệ sĩ định nghĩa về sự thân mật theo cách hiểu của cá nhân mình. Sự thân mật mà hai người có với nhau – một người dị tính và một người đồng tính – tạo nên một mảnh đất màu mỡ cho mối quan hệ của đôi bạn diễn. Điều chưa biết trở thành yếu tố quan trọng để hai nhân vật khẳng định mình và liên tục tạo ra những thay đổi từ phía người còn lại.

Thông qua Jakob, Tony thể hiện tham vọng phá vỡ rập khuôn truyền thống trong cách thể hiện tính nam và những kỳ vọng thông thường về vai trò giới. Ở trên sân khấu, hai diễn viên nam có thể vừa lãng mạn, vừa bạo lực mà không nhất thiết phải được hiểu là hai người nam đồng tính, dị tính hay bất cứ định giới nào ở giữa. “Nam tính thân mật” (intimate masculinity) được mô tả ở đây cũng không nhất thiết ám chỉ các quan hệ tình cảm lãng mạn. Nó gọi tên tất cả các mối quan hệ của con người. Qua những chuyển động nặng tính thể lực đồng thời mang phong thái đùa chơi, Tony TranKnut Vikstrøm Precht (diễn viên múa) mời mọc người xem vào những mặc tưởng về cách một mối quan hệ có thể vừa giới hạn và phóng thích ta, vừa hỗ trợ và hủy hoại ta. 

Lấy điều chưa biết lấp đầy cái thân thuộc 

Tony chia sẻ, với tư cách là một người trình diễn, bạn sẽ phải nhập cuộc vào việc kiếm tìm những góc nhìn mới trong những thứ vốn đã tồn tại từ lâu. Bằng cách này, những điều quen thuộc sẽ luôn luôn được lấp đầy bởi những cái chưa biết, và rồi từng chi tiết của tác phẩm cũng theo đó mà không ngừng hấp thụ các giá trị mới.

“Jakob” tiếp nối nghiên cứu của biên đạo múa Tony Tran về quyền lực và căn tính trong mối quan hệ giữa người với người. Những mối quan hệ và tính nhị phân có sức ảnh hưởng như thế nào lên những lựa chọn của ta? Khi sóng đôi cùng người khác, hành vi và hành động của ta được định hình ra sao? Chúng ta gặp nhau như thế nào?

Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu do nghệ sĩ cung cấp, trong đó có bài phê bình “Intim Maskulinitet” (tạm dịch “Nam tính thân mật”) của Jonas Øren về “Jakob” trên trang Dansens Hus.


 
Back to top