Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Xem Thuỷ mặc Tạ Duy trong trưng bày “Nghệ thuật bỏ trống” 

Aug 22, 2022 | By Art Republik

Tuần lễ trưng bày “Nghệ thuật bỏ trống” của Tạ Duy giới thiệu 17 tác phẩm tranh Thủy mặc khổ lớn – đem đến một phong vị khác lạ cho công chúng khi đa phần các triển lãm hội họa đương đại được vẽ theo kỹ thuật phương Tây.

Tạ Duy, tác phẩm trong trưng bày, mực và màu trên lụa – giấy. Ảnh: Trần Thu Huyền

Thủy mặc và thẩm mỹ phương Đông

So với những trường phái nghệ thuật khác của phương Tây, tranh Thủy mặc thể hiện những chủ đề, nội dung đơn giản và có tính truyền thống hơn nhưng chú trọng vào sự điêu luyện của nét, hình, bố cục cùng những nguyên tắc riêng của mỹ học phương Đông. Lục pháp – sáu nguyên tắc thẩm mỹ được Tạ Hách – một họa gia nổi tiếng thế kỷ VI tóm tắt lại từ hội họa trung hoa cổ điển. Sáu nguyên tắc đó là: Khí vận sinh động/ Cốt pháp dụng bút/ Ứng vật tượng hình/ Tùy loại phú thái/ Kinh dinh vị trí/ Truyền di mô tả. Sáu nguyên tắc ý nói: Đầu tiên, phải tạo được cái không khí sống động trong bức tranh. Thứ hai, dựng nên cấu trúc của đối tượng bằng bút pháp của họa sĩ. Thứ ba, miêu tả hình dáng của sự vật tương ứng. Thứ tư, tùy từng sự vật mà cho những màu sắc thích hợp. Thứ năm, sắp xếp vị trí của sự vật tạo bố cục theo ý của họa sĩ. Thứ sáu, học hỏi những cách vẽ được truyền lại của người xưa.

Tạ Duy, “Tĩnh vật hoa mẫu đơn”, mực trên giấy (2021), 68 x 95 cm. Ảnh: The Muse Artspace

Có thể thấy, hội họa Trung Hoa cũng quan tâm đến các khía cạnh cơ bản nhất trong tạo hình đó là cấu trúc, hình dáng, màu sắc, bố cục. Nhưng điều đặc biệt, nếu như ở phương Tây họa sĩ học hỏi tiền bối những khía cạnh như bút pháp, kỹ thuật thì các họa sĩ Trung Hoa học hỏi các bậc tiền bối trong cách mô tả các đối tượng cụ thể (truyền di mô tả) và coi đó là niềm tự hào. Chính yếu tố này đã đem đến cho hội họa Trung Hoa sức sống mãnh liệt, và Thủy mặc trở thành trường phái phát triển dài lâu nhất trong nền hội họa thế giới.

Tạ Duy, “Tĩnh vật”, mực trên giấy (2021), 70 x 98 cm. Ảnh: The Muse Artspace

“Khí” và “bút lực” là hai yếu tố đặc biệt quan trọng trong hội họa Trung Hoa, cũng là những yếu tố mang đậm tính triết học phương Đông. Trong học thuyết của Lão Tử (TK VI TCN): “Khí” là một phạm trù căn bản đi cùng với “Đạo”. “Đạo” và “Khí” là bản thể của mọi vật. “Đạo bao hàm khí”. “Khí” là sự hỗn độn của “Đạo”, “Khí” phân hóa thành “âm” và “dương”. Vạn vật sản sinh từ sự giao hòa của âm dương chính là sự thống nhất của “Khí”. “Khí” vận hành lưu thông sinh ra sự vận động biến hóa. Đối với họa sĩ, yếu tố “Khí” còn được hiểu là khí chất bẩm sinh, thuộc về bản năng. Trong hội họa, “khí phách” của người họa sĩ được truyền vào tác phẩm. Mặt khác, có thể hiểu “Khí” còn là dòng chảy lưu thông trong tác phẩm, được hiện diện thông qua nét bút của người họa sĩ – chính là “bút lực” – thể hiện khí thế và sức mạnh, năng lực của bút pháp. Như vậy, “Khí vận sinh động” và “Cốt pháp dụng bút” có liên quan chặt chẽ cả về biểu hiện lẫn ý nghĩa. Cái thú vị của việc xem tranh Thủy mặc, một phần không nhỏ là ở việc quan sát nét bút và bố cục trong tranh, bởi thông qua hai yếu tố đặc biệt này người xem có thể cảm nhận trực tiếp được sự biến hóa của đối tượng, khí chất của tác giả lưu trên giấy mực.

Tạ Duy, “Tĩnh vật hoa Hướng Dương 2”, mực trên giấy (2021), 68 x 120 cm. Ảnh: The Muse Artspace

Tạ Duy và những tác phẩm theo lối Trung Quốc họa

Trưng bày lần này của Tạ Duy bao gồm các tác phẩm vẽ trên 2 chất liệu lụa và giấy, với 2 dòng tranh có màu sắc và đen trắng. Các tác phẩm có màu chủ yếu về phong cảnh còn đen trắng ở những bức tranh tĩnh vật.

Với tranh tĩnh vật đen trắng (mực trên giấy) người xem có cơ hội chiêm ngưỡng bút pháp của Tạ Duy. Họa sĩ dùng cọ to đi vệt lớn và đậm cho đường bao của bình hoa, một số cánh hoa và lá. Đây cũng là những đối tượng chính nổi bật lên phía trước tác phẩm. Cành hoa phát triển theo nhiều hướng. Chính cành hoa là thứ xuyên suốt và kết nối trong các tác phẩm tĩnh vật. Hay nói cách khác, cành là thành tố chính của nhịp điệu, điều hướng “Khí” trong bức tranh bởi từ cành, hoa lá mới trổ ra. Trong những nét vẽ cành, Tạ Duy thể hiện rõ sự đậm-nhạt của mực, nét ấn-buông hay ở cành ta thấy rõ khía cạnh của “bút lực”.

Tạ Duy, “Tĩnh vật hoa Phù Dung”, mực trên giấy (2021), 65 x 140 cm. Ảnh: The Muse Artspace

Người xem cũng có thể quan sát lá và cánh hoa trong các tác phẩm để thấy được sự dứt khoát trong cách Tạ Duy thể hiện những đối tượng qua nét bút theo phong cách Trung Quốc họa. Điều đặc biệt trong một nét vẽ của hội họa Trung Hoa cổ điển là sự liền mạch, không hoặc rất ít nhấc bút. Liền mạch thể hiện khí chất và sự kiểm soát mọi yếu tố nghiêm ngặt của họa gia. Trình độ càng cao thì khả năng làm chủ bút mực càng lớn. Mỗi nét vẽ sau khi hạ bút lên giấy và kết thúc thì không thể tẩy xóa và coi như đã hoàn thành.

Tạ Duy, “Hoàng Yến”, màu trên lụa (2021), 80 x 80 cm. Ảnh: The Muse Artspace

Khi đặt bút xuống, họa sĩ đồng thời đã phải xác định được đường hướng trong không gian, hình dạng, kích thước tỷ lệ của đối tượng so với tương quan bên cạnh và tổng thể bức họa. Và hơn thế là cả độ đậm-nhạt, đặc-rỗng của mực để thể hiện xa gần, sáng tối trong không gian hay như nhìn thấy xương cốt bên trong và thần thái bên ngoài của vật thể. Để có thể kiểm soát được theo ý muốn, họa sĩ phải khéo léo và tài tình trong việc làm ướt bút bằng nước và lấy mực tới đâu ở đầu bút, đặt bút như nào trên giấy để cùng lúc đi được nhiều sắc độ và kiểm soát được tất cả những yếu tố trên. Như vậy để thấy, với hội họa Thủy mặc nói riêng và phương pháp vẽ Trung Quốc họa nói chung, luyện bút chính là một kung fu.

Tùy từng nội dung và phong cách mà các họa sĩ Thủy mặc thể hiện nhiều hay ít trên mặt giấy. Với các tác phẩm trong lần trưng bày này, Tạ Duy để lại nhiều khoảng trống. Nếu nét bút thể hiện tính dương thì khoảng trống đại diện cho âm. Nét bút có giá trị tạo hình không những cho nét dương mà còn cho tính thẩm mỹ của khoảng âm trong tác phẩm. Như vậy, trong một nét vẽ, người vẽ phải tạo hình cho cả hình và nền.

Tạ Duy, “Ao thu”, màu trên lụa (2021), 80 x 80 cm. Ảnh: The Muse Artspace

Khoảng trống trong hội họa Trung Hoa có ảnh hưởng từ quan điểm của Thiền Tông trong Phật giáo về “tính không”, mà về sau khi Thủy mặc được thực hành lan rộng sang Hàn Quốc và Nhật Bản, các họa sĩ cũng để lại nhiều khoảng trống trong tranh theo sắc thái riêng của đất nước mình. “Tính không” trong Phật giáo được hiểu là khoảng trống, không phải là không có gì mà là bao hàm tất cả, mọi vật đều giả hợp, không có tự tính, dựa vào nhau mà có. Nhiều chiếc bình hoa trong tranh Tạ Duy được vẽ ước lệ, bằng nét to, đậm tạo đường bao còn bên trong để rỗng. Nét vẽ này gợi nhớ đến hình ảnh vòng tròn enso đặc trưng cho chủ nghĩa tối giản trong tranh Thủy mặc sinh ra từ thẩm mỹ Nhật Bản.

Tạ Duy, “Tĩnh vật hoa Hướng Dương 5”, mực trên giấy (2020), 56 x 135 cm. Ảnh: The Muse Artspace

Bên cạnh những bức tranh đen trắng, phong cảnh có màu trong các tác phẩm của Tạ Duy như: Xuân sớm, Chớm thu, Lập đông, Xuân quang, Ao thu, Sương thu…, cũng thể hiện những đối tượng giản dị trong đời sống mang tính thời khắc của tự nhiên, đẹp và chớp nhoáng. Ở những tác phẩm này, khoảng trống cũng chiếm phần lớn hơn so với sự vật hiện tượng.

Tạ Duy, “Sương thu”, màu trên lụa, 80 x 80 cm. Ảnh: The Muse Artspace

Xem tranh của họa sĩ Tạ Duy vừa có thể nhận ra những nguyên tắc thẩm mỹ của Trung Quốc họa, nhưng cũng vừa gần gũi với khán giả Việt Nam. Bởi những chủ đề và đối tượng họa sĩ lựa chọn thể hiện không quá xa lạ trong đời sống Việt. Và cái chính là thẩm mỹ Việt, đời sống Việt đã dung dưỡng nên tâm hồn người họa sĩ thì sẽ không thể biến mất hoàn toàn cho dù người họa sĩ ấy có sử dụng kỹ thuật hội họa nào đi nữa.

Trưng bày “Nghệ thuật bỏ trống” của tác giả Tạ Duy kéo dài đến 31/8 tại The Muse Artspace.

Chân dung họa sĩ Tạ Duy. Nguồn: The Muse Artspace.

Trần Thu Huyền


 
Back to top