Không gian sống

Cách kiến trúc thúc đẩy đa dạng sinh học trong môi trường đô thị

Jan 10, 2022 | By Trang Ps

Theo chuyên gia, thành phố đóng một vai trò hết sức quan trọng với việc bảo tồn đa dạng sinh học, mà trong đó, Singapore đang đi đầu trong thách thức này với chiến lược toàn diện “thành phố trong tự nhiên”. Chúng ta có thể tiếp cận đa dạng sinh học tại môi trường đô thị ra sao, và kiến trúc có thể đóng góp cho lý tưởng này như thế nào?

Nottingham, UK.

Đa dạng sinh học đã trở nên phổ biến trong các mô tả dự án như một dấu ấn đặc trưng về thành tựu thiết kế liên quan đến môi trường. Việc ngày càng tập trung vào tính bền vững với những tiêu chuẩn lấy cảm hứng từ danh sách mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc khiến các nhà sáng tạo thêm thúc đẩy hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa của đa dạng sinh học trong môi trường đô thị và xem xét làm cách nào để kiến ​​trúc và thiết kế đô thị có thể đóng góp một cách tích cực cho lý tưởng này.

Đứng trước vấn nạn tuyệt chủng của các loài tăng cao và quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, các thành phố trở thành nhân tố thiết yếu trong việc duy trì đa dạng sinh học cũng như vai trò của kiến trúc xây dựng ở khía cạnh thúc đẩy môi trường sống đa loài.

Thành phố Sakai, Nhật Bản.

Đa dạng sinh học đề cập đến sự phong phú của các loài, sự biến đổi di truyền của chúng cũng như tính liên quan đến môi trường sống. Với hơn một nửa dân số thế giới sống ở các khu vực thành thị và tỷ lệ đô thị hóa dự kiến ​​đạt 68% vào năm 2050, những môi trường sống tự nhiên đang dần biến mất và các khu vực đô thị đang nhanh chóng mở rộng trong môi trường tự nhiên đa dạng ở Brazil, Tây Phi và Đông Nam Á. Hơn nữa, mất đa dạng sinh học và tính toàn vẹn của hệ sinh thái dẫn đến các vấn đề như ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính,… Chưa kể, những nghiên cứu gần đây cho thấy các thành phố đóng vai trò quan trọng hơn trong việc bảo tồn đa dang sinh học.

Water Front Cultural Park của Shenzhen Bao.

Một khái niệm thiết yếu cần đưa ra trong phương trình đa dạng sinh học tại thành phố là đẩy mạnh dịch vụ hệ sinh thái, tức một loạt các lợi ích mà môi trường tự nhiên cung cấp cho con người như không khí sạch, thụ phấn, sức khỏe thể chất đến điều tiết thời tiết khắc nghiệt. Khi cuộc sống hàng ngày phụ thuộc vào các dịch vụ hệ sinh thái, được hỗ trợ bởi đa dạng sinh học, tác động của nó đối với con người đô thị trở nên rõ ràng. Do đó, những nhà quy hoạch đô thị và kiến ​​trúc sư ngày càng nhận thức rõ hơn về tác động của thiên nhiên trong thành phố và nhiều khía cạnh quan trọng trong việc phát triển một cuộc sống đô thị bền vững và lành mạnh.

Các chiến lược đa dạng sinh học trong môi trường đô thị

Pavilion at Expo 2020 Dubai của Singapore.

Một vài thành phố đã giải quyết khá tốt vấn đề mất đa dạng sinh học, mà trong đó, Singapore đã đi đầu trong thách thức này với chiến lược toàn diện “Thành phố trong tự nhiên “. Theo đó, Singapore có kế hoạch mở rộng thêm 300 ha vườn và công viên vào năm 2026, lên kế hoạch phục hồi 100 loài thực vật và 60 loài động vật và mỗi hộ gia đình chỉ cách công viên 10 phút đi bộ.

School La Pau Square.

Để nhấn mạnh cam kết thúc đẩy đa dạng sinh học, thành phố đã đưa ra Chỉ số Singapore về Đa dạng sinh học vào năm 2008, một ý tưởng giúp các thành phố đánh giá nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học của địa phương đồng thời cung cấp các công cụ và thước đo để thực hiện những kế hoạch và hành động.

Các báo cáo mới nhất được công bố vào tháng 9 năm 2021 đã kết hợp các đề xuất của chuyên gia và thành phố để sử dụng khung chỉ số của Singapore trong phục hồi môi trường sống, nông nghiệp đô thị đến giải pháp dựa trên điều kiện tự nhiên cho cơ sở hạ tầng. Không chỉ dừng lại ở đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới gần đây đã khởi động sáng kiến ​​các thành phố sinh học đến năm 2030, tập hợp các chuyên gia và học viên từ khu vực công và tư nhân có chuyên môn về bảo tồn đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu nhằm phát triển mô hình đô thị hòa hợp với thiên nhiên.

Kiến trúc có thể đóng góp cho đa dạng sinh học như thế nào?

Trudo Tower.

Vào năm 2019, Chính phủ Vương quốc Anh thông báo rằng những phát triển quy hoạch mới phải chứng minh được sự gia tăng tối thiểu 10% về đa dạng sinh học. Điều đó đòi hỏi đội ngũ KTS và nhà thiết kế phải có am hiểu nhất định về vấn đề này.

Kiến trúc có thể góp phần thúc đẩy đa dạng sinh học bằng cách tạo ra cơ hội về môi trường sống như một phần trong các dự án phát triển mới, bảo vệ môi trường sống tại chỗ và tìm cách liên kết chúng với những vị trí xa hơn. Quản lý nước, sử dụng nước xám và vật liệu xây dựng từ chất thải tái chế cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Những mái nhà trồng cây, mặt tiền cây xanh, cây cối ven đường, cùng với cơ sở hạ tầng xanh lớn hơn như công viên và đất ngập nước, có thể thúc đẩy đa dạng sinh học bằng cách cung cấp môi trường sống cho các loài chim, động vật thụ phấn và những loài động vật khác. Quá trình xây dựng chắc chắn tác động đến động-thực vật địa phương, nhưng các phương pháp tiếp cận và phát triển có kiểm soát như thiết kế sản xuất và lắp ráp (DfMA), nơi đồ dùng được chế tạo ngoài công trường, có thể giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đáng kể.

Trong khi khung giá trị của các đô thị đối với bảo tồn đa dạng sinh học vẫn đang được thiết lập, ngày càng có nhiều người thừa nhận rằng đô thị là một khía cạnh quan trọng trong việc phát triển các giải pháp cho cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học toàn cầu. Đồng thời, việc khắc phục tình trạng mất đa dạng sinh học đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên, từ các cơ quan khoa học, chính quyền, nhà quy hoạch đô thị đến đội ngũ kiến ​​trúc sư, tất cả đều nỗ lực hướng tới việc xây dựng thành phố như môi trường sống đa loài.

(Theo Archdaily)


 
Back to top