Sống / Nội thất

Sự trở lại của Radical Design – phong trào thẩm mỹ thập niên 80

Nov 06, 2021 | By Stephanie Nguyen

Radical Design hay thiết kế Radical là một phong trào rất quan trọng trong lịch sử nghệ thuật thế giới và đang dần trở lại để định hình thiết kế hiện đại. Để tôn vinh và tri ân Radical Design, bài viết này sẽ tóm tắt nguồn gốc, phân biệt phong trào này với các kiểu thiết kế cùng thời, và nói về tầm ảnh hưởng của thiết kế radical lên kiến trúc, thời trang và thiết kế nội thất ngày nay.

Radical Design hay thiết kế radical là một phong trào thiết kế ra đời ở Ý vào năm 1966 và kết thúc vào giữa những năm 70. Phong trào này được các kiến trúc sư, nhà thiết kế, và sinh viên mỹ thuật tại Ý tạo nên để chống đối chủ nghĩa hiện đại (modernism). Các sản phẩm ra đời từ phong trào thiết kế radical có ngoại hình độc đáo, có thể biến tấu về kích thước, hình dáng, và cách sử dụng, cũng như phong phú về màu sắc, các yếu tố trang trí và vật liệu.

Sự ra đời của thiết kế radical là điều tất yếu. Vào giữa thập niên 1960, nước Ý đang thịnh hành chủ nghĩa tiêu thụ. Người dân thời điểm đó chuộng những sản phẩm được sản xuất hàng loạt với cùng khuôn mẫu, thiết kế tối giản và không màu mè. Lúc đó, những thiết kế đơn giản mà tối ưu được chức năng của thành phẩm mới được coi là đẹp. Những tài năng trẻ của Ý trong ngành mỹ thuật và kiến trúc với tư tưởng táo bạo và muốn vượt ra khỏi sự rập khuôn đã lập nên phong trào để thách thức cái đẹp ‘chuẩn’ của thời bấy giờ.

Vào những năm 1960, Poltronova, hãng nội thất cao cấp lâu đời của Ý đã có đội ngũ các nhà thiết kế là những thành viên chủ chốt của phong trào thiết kế radical như Ettore Sottsass – giám đốc sáng tạo của hãng, Gae Aulenti, Paolo Portoghesi, Giovanni Michelucci, Angelo Mangiarotti, nhóm thiết kế Archizoom và Superstudio, và De Pas-D’Urbino-Lomazzi. Năm 1966, sau khi Sergio Cammilli, người sáng lập Poltronova và Ettore Sottsass tham dự triển lãm Superarchitettura của Superstudio và Archizoom, họ đã mời hai nhóm thiết kế có tiếng nói nhất trong phong trào kiến trúc radical về làm việc cho Poltronova. Chính thương hiệu này đã biến những ý tưởng táo bạo của các tài năng radical trở nên hữu hình và khởi đầu cho sự hiện diện của radical design.

Các sản phẩm nội thất thấm nhuần triết lý của phong trào thiết kế radical mà hiện nay rất thịnh hành bao gồm gương Ultrafragola, ghế Superonda, ghế Joe và ghế Sofo của Poltronova.

Ghế Sofo thiết kế bởi Superstudio cho Poltronova (Ảnh: Italian Atelier)

Gương Ultrafragola thiết kế bởi Ettore Sottsass cho Poltronova (Ảnh: Italian Atelier)

Ghế Joe thiết kế bởi Jonathan De Pas, Donato D’Urbino và Paolo Lomazzi cho Poltronova (Ảnh: Italian Atelier)

Ghế Superonda thiết kế bởi Archizoom Associati cho Poltronova (Ảnh: Italian Atelier)

Phân biệt Radical Design với Anti Design

Phong cách thiết kế hay bị nhầm lẫn nhất với thiết kế radical là Anti Design (phản thiết kế). Một trong những lý do dẫn đến sự trộn lẫn khái niệm là do Ettore Sottsass, một trong những nhà thiết kế lừng danh nhất tại Ý là thành viên cốt cán của cả hai phong trào này.

Ettore Sottsass (Ảnh: Italian Atelier)

Vậy Radical Design và Anti Design khác nhau như thế nào?

Vì ra đời cùng thời điểm và cùng có một tệp chung các nhà thiết kế theo đuổi hai trường phái này, Radical Design hay bị nhầm lẫn với Anti Design. Nhìn chung, cả hai phong trào đều lên án Modernism (Chủ nghĩa Hiện đại). Nếu như Modernism hướng tới công năng sử dụng của thiết kế và tính bền vững của sản phẩm thì hai trường phái kia lại quan niệm đồ vật có thể thay thế được và luôn tìm cách khai thác sức mạnh của thiết kế. Các nhóm thiết kế tiên phong trong hai phong trào này đều phản đối cách hoạt động nghệ thuật thời đó, khi thiết kế tối giản lên ngôi, tất cả sự vật đều giống nhau về mặt ngoại hình và không có cá tính hay chủ nghĩa cá nhân.

Tuy nhiên, các nhóm theo Radical Design có nhiều động cơ chính trị hơn và dành nhiều thời gian nghiên cứu kiến trúc hiện đô thị, sự cách tân, và môi trường. Họ nhiệt liệt chống đối các ràng buộc của chủ nghĩa tư bản. Mỗi sản phẩm của họ đều phục vụ cuộc sống của con người mà vẫn giúp nhân loại hòa hợp với thiên nhiên.

Phân biệt Radical Design và Anti Design như thế nào?

Vì ra đời cùng thời điểm và cùng có một tệp chung các nhà thiết kế theo đuổi hai trường phái này, Radical Design hay bị nhầm lẫn với Anti Design. Nhìn chung, cả hai phong trào đều lên án Modernism (Chủ nghĩa Hiện đại). Nếu như Modernism hướng tới công năng sử dụng của thiết kế và tính bền vững của sản phẩm thì hai trường phái kia lại quan niệm đồ vật có thể thay thế được và luôn tìm cách khai thác sức mạnh của thiết kế. Các nhóm thiết kế tiên phong trong hai phong trào này đều phản đối cách hoạt động nghệ thuật thời đó, khi thiết kế tối giản lên ngôi, tất cả sự vật đều giống nhau về mặt ngoại hình và không có cá tính hay chủ nghĩa cá nhân.

Tuy nhiên, các nhóm theo Radical Design có nhiều động cơ chính trị hơn và dành nhiều thời gian nghiên cứu kiến trúc hiện đô thị, sự cách tân, và môi trường. Họ nhiệt liệt chống đối các ràng buộc của chủ nghĩa tư bản. Mỗi sản phẩm của họ đều phục vụ cuộc sống của con người mà vẫn giúp nhân loại hòa hợp với thiên nhiên.

Ảnh hưởng của Radical Design lên xã hội hiện đại

“Dù ở đâu, mọi người cũng nên thấm nhuần tư tưởng Radical từ trong tinh thần, chứ không phải chỉ trong mỗi kiến trúc.” – Lapo Binazzi, thành viên nhóm thiết kế UFO

Dù tồn tại không lâu, tư tưởng khác biệt của Radical Design đã tác động lớn lên các nhà thiết kế, kiến trúc sư và xã hội thời nay. Những xu hướng thiết kế đang hiện hữu như Critical Design, Social Design và Participatory Design đều chịu ảnh hưởng của Radical Design.

Radical Design cũng tác động tới các kiến trúc sư hiện đại, điển hình là Stefano Boeri, người đã thiết kế ra Bosco Verticale, tòa chung cư nổi bật với khu vườn treo tại trung tâm Milan, với 21.000 cây xanh được trồng bao quanh tòa nhà.

Tòa nhà Bosco Verticale tại Milan, Ý (Ảnh: Italian Atelier)

Trong ngành thời trang, có rất nhiều thương hiệu đã cho ra mắt những bộ sưu tập lấy cảm hứng từ thiết kế radical. Tại show trình diễn bộ sưu tập thu 2011 của Christian Dior, những chiếc váy nhiều lớp màu pastel với các hình thêu dệt đặc sắc là hiện thân của phong trào thiết kế này.

Show trình diễn thời trang của Christian Dior năm 2011 (Nguồn: OnYourMark)

Ta cũng có thể thấy đặc trưng của thiết kế Radical trên bộ sưu tập mùa thu năm 2015 của Missoni.

Show trình diễn thời trang của Missoni năm 2015 (Nguồn: Vogue)

Gần đây nhất, vào tháng 5 năm 2021, Saint Laurent đã tung ra một bộ sưu tập đậm chất radical. Có thể thấy, thiết kế radical đang trở lại rất mạnh mẽ và mang một tầm ảnh hưởng to lớn tới cộng đồng ngày nay, đặc biệt là với thế hệ trẻ luôn muốn thoát ra khỏi sự rập khuôn và đi tìm bản thể riêng của mình.

Sản phẩm trong bộ sưu tập mới của Saint Laurent (Nguồn:YSL)

Không thể phủ nhận rằng Radical Design là một phong trào mang tính thay đổi lịch sử và nhân loại. Thiết kế radical trong giai đoạn 10 năm tồn tại bị chỉ trích và chê bai tới đâu thì nửa thế kỉ sau, phong trào này trở lại hoành tráng và được chào đón nhiều tới đó.

Như Roberta Meloni, CEO của Poltronova có nói trong phỏng vấn với Italian Atelier, đại diện thương mại của thương hiệu này tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương:

“Tương lai của thiết kế Radical rất xán lạn.”

Để tìm hiểu thêm thông tin về thiết kế Radical, những ứng dụng thời nay của phong trào này, và ảnh hưởng của nó lên xã hội hiện đại, bạn đọc có thể theo dõi Italian Atelier, đại diện thương mại chính thức trong khu vực của thương hiệu đại diện cho thiết kế radical là Poltronova, cùng với những nhãn hiệu nội thất cao cấp đến từ Châu Âu khác.


 
Back to top