Sống

Top Gun: Maverick mất 30 năm để chinh phục khán giả?

May 30, 2022 | By Ton Binh

Dự án Maverick phải gọi là để đời của tài tử Tom Cruise, sau nhiều lần trì hoãn vì đại dịch, rốt cuộc cũng đã ra mắt tại hàng ngàn rạp chiếu phim Bắc Mĩ và hiện là một trong số rất rất ít tác phẩm điện ảnh Hollywood đạt điểm số cao ngất ngưởng trên cả RT và Metacritic, thậm chí cả LHP Cannes nơi công chiếu đầu tiên.

Điều này không chỉ đồng nghĩa với việc chất lượng phim (một phần nào đó) được chứng thực từ giới chuyên môn, mà nó còn là “mồi nhử truyền thông” lôi kéo khán giả ra rạp. Liệu đây có phải là “phim bom tấn Hè” đúng nghĩa đầu tiên của 2022? Và vì sao, Tom Cruise trong vai trò nhà đồng sản xuất kiêm nam chính, lại… mặn mà với dự án Maverick khi phần phim đầu tiên đã tồn tại từ năm 1986? Vì danh vọng hay vật chất?

Maverick – Bộ phim đưa tên tuổi Tom Cruise lên hàng ngôi sao 

Top Gun ra đời có thể vào giai đoạn phần lớn thế hệ 8x còn chưa… làm giấy khai sinh! Tác phẩm tiêu tốn 15 triệu USD kinh phí thực hiện khi đó, dưới bàn tay đạo diễn tài ba Tony Scott, trở thành phim thành công nhất năm đó với tổng số tiền thu về là hơn 357 triệu USD – một con số “biết nói” và không thể chối cãi, Top Gun là phim đưa tên tuổi Tom Cruise lên hàng siêu sao chỉ ba năm, sau khi được chọn đóng vai chính trong Risky Business.

Khác với tác phẩm đương thời, Top Gun mặc dù có độ hoành tráng nhất định về hình thức, nhưng nội dung nó lại không đạt được sự đồng thuận từ giới phê bình. Bù lại, với doanh thu khổng lồ, Top Gun là câu chuyện đáng để bàn trong suốt một năm sau đó, khi nó giành được nhiều giải thưởng giá trị.

Bộ phim không chỉ có bệ phóng đáng nhớ nhất sự nghiệp Tom Cruise, mà Top Gun còn đem tới cho giới mộ điệu một “di sản văn hóa” khác, đó chính là ca khúc kinh điển Take My Breath Away mà giai điệu của nó phải nói rằng đã ăn sâu, ám ảnh trong tâm trí của nhiều thế hệ người nghe, tới tận ngày nay. Nhắc tới bài hát ấy, Top Gun và Tom Cruise một lần nữa hiện diện. Và dù 30 năm trôi qua, Hollywood đã làm thay đổi thói xem phim của hàng triệu khán giả toàn cầu, đã có nhiều thứ mới mẻ và choáng ngợp khác… song không thể phủ nhận, việc kiên trì theo đuổi dự án cuộc đời Maverick này, là lựa chọn có một không hai mà Tom Cruise đã nắm bắt được.

Quyền lực của bản dạng giới

Cơ trưởng lão luyện Maverick (tên thật Pete), người đã chinh phục cả thanh niên và quý cô thời đó, qua hình ảnh chàng phi công đặc quánh sự nam tính, bao gồm cả bộ đồng phục, lẫn ánh nhìn vừa nghiêm nghị, vừa toát lên sự ấm áp và trìu mến, một lần nữa tái xuất bằng một phi vụ nặng ký. Giờ thì không còn vẻ điển trai đôi mươi ngày trước, nhưng vai trò của Maverick được đẩy lên một tầm cao hơn: huấn luyện và tìm ra phương pháp để có thể “tiến hóa” con người theo cách nhanh nhất, nhưng lại sâu rộng nhất. 

Chuyện là chương trình máy bay phản lực siêu âm có nguy cơ khép lại để chuyển sang hướng máy bay không người lái, Maverick – lúc này vẫn đang là phi công thử nghiệm của Hải quân Hoa Kỳ, đã đặt mục tiêu kép là vượt qua mốc tốc độ Mach 10, và hơn nữa, để kiên trì giữ lại công việc yêu thích của mình. Nhưng người dẫn đầu – đô đốc Cain, lại quyết định giao cho anh một vai trò khác: đào tạo ra thế hệ phi công Top Gun mới, trong đó, họ phải thực hiện phi vụ được giao bởi chỉ huy hạm đội Thái bình dương – Tom Kazansky, người này vốn là đồng đội cũ của Maverick ngày trước.

Vâng, phải rồi, chính Maverick là người từ chối thăng tiến, để duy trì đam mê của mình với tầng không rộng lớn. Nếu thuận theo lẽ tự nhiên thì giờ đây, Maverick đã ở một vị thế khác. Nhưng rõ ràng, dù gánh nặng và áp lực đang đè lên vai, chúng ta dễ nhận thấy anh là người đam mê chinh phục, mà hễ thử thách càng khó thì lại càng khiến Maverick muốn tìm cách vượt qua. Lựa chọn của Maverick thật ra lý tưởng tới mức vô thực – ở ngoài cuộc sống, những người đàn ông thật sự đều muốn thăng tiến khi họ có đặc quyền.

Nhưng Maverick chọn ở lại không chỉ vì cái tôi thích đẩy giới hạn của mình tới cùng, mà vì anh muốn chuộc lỗi với người bạn thân. Một người đàn ông trọng tình nghĩa, cũng xứng đáng với bản dạng giới của mình. 

Theo như bộ phim tiết lộ, phi vụ của Top Gun và Maverick là triệt phá khu căn cứ khai thác Urani một nguyên tố hóa học kim loại màu trắng, đang được trị vì bởi một quốc gia bất hảo giấu tên. Mà để tới được khu căn cứ đó, cả biệt đội Top Gun mà dẫn đầu là Maverick, phải sử dụng không chỉ sức bền, kinh nghiệm, tinh thần thép, bản lĩnh đàn ông… mà cả sự may rủi mà họ gần như không thể tính toán được.

Nhưng trước khi chinh phục những mỏm núi hiểm trở ngoài kia, ngay lúc này, Maverick còn phải học cách truyền tải thông điệp qua những kỹ thuật từ cơ bản nhất, đến nâng cao. Ngoài ra, những mâu thuẫn nội bộ của đội Top Gun gồm những thanh niên trạc tuổi Maverick 30 năm về trước, cũng khiến phim hấp dẫn.

Có đáng để chờ Maverick tận 30 năm?

Trong khi Top Gun năm 1986 đề cập sức trẻ, sự háo thắng rất đỗi bình thường của các chàng trai trưởng thành, khỏe mạnh và tài giỏi thì ngược lại, Top Gun: Maverick mang nhiệm vụ cao cả và… thức thời hơn: chiến đấu với cái ác, giải cứu thế giới. Nếu phim trước là cuộc chiến nội bộ giữa Maverick và đối thủ sừng sỏ Iceman, thì phim sau là một mớ hỗn độn nhiều cảm xúc: sự từng trải, sự trưởng thành, định hướng… nhưng vẫn quyết liệt và gai góc. Trong khi sở thích xem phim hành động ngày nay luôn đi kèm với những phi vụ mang tính… toàn cầu thì Maverick đã kịp nắm bắt, và biến tác phẩm trở nên mốt hơn. 

Câu nói: “Tôi cảm thấy có một sự thôi thúc – sự thôi thúc của tốc độ” trở thành tuyên ngôn đứng thứ 94 trong lịch sử 100 câu thoại hay nhất màn bạc thế giới. Cộng với bốn đề cử Oscar cho phần phim đầu tiên, người hâm mộ thật sự… lo cho Top Gun: Maverick khi nó đang có một cái đích không dễ vượt qua. Dễ nhận thấy nhất, trước khi Top Gun: Maverick công chiếu, không hiểu vì sao đoạn quảng cáo phim Nhiệm vụ bất khả thi mới nhất (ra mắt tận năm sau) cũng do Tom Cruise đóng chính được tung lên mạng. Phải chăng, ekip của tài tử 60 tuổi muốn hâm nóng thương hiệu của mình, để đồng thời quảng cáo kép cho Top Gun: Maverick khởi chiếu tại Bắc Mỹ từ 27 tháng 5?

Để “dọn đường” cho phim, hãng phát hành Paramount Pictures đã gửi phim tới LHP Cannes nhằm tạo ra dư chấn. Và họ đã thành công khi hầu hết các nhà phê bình tại đây dành những lời khen “có cánh” cho bộ phim lẫn Tom Cruise. Cũng phải thôi, vì trong sự kiện này, Cruise là người thứ hai trong năm nhận Cành cọ vàng danh dự từ Cannes – một điều lệ trước giờ hiếm. Rõ ràng, Paramount quá khôn ngoan và chắc chắn đầu tư “khủng” cho lần trở lại màn bạc này của Maverick. Còn sự tình tiếp diễn ra sao, phần lớn là nhờ vào hiệu ứng khán giả bởi Top Gun: Maverick không phải là một phim tệ, nhưng được khen nức nở thì rõ ràng hơi vượt quá sức nặng cái kết mang lại.

Bộ phim của thế hệ

Ngoài sự cống hiến của dàn diễn viên thượng thặng bao gồm Cruise, Miles Teller, Jon Hamm và đặc biệt là sự xuất hiện gây nhiều hoài niệm của Val Kilmer… thì có một yếu tố khác giúp bộ phim thăng hoa, chính là phần âm thanh và nhạc nền của phim. Nhạc nền do Hans Zimmer, Lorne Balfe, Harold Faltermeyer, Lady Gaga biên soạn trong khi phần âm thanh do một loạt kỹ sư âm thanh hàng đầu thiết kế. Trong phim, có nhiều phân đoạn chiến đấu trên không thì âm thanh cũng như người kể chuyện, khiến cho khán giả nhiều lần phải thót tim theo dõi diễn biến.

Như đã nhắc ở trên, Miles Teller là cái tên gây chú ý bởi anh chính là “hậu duệ” Bradley, song Bradley không có quá nhiều đất diễn dẫn tới sự tiếc nuối cho khán giả, bởi anh là đối trọng duy nhất của Maverick. Câu chuyện tình yêu giữa Maverick và bạn gái mới Penny (Jennifer Connelly) không thật sự tạo ra hiệu ứng, ngoài chuyện họ có một cái kết đẹp gợi nhớ tới cảnh quay kinh điển trong Wild At Heart. Nhìn chung tác phẩm vẫn duy trì chất nam tính, trong đó bảo trì tính đồng đội lẫn tính kỷ luật và đây cũng là phẩm giá khiến bộ phim khác biệt hơn, giữa một rừng phim siêu anh hùng.

Trong khi nhân tố chính Tom Cruise nhất quyết giữ phim tới thời điểm thích hợp chiếu rạp chứ không thỏa hiệp chiếu phim trực tuyến (phim hoàn thành năm 2020), thì bạn diễn Jon Hamm – người gia nhập mới nhất, chia sẻ một yếu tố chính xác nhất giúp bộ phim tạo được hiệu ứng: “Tất cả chúng ta đều già đi và chúng ta đưa ra những quyết định khác với những gì chúng ta có thể có ở tuổi đôi mươi và những từ như trách nhiệm và nghĩa vụ, tình bạn và lòng trung thành và tất cả những điều đó đều có ý nghĩa khác khi chúng ta lớn khôn. Có thể đó là lý do vì sao người xem cảm xúc, vì họ được đồng hành cùng bộ phim…”.

Nói như thế có đồng nghĩa với việc, Top Gun: Maverick lôi kéo khán giả ở độ tuổi trên 30 ra rạp? Có thể lắm, vì lứa tuổi 30-50 vẫn được cho là lứa khán giả xem rạp hùng hậu nhất hiện nay, có khả năng vẫn tạo được thành tích phòng vé đáng gờm. Top Gun: Maverick (tựa Việt: Phi công siêu đẳng) chiếu từ 25 tháng 5 tại các rạp cả nước.


 
Back to top