BUSINESS OF LUXURY

The Jet Business Issue (Kỳ 2): Gặp gỡ CEO Thomas Flohr & VistaJet – Tên lửa của hàng không tư nhân

Jan 19, 2023 | By Ton Binh

Nhu cầu về máy bay tư nhân tăng mạnh tạo điều kiện thuận lợi để VistaJet bứt phá và ghi được những thành tựu kinh doanh đáng chúc mừng. LUXUO Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Thomas Flohr, CEO của Tập đoàn VistaJet toàn cầu để nghe ông chia sẻ về những chiến lược táo bạo đưa VistaJet đến thành công. 

Ông Thomas Flohr, CEO của Tập đoàn VistaJet toàn cầu

Xin chào ông Thomas, xin ông cho biết đâu là yếu tố tạo nên thành công rực rỡ cho VistaJet trong năm 2020 như vậy?

Yếu tố chính tạo nên thành công cho VistaJet nằm ở mô hình kinh doanh sáng tạo và linh hoạt cho phép khách hàng có thể bay từ bất cứ sân bay nào và chỉ chi trả cho số giờ bay thực với một mức giá cố định. Bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng vững chắc với đội bay toàn cầu hơn 70 chiếc, bao phủ 96% thế giới để VistaJet tự tin xuất hiện ở bất cứ nơi nào khách hàng cần. Nhờ không bị phụ thuộc vào một trụ sở duy nhất nên chúng tôi ít bị ảnh hưởng bởi lệnh phong toả hoặc những hạn chế khác.

Với hơn 17 năm kinh nghiệm, ông nhận thấy nhu cầu của khách hàng bay xa xỉ có bị biến động trong những đợt khủng hoảng kinh tế không? Nếu có, chúng biến động theo chiều hướng nào? Nếu không, nhờ đâu mà chúng có thể “miễn dịch” như thế? 

Máy bay Global 7500 thế hệ mới

Khách bay tư nhân của chúng tôi không hề “miễn dịch” mà vẫn rất lo lắng cho sức khoẻ cá nhân. Theo một nghiên cứu của Private Jet Card Comparisons, những chuyến bay tư nhân giúp số điểm tiếp xúc vật lý của khách hàng giảm từ 700 xuống còn khoảng 20. Nhu cầu bay tư nhân cao do khả năng đảm bảo sức khoẻ cho họ.

VistaJet được đánh giá cao về tốc độ. Hẳn công ty cũng tận dụng thời gian vừa qua để đẩy nhanh tốc độ phát triển của mình? 

Đến tháng 8/2021, VistaJet đã có tổng cộng 4 máy bay Global 7500 thế hệ mới cùng 10 máy bay Challenger 350. Chúng tôi là công ty hàng không đầu tiên sở hữu Global 7500, máy bay thương gia đường dài lớn nhất hiện tại. Kết hợp cùng mạng lưới rộng và công nghệ tiên tiến, VistaJet tạo nên một hệ sinh thái mạnh mẽ, mở ra khả năng dịch chuyển không ngừng cho khách hàng. Chúng tôi cũng đang theo đuổi mô hình bay không sở hữu, bao gồm chương trình Corporate Membership mới ra mắt vào tháng 10/2020. Quý I/2021 tiếp tục chuỗi tăng trưởng liên tiếp của chúng tôi dựa trên số giờ bay mới với mức tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đâu là điều làm nên khác biệt của VistaJet với các đối thủ cùng phân khúc khi nói đến dịch vụ đẳng cấp?

Chúng tôi hiểu mỗi chuyến bay là một trải nghiệm độc nhất cho khách hàng nên luôn chăm chút cẩn thận mọi chi tiết để đảm bảo họ có được dịch vụ tốt nhất. Các tiện ích của VistaJet bao gồm: Nhà trên mây, Phi hành đoàn kinh nghiệm, Bữa ăn riêng, Rượu hảo hạng, Dịch vụ chăm sóc thú cưng, Thư viện và chúng tôi luôn đảm bảo mỗi chuyến bay là một cuộc phiêu lưu đáng nhớ.

VistaJet rất chú trọng bền vững và giảm lượng carbon. Công ty làm điều này như thế nào khi nhu cầu về máy bay tư nhân gia tăng và khách hàng không thích việc phải chia sẻ? 

Chúng tôi cam kết thông qua 8 bước: 1. trung hoà carbon đến năm 2025 thông qua chương trình Tín dụng Carbon; 2. sử dụng Nhiên liệu Hàng không Bền vững (SAF) để giảm lượng khí thải; 3. cung cấp Tín dụng Nhiên liệu Sinh học cho khách hàng; 4. sử dụng các loại máy bay tiên tiến như Global 7500 và mô hình đội bay toàn cầu; 5. tối ưu hoá chuyến bay và quản lý đội bay thông qua AI; 6. khuyến khích khách hàng đặt chỗ sớm; 7. sử dụng sản phẩm bền vững và 8. kiểm toán với South Pole, một nhà cung cấp các giải pháp khí hậu toàn cầu. Bên cạnh đó, VistaJet cũng cố gắng giảm khí thải trong vận hành ở văn phòng làm việc.

Chúng tôi hiểu mỗi chuyến bay là một trải nghiệm độc nhất cho khách hàng, vì vậy luôn chăm chút cẩn thận mọi chi tiết để đảm bảo họ có được dịch vụ tốt nhất.

Ông nhận định nhu cầu bay tư nhân ở châu Á như thế nào?

Ảnh: VistaJet

Số lượng Thành viên mới của VistaJet đã tăng 29%, trong đó 18% đến từ châu Á, với tỷ lệ tăng 108% YoY. Nhu cầu đi lại cá nhân tiếp tục tăng trong năm 2021, 2022, Việt Nam là thị trường chính cho sự mở rộng của VistaJet tại Đông Nam Á. Chúng tôi kỳ vọng sẽ chứng kiến sự bùng nổ các loại hình máy bay tư nhân tại Việt Nam.

Cung cấp dịch vụ cho khách hàng châu Á có điểm gì khác với các khách hàng ở châu Âu? Và mô hình kinh doanh được thay đổi như thế nào để trở nên phù hợp? 

Ảnh: VistaJet

Ở châu Âu đa số là các chuyên bay ngắn giữa các quốc gia trong khu vực. Nhưng ở châu Á thường là các chuyến bay đường dài từ Đông sang Tây hoặc ngược lại. Khách hàng của VistaJet thường sẽ đặt chuyến bay một chiều đến điểm tiếp theo bất cứ khi nào họ muốn và VistaJet sẽ luôn sẵn sàng dù họ đang ở đâu. Khách hàng có thể tin tưởng vào đội ngũ hơn 1.000 chuyên gia hàng không của VistaJet cho các chuyến bay an toàn và đáp ứng đủ yêu cầu.

Ông dự đoán gì về nhu cầu bay tư nhân ở châu Á trong 3 năm tới?

Chúng tôi dự định phát triển hơn 90 máy bay phục vụ cho 187 quốc gia ở Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á. Trong đó, châu Á là khu vực chiến lược để tận dụng tối đa ưu thế của Global 7500, máy bay phản lực thương gia duy nhất có 4 không gian sinh hoạt riêng, giúp khách hàng dễ dàng di chuyển giữa những thành phố lớn. Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng cho hàng không tư nhân vì nhu cầu bay đường dài ngày càng tăng, cũng như xu hướng chuyển từ sở hữu sang đăng ký thành viên và chuyến bay hạng nhất sang bay tư nhân để đảm bảo sức khoẻ.

Đa số máy bay của VistaJet đều từ hãng Bombardier. Trong tương lai, ông có định mở rộng đối tác sản xuất máy bay không?

Thực đơn trên máy bay VistaJet được lựa chọn từ những nguyên liệu có nguồn gốc và tươi sạch cùng kỹ thuật nấu phức tạp.

Cốt lõi của VistaJet là thay thế trải nghiệm sở hữu máy bay. Do đó, để giữ định vị và dịch vụ nhất quán, chúng tôi cho rằng sử dụng cùng một thương hiệu sản xuất cho toàn bộ đội bay là hợp lý.

Nhân tài cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng để cạnh tranh tốt với đối thủ. Ở công ty của ông, cách giữ chân nhân tài là gì? Ông tự đánh giá mình là một CEO như thế nào? 

Là một CEO, tôi nghĩ mình cần phải cực kỳ kỷ luật, bên cạnh việc cở mở và tạo đủ không gian cho những quản lý cấp cao của mình; không gian để suy nghĩ, không gian vật lý và thời gian để vận hành mọi thư như một người chủ thực thụ. Tôi cũng tự xem mình như một người khai vấn (coach) cho họ hơn là một ông chủ. Tôi giúp họ hoàn thành công việc tốt hơn và đây là điều chúng tôi tiếp tục duy trì ngay cả khi làm việc từ xa.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này. 
Bài: Thảo Nguyên


 
Back to top