Phong cách / Đồng hồ

Nautilus Ref. 3700 – sáng tạo khai sinh bộ sưu tập Patek Philippe Nautilus kinh điển

Jul 31, 2024 | By Ton Binh

Ra mắt lần đầu vào năm 1976, Nautilus là một biểu tượng được thiết kế bởi một trong những nhà thiết kế đồng hồ nổi tiếng nhất, người có thể được coi là cha đẻ của một dòng đồng hồ mới – đồng hồ thể thao xa xỉ.

Nautilus được ca ngợi bởi mọi thế hệ nhà sưu tầm đồng hồ và hiện đã bước sang sinh nhật lần thứ 40. Giờ đây hãy cùng chúng tôi nhìn lại lịch sử của dòng đồng hồ này qua phiên bản Patek Philippe Nautilus đầu tiên – Ref. 3700.

Bối cảnh ra mắt

Trước khi khám phá lịch sử của Patek Philippe Nautilus, chúng ta cần nhìn lại bối cảnh lúc bấy giờ để hiểu hơn về thị trường mà chiếc đồng hồ này hướng đến, đơn giản vì chúng ta đang nói về một cuộc cách mạng.

Thị trường đồng hồ xa xỉ trong những năm 1950 – 1960, tức hai thập kỷ trước khi Nautilus ra đời là kỷ nguyên của sự sáng tạo và đổi mới tuyệt vời. Nhiều mẫu đồng hồ biểu tượng khác cũng được tạo ra từ thời điểm đó (Submariner, Speedmaster, Daytona… và hơn thế nữa). Đó đồng thời là giai đoạn đổi mới cả về tính chính xác, đáng tin cậy hơn, hiệu quả hơn và khả năng chống nước cũng đã cải thiện hơn bao giờ hết.

Đồng hồ của những năm 1960 có thể chia thành hai loại chính: dress watch xa xỉ, hầu hết bằng vàng cũng như có một số thiết kế tương đối mỏng. Mặt khác, đồng hồ thép thường là phiên bản giá thấp của các mẫu đồng hồ xa xỉ hoặc là đồng hồ thể thao.

Nếu nhìn kỹ hơn vào khái niệm đồng hồ thể thao của thời điểm đó, chúng hầu hết được chế tạo vì mục đích sử dụng cụ thể, ví dụ đồng hồ lặn, đồng hồ bấm giờ hoặc đồng hồ phi công. Tất nhiên, chúng cũng không nhằm mục đích trở thành những chiếc đồng hồ xa xỉ mang tính biểu tượng hay thể hiện sự giàu có như ngày nay.

Tuy nhiên, cuối thập niên 1960 (chính xác là năm 1969), Seiko đã ra mắt Seiko Astron – mẫu đồng hồ đeo tay thương mại đầu tiên vận hành bằng bộ máy quartz. Đó là một sự bùng nổ trong ngành công nghiệp đồng hồ. Bước sang thập niên 1970, đồng hồ cơ bất ngờ trở nên (gần như) lỗi thời trong mắt khách hàng, vì bộ máy thạch anh có các ưu điểm như rẻ hơn, chính xác hơn, tiện dụng và khá hợp thời (đó là công nghệ của thế kỷ tiếp theo… hoặc được quảng cáo như vậy). Do đó, đồng hồ cơ đã bị khách hàng tẩy chay đúng nghĩa, rồi chứng kiến sự sụt giảm doanh số nhanh chóng. Để tồn tại, nhiều thương hiệu Thụy Sĩ phải tạo ra những mẫu đồng hồ khác biệt, mới mẻ và sáng tạo, tập trung vào phân khúc cao cấp thực sự nhằm hợp thức hóa cho mức giá cả cao đến mức có chút bất hợp lý.

Đó chính xác là những gì Royal Oak của Audemars Piguet đại diện, ra mắt vào năm 1972. Lần đầu tiên, một nhà sản xuất đồng hồ cao cấp (không phải là một thương hiệu xa xỉ, mà là một thương hiệu thuộc Holy Trinity) thường tạo ra những mẫu dress watch mỏng, tinh xảo lại ra mắt một chiếc đồng hồ thép có giá cao như một chiếc dress watch bằng vàng. Royal Oak được cho là vừa sang trọng vừa bền bỉ. Ý tưởng về đồng hồ thể thao xa xỉ chính thức ra đời từ đó. Trước áp lực này, Patek Philippe – đối thủ chính của Audemars Piguet đã phải nhanh chóng phản ứng, và đối sách của họ đã xuất hiện tại Triển lãm Baselworld năm 1976.

Ý tưởng của một bậc thầy: Gerald Genta (1931-2011)

“Les montres pour moi, c’est l’anti-liberté ! Je suis un artiste, un peintre, je déteste avoir à faire à une contrainte de l’heure. Ça m’énerve”. Hoặc trong tiếng Anh là  “Đồng hồ, đối với tôi là sự trái ngược của tự do! Tôi là một nghệ sĩ, một họa sĩ, tôi ghét thời gian vì đó là một sự ràng buộc. Nó làm tôi phát điên”. Đó là những gì Gerald Genta – một trong số ít nhà thiết kế đồng hồ vĩ đại, nghĩ về đồng hồ. Các sáng tạo vĩ đại đôi khi đến từ những mâu thuẫn.

Gerald Genta được biết đến chủ yếu bởi Royal Oak hoặc Nautilus, tuy nhiên ông còn là người đứng sau hàng chục mẫu đồng hồ, và một số (nếu không muốn nói là hầu hết) đều trở thành biểu tượng. Không đi sâu vào tất cả thiết kế trong sự nghiệp của ông ấy, nhưng chúng ta có thể kể đến một vài cái tên cụ thể như Universal Genève Polerouter năm 1954 (nơi chứng kiến sự khởi đầu của phong cách vấu dây đeo Lyre, nay đã trở thành đặc trưng trên Seamaster cùng Speedmaster). Sau khi chia tay Universal Genève, Genta chuyển đến làm việc tại Omega, rồi thiết kế nên mẫu Constellation và các mặt số pan-pie nổi tiếng là ý tưởng của ông. Tuy nhiên, Genta thực sự nổi tiếng trong đầu những năm 1970, khi thiết kế chiếc đồng hồ làm thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp: Royal Oak.

Năm 1972, Genta đề xuất cho Audemars Piguet một mẫu đồng hồ mang tính cách mạng có thiết kế góc cạnh bằng bằng thép không gỉ, nhưng đắt hơn hầu hết các mẫu dress watch bằng vàng cổ điển và được trang bị bộ máy haute-horlogerie. Khái niệm về đồng hồ thể thao xa xỉ cũng như dây đeo tích hợp chính thức ra đời. Sau đó, ông tiếp tục thiết kế một chiếc đồng hồ khác cho Patek Philippe. Và năm 1976, Nautilus ra đời.

Cảm hứng cho Nautilus đến với Genta khi ông đang ăn tối tại nhà hàng của một khách sạn, khi ông nhìn thấy ô cửa sổ của chuyến tàu xuyên Đại Tây Dương. Gerald Genta nói rằng ông thấy các giám đốc điều hành của Patek Philippe ngồi trong một góc phòng ăn trong khi ông ngồi một mình ở góc khác. Theo lời của ông, chỉ mất 5 phút để phác thảo chiếc đồng hồ sẽ trở thành biểu tượng mà chúng ta đang nhìn thấy ngày nay – lãng mạn hay không, quá trình thiết kế vào thời điểm đó chắc chắn là khá ngắn gọn và thuần khiết hơn bây giờ nhiều.

Với Audemars Piguet Royal Oak, Patek Philippe Nautilus, hay IWC Ingenieur SL năm 1976, chúng ta đều có thể cảm thấy rõ nguồn cảm hứng của Genta. Dù được sản xuất cho nhiều thương hiệu khác nhau, nhưng các mẫu đồng hồ ấy đều có thể được coi là một tác phẩm nghệ thuật, với sự tiếp nối tuyệt đẹp trong thiết kế, hình dạng, cách thể hiện nên trông như thế nào khi diện trên cổ tay với dây đeo tích hợp như thể là một khối duy nhất.

Nautilus không chỉ mang tính biểu tượng vì là đồng hồ thể thao của Patek Philippe, mà còn là biểu tượng vì là một phần trong số nhiều tác phẩm kinh điển của bậc thầy Genta.

Patek Philippe Nautilus Ref. 3700-1A: Biểu tượng khai sinh

Cùng với đối thủ Royal Oak, Patek Philippe Nautilus được thị trường định nghĩa là khái niệm “đồng hồ thể thao xa xỉ” mới. Giống như Royal Oak đại diện cho sự mới mẻ tuyệt đối của một thương hiệu như Audemars Piguet, thì Nautilus cũng gây nên một cơn địa chấn lớn cho Patek Philippe (hãy nhớ rằng Audemars Piguet trong những năm 1960 – 1970 không phải là Audemars Piguet của ngày nay, và đồng hồ đều mang phong cách cổ điển).

Về phần Patek Philippe, thương hiệu chủ yếu sản xuất đồng hồ vàng hoặc kim loại quý. Ngay cả khi có những mẫu vỏ thép, chúng hầu hết chỉ là nguyên mẫu hoặc đơn đặt hàng đặc biệt – những chiếc đồng hồ cực kỳ hiếm, được bán với giá trị khủng trong các cuộc đấu giá hiện nay. Patek Philippe cũng không có bất kỳ một mẫu đồng hồ thể thao thực sự. Họ chỉ có đồng hồ bấm giờ hoặc đồng hồ thông thường, nhưng không có một thiết kế nào được gọi là thể thao.

Do đó, việc ra mắt một chiếc đồng hồ thép đi kèm dây đeo tích hợp, vỏ kích cỡ lớn và thiết kế táo bạo là một bước đi đột phá, đặc biệt là đối với một thương hiệu bảo thủ như vậy. Tuy nhiên, điều này đã chứng tỏ đó là một nước cờ khôn ngoan rồi sau đó trở thành một biểu tượng. Đây là lý do tại sao chúng ta phải xem xét chi tiết về Nautilus Ref. 3700.

Trước hết, cái tên… Nautilus. Với khả năng kháng nước tốt, vẻ ngoài mạnh mẽ (đối với một chiếc Patek Philippe) và cảm hứng thiết kế từ cửa sổ tàu, cái tên Nautilus được chọn như một sự tham chiếu đến chiếc tàu của thuyền trưởng Nemo trong tiểu thuyết nổi tiếng 20.000 Leagues Under the Sea của Jules Verne phát hành năm 1870.

Thiết kế và kết cấu bộ vỏ

Nautilus Ref. 3700/1 có hình dạng và cấu trúc vỏ rất đặc biệt. Nếu Royal Oak là hình dạng bát giác thuần túy, thì Nautilus lại có cách trình bày hơi khác, ngay cả khi có cùng khái niệm sáng tạo theo định hướng ban đầu. Theo đó, hình dạng tổng thể của bộ vỏ được lấy cảm hứng từ “ô cửa sổ” với hai “tai” – gợi nhớ đến bản lề trên cửa sổ tàu viễn dương. Xu hướng bát giác vẫn phảng phất ở đây, tuy nhiên các góc lại bo tròn mềm mại hơn, ít góc cạnh hơn Audemars Piguet Royal Oak. Trên thực tế, tổng thể của chiếc đồng hồ trông khá tròn.

Thiết kế bộ vỏ đã được cấp bằng sáng chế này hình thành từ một mô-đun nguyên khối, bộ máy sẽ được lắp thông qua khoảng trống đặt phiến mặt số. Tiếp theo là module thứ hai, gồm vành bezel, mặt kính và “tai” đóng vỏ (tích một vòng đệm giữa sườn vỏ và vành bezel). Chúng ta có thể nhìn thấy phần vành bezel bát giác bo góc mượt mà mang tính biểu tượng được chải xước tỉ mỉ. Khung vỏ có hai “tai” gợi nhớ đến bản lề của cửa sổ tàu viễn dương. Một yếu tố đặc biệt của những chiếc đồng hồ thể thao xa xỉ trong thập niên 1970 là dây đeo tích hợp, cũng được tìm thấy trên Nautilus.

Kích thước của đồng hồ như thế nào? Trên thực tế, nếu xét đến thời điểm ra mắt lúc đó và so với hầu hết các thiết kế khác Patek Philippe, đây rõ là một chiếc đồng hồ có kích cỡ tương đối lớn. Vì có đường kính vỏ lên đến 42mm nên sáng tạo này còn có biệt danh là “Jumbo”, thế nhưng đồng hồ lại rất mỏng, chỉ 7,6mm. Điều này cho thấy rằng sự thanh lịch vẫn được gìn giữ nguyên vẹn bên cạnh tính thể thao.

Ngay cả khi mang lên mình thương hiệu Patek Philippe, Nautilus vẫn là một chiếc đồng hồ thể thao đúng nghĩa nhờ cấu trúc chắc chắn, tương phản với bộ máy và mặt số tinh tế, sự đối lập này có lẽ là điều làm nên sức hấp dẫn của nó. Nautilus có khả năng chống nước ở độ sâu 120m, nhờ cấu trúc vỏ monobloc với miếng đệm giữa sườn vỏ cùng vành bezel.

Mặt số

Mặt số của Patek Philippe Nautilus Ref. 3700 chắc chắn là một phần tuyệt vời khi làm nên sức hấp dẫn của tổng thể chiếc đồng hồ. Tương tự hầu hết các sáng tạo của Gerald Genta, từng chi tiết trên mặt số đều được hoàn thiện kỹ lưỡng nhằm phản chiếu ánh sáng theo từng góc độ khác nhau. Nhưng điểm khó lý giải nhất lại là màu sắc của mặt số Ref. 3700. Trong khi mặt số của những chiếc đồng hồ mà bạn có thể thấy trong các cuộc đấu giá hiện nay đều có lớp phủ patina, một số lại có hiệu ứng chuyển sắc từ đen tuyền sang màu xám, thì Ref. 3700 lại có màu gốc là màu xám than chì phảng phất ánh xanh dương. Kế đến là chi tiết sọc ngang – một đặc trưng của Nautilus.

Phiến mặt số được chế tác từ vàng khối, nổi bật trên đó là cửa sổ ngày ở vị trí 3 giờ, cọc số và bộ kim bằng vàng trắng có thiết kế cực kỳ tối giản. Cả hai đều phủ tritium để tăng cường khả năng quan sát trong điều kiện thiếu ánh sáng, cũng như góp phần tạo nên vẻ ngoài bóng bẩy của chiếc đồng hồ.

Bộ máy

Tương tự những “người anh em” của mình từ Audemars Piguet hoặc Vacheron Constantin, Patek Philippe Nautilus sử dụng bộ máy do Jaeger-LeCoultre sản xuất dựa trên nền tảng của calibre 920. Bộ máy siêu mỏng với độ dày chỉ 3,05mm cùng đường kính 28mm này được Patek Philippe đặt tên là calibre 28-255 C. Ở các phiên bản Nautilus không trang bị đĩa ngày, bộ máy chỉ dày 2,45mm (bao gồm cả rotor trung tâm) – một kỳ quan cơ khí đích thực về độ mỏng cho đến ngày nay. Đây cũng là yếu tố làm nên sự đặc sắc của Nautilus, đặc biệt là vào những năm 1970.

Calibre 28-255 C có mức năng lượng dự trữ 40 giờ, gồm 36 chân kính và dao động ở tần số 2,75Hz (19,800Vph), tích hợp bộ cân bằng Gyromax độc quyền của Patek Philippe. Chi tiết của bộ máy như các cầu và rotor quay được trang trí rất đẹp bằng phương pháp đánh bóng cạnh, cùng vân tròn Geneva (nhưng không có dấu ấn Geneva).

Dây đeo

Thực tế, có đến 2 phiên bản Patek Philippe Nautilus Ref. 3700, chủ yếu khác nhau ở độ rộng của dây đeo. Các phiên bản đầu tiên, như Ref. 3700-01A có dây đeo rộng và thẳng. Riêng Ref. 3700-11A lại có dây đeo thon gọn hơn. Bên cạnh đó, Ref. 3700-01A cũng có ít mắt dây hơn.

Thời gian sản xuất

Patek Philippe Nautilus Ref. 3700 được sản xuất trong thời gian khá dài, từ năm 1976 đến năm 1990. Chính xác hơn, Ref. 3700/01A (vỏ thép với dây đeo lớn) ra mắt từ ​​năm 1976 đến năm 1982 và Ref. 3700/11A (vỏ thép với dây đeo nhỏ) sản xuất từ ​​năm 1982 đến năm 1990.

Các phiên bản Patek Philippe Nautilus Ref. 3700 khác nhau

Patek Philippe Nautilus Ref. 3700 thực sự tồn tại trong một số phiên bản khác nhau. Tất nhiên, các mẫu thép là nổi tiếng nhất trong số đó và cũng được sản xuất nhiều nhất. Tuy nhiên, phiên bản dual-tone có mặt số màu xanh đậm cũng khá phổ biến (khoảng 900 chiếc).

Các phiên bản vàng kim cũng ra mắt với số lượng khoảng 1.500 chiếc, mang mã hiệu Ref. 3700-1J và Ref. 3700-11J có hoặc không có kim cương trên viền bezel. Phiên bản kinh điển nhất là vàng kim đi kèm mặt số màu xanh đậm/than chì. Một số phiên bản vàng trắng khác cũng đã được chế tác nhưng cực kỳ hiếm có (chỉ khoảng 65 mẫu).

Cuối cùng, là sự xuất hiện của một số mẫu độc bản. Ví dụ đầu tiên và nổi tiếng nhất là phiên bản Nautilus Ref. 3700-1P vỏ bạch kim, cọc số kim cương (số serial máy 1’309’828, số serial vỏ 552’214) sản xuất năm 1981 và được đấu giá bởi Christie’s năm 2013 với giá lên đến 783.750 Franc Thụy Sĩ.

Tiếp theo là phiên bản “albino”, một chiếc Nautilus Ref. 3700 bằng thép đi kèm mặt số trắng nguyên mẫu, do Stern Frères chế tạo theo yêu cầu đặc biệt của chủ sở hữu. Chiếc đồng hồ này khá tương đồng với Ref. 3700 thông thường, ngoại trừ màu sắc mặt số. Theo đó, phiên bản này sản xuất năm 1978 và bán đấu giá thông qua Sotheby’s với giá 250.000 Franc Thụy Sĩ vào năm 2015.

Hộp đựng

Không chỉ riêng Nautilus mới là một chiếc đồng hồ khác thường đối với Patek Philippe vào thời điểm đó, mà ngay cả hộp đựng đồng hồ cũng khác xa các thiết kế thông thường của thương hiệu. Thực tế, Patek Philippe Nautilus Ref. 3700 được đựng trong hộp đựng bằng gỗ bần và thép, lại một yếu tố nữa giúp củng cố vị thế độc tôn của chiếc đồng hồ.

Bài Monochrome
Chuyển ngữ và biên tập Tôn Bình


 
Back to top