Xe & Du thuyền / Máy bay

5 xu hướng chuyên cơ cá nhân năm 2022

May 13, 2022 | By Bảo Châu

Nhu cầu tăng cao, nhiên liệu bền vững và nội thất thiết kế là một số điểm sáng trong ngành chuyên cơ cá nhân năm nay.

xu hướng chuyên cơ cá nhân 2022

(Ảnh: Cirrus Aircraft)

Một trong những triệu chứng hậu Covid nổi bật nhất chính là khao khát tự do. Nhiều người mong muốn có thể đi lại một cách thoải mái và an toàn nhất. Chuyên cơ cá nhân trở thành phương tiện di chuyển hàng đầu cũng vì lẽ đó. Trong thị trường máy bay riêng càng ngày càng sôi động, sau đây là 5 xu hướng đảm bảo sẽ còn tiếp diễn trong tương lai, đem đến trải nghiệm sang trọng hơn, đặc biệt hơn cho người dùng.

Nhu cầu sở hữu chuyên cơ cá nhân tăng

Từ khi dịch bệnh lan rộng khắp thế giới, máy bay riêng đã trở thành một trong những phương tiện giao thông được ưa chuộng hơn cả. Doanh số bán hàng của máy bay cỡ nhỏ và phi cơ riêng tăng vọt bởi người tiêu dùng muốn có trải nghiệm di chuyển được cá nhân hóa, an toàn và tiện lợi hơn.

Zean Nielsen, CEO tại Cirrus Aircraft chia sẻ: “Trong năm 2020, chúng tôi đã cung ứng 346 máy bay Cirrus Aircraft SR và 73 máy bay phản lực Vision Jet. Theo một báo cáo gần đây của Hiệp hội Sản xuất Hàng không, Cirrus hiện dẫn đầu thị trường với tổng cộng 195 mẫu SR và Vision Jet bán ra trong nửa đầu 2021.”

chuyên cơ cá nhân cirrus SR a2a

(Ảnh: Cirrus Aircraft)

Động lực phát triển bền vững

Xét về ảnh hưởng của ngành hàng không đến môi trường, cũng như vấn đề nóng lên toàn cầu, phát triển bền vững đã và đang là ưu tiên hàng đầu của các nhà sản xuất phi cơ. Nhu cầu sở hữu chuyên cơ cá nhân tăng cao càng mang lại nhiều mối lo hơn.

Biến chuyển lớn nhất trong ngành chính là sử dụng nhiên liệu bền vững. Thay thế dầu mỏ, ngành hàng không đang tận dụng những nguồn tài nguyên bền vững như CO2 không hóa thạch, phụ phẩm nông nghiệp và dầu phế thải.

Bên cạnh nhiên liệu, nhiều nhà sản xuất cũng đang xem xét thay đổi thiết kế để tăng hiệu suất động cơ. Ví dụ như mẫu Gulfstream G400 sử dụng động cơ Pratt & Whitney PW812GA, cánh máy bay được thiết kế theo khí động học giúp giảm nhiên liệu tiêu thụ trên những chuyến bay dài.

chuyên cơ cá nhân honda elite s màu đỏ trắng

Máy bay HondaJet Elite S nổi tiếng với lượng khí CO2 thải ra thấp nhất ngành mà vẫn bảo đảm trải nghiệm bay êm ái, sang trọng (Ảnh: Honda)

Cải thiện độ an toàn với sức khỏe

Nhiều người tìm đến phi cơ riêng bởi mối lo trước đại dịch Covid, nhưng những chuyến bay này cũng cần được phòng ngừa virus hiệu quả để bảo vệ người dùng. Để xử lý vấn đề này, các nhà sản xuất quyết định cải tiến thiết kế, đặc biệt là hệ thống lọc khí trong khoang hành khách. Chiếc máy bay Gulfstream G800 sở hữu công nghệ ion plasma có thể khử đến 99.9% vi khuẩn, mùi hôi và các thành phần gây dị ứng.

Trong ngành dịch vụ cho thuê phi cơ riêng, nhiều biện pháp phòng ngừa được đưa ra để bảo vệ hành khách cũng như nhân viên. Bên cạnh giãn cách xã hội, những nguyên tắc như đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn và xét nghiệm virus thường xuyên vẫn sẽ được nhiều doanh nghiệp áp dụng ngay cả khi đại dịch đã đi qua.

nội thất bên trong chuyên cơ cá nhân Gulfstream G800

(Ảnh: Gulfstream Aeroplane)

Sự bùng nổ của các công ty khởi nghiệp

Trong những năm vừa qua, chúng ta chứng kiến vài công ty khởi nghiệp đang làm nên tên tuổi trong thị trường ngành chuyên cơ cá nhân. Cụ thể hơn, những hãng này tạo nên sức hút riêng biệt nhờ hệ thống động cơ chạy hoàn toàn bằng điện năng. Ta không thể không nhắc đến Eviation cùng mẫu phi cơ Alice mang danh hiệu “máy bay điện đầu tiên trên thế giới.”
Bên cạnh lượng khí thải carbon tiệm cận đến 0, Alice sở hữu nhiều điểm mạnh khác so với đối thủ cạnh tranh, như chi phí hoạt động thấp nhờ tận dụng điện năng. Theo Eviation, mỗi giờ bay của Alice chỉ tiêu tốn €200 (khoảng gần 4,8 triệu VND).

chuyên cơ cá nhâ eviation alice

(Ảnh: Eviation)

Nội thất thiết kế

Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, nhu cầu sở hữu phi cơ riêng ngày càng tăng cao, người tiêu dùng phải nhanh chóng chụp lấy bất kỳ sản phẩm nào vừa ra khỏi dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, với nhiều đơn hàng tồn đọng, thời gian chờ kéo dài từ 6-12 tháng, nhiều người tận dụng cơ hội này để thiết kế, trang trí nội thất chuyên cơ cá nhân thật sang trọng, độc đáo.

Christi Tannahill, phó giám đốc quản lý trải nghiệm khách hàng tại Cessna cho biết, cô nhận ra nhiều xu hướng thiết kế từ thảm dệt thủ công, đến bàn bếp thạch anh, họa tiết chần bông, logo doanh nghiệp, thiết kế ghế ngồi…

Cô cũng nhận thấy một số xu hướng tương đồng với ngành nội thất nhà ở, ví dụ như màu mạ kim loại, màu gỗ veneer, kết cấu bóng mờ, kết hợp nhiều chất liệu kim loại, sử dụng điểm nhấn màu sắc… Những thiết kế đặc biệt nổi bật (statement piece) cũng rất được ưa chuộng, sử dụng kỹ thuật chạm khắc và khảm kim loại.

nội thất thiết kế bên trong chuyên cơ cá nhân của winch design

(Ảnh: Winch Design)

Bảo Châu – Theo Yacht Style


 
Back to top