BUSINESS OF LUXURY

H&M: Từ Cỗ Máy Xanh đến Thời trang tuần hoàn

Dec 18, 2020 | By Luxuo Vietnam

H&M, một trong những tập đoàn thời trang hàng đầu thế giới đang là thương hiệu đầu tư nhiều nhất vào sự phát triển bền vững của ngành thời trang. Thông qua H&M Foundation – tổ chức phi chính phủ được thành lập bởi H&M, tập đoàn này đang có những động thái tích cực để cải thiện các vấn đề bất cập của ngành thời trang.

Thời trang nhanh luôn nằm trong danh sách được giới truyền thông gọi tên khi nhắc tới những hoạt động kinh doanh gây hại tới môi trường. Nhưng nhờ tiếng nói của những người tiêu dùng có ý thức bảo bệ môi trường, các thương hiệu bắt đầu cần có những hành động cụ thể để khiến thế giới tốt đẹp hơn. 

Những thương hiệu đã và đang đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển những vật liệu thay thế, hay những công nghệ mới để cải tiến quy trình sản xuất sao cho ít tác động tiêu cực tới môi trường và cho người tiêu dùng ở mức tối thiểu. 

Vấn đề của vải sợi tổng hợp

Sản xuất dư thừa, môi trường lao động thiếu an toàn hay ô nhiễm môi trường là những hệ quả của thời trang nhanh. Vải là một vấn đề nổi cộm nhất. 

Thời trang vẫn thường sử dụng loại vải tổng hợp polyester (tiếng anh vẫn hay gọi là poly-cotton). Hai chất liệu này (polyester và cotton), một khi được kết hợp nhau, cực kỳ khó tách rời và tái chế. 

Với những ai làm trong ngành thời trang có thể đã biết ngành công nghiệp này phụ thuộc rất lớn vào loại sợi polyester, loại sợi chiếm hơn 50% lượng sản xuất sợi toàn cầu vào năm 2019 (theo báo cáo của Textile Exchange). Theo quỹ Ellen MacArthur Foundation, chỉ có khoảng 1% nguyên liệu dùng để sản xuất quần áo được tái chế thành đồ mới.

Vải pha Poly-Cotton đặc biệt gây khó khăn cho việc tái chế. Một khi hai loại sợi được quyện chặt với nhau, gần như không thể tách rời chúng ra. Một vài start-up đã nhận ra được vấn đề và cố gắng để tìm ra những giải pháp thiết thực cho ngành. 

Vào tháng 11 vừa qua, H&M đăng tải thông tin về Cỗ Máy Xanh (The Green Machine) – công nghệ tái chế mới nhất của H&M Foundation. Lần đầu tiên trên thế giới có thể tách thành công hai loại sợi này ra với quy mô công nghiệp bằng Cỗ Máy Xanh. Cùng tháng đó, Monki, thương hiệu sở hữu bởi H&M đã cho ra mắt bộ sưu tập đầu tiên được sản xuất bởi công nghệ này.

Nếu hiệu quả, Cỗ Máy Xanh có thể  khiến cho việc tái chế quần áo trên diện rộng, sẽ trở thành hiện thực, thậm chí tác động lớn tới cả chuỗi cung ứng (bao gồm cả các doanh nghiệp khác làm trong ngành thời trang gia nhập vào cuộc cách mạng này).

Cỗ Máy Xanh hoạt động như thế nào? 

Cỗ Máy Xanh là một công nghệ được ra đời từ sự hợp tác của H&M Foundation và HKRITA và nằm trong chương trình sáng kiến mới nhất của H&M,PLANET FIRST. 

Quá trình xử lý vải tổng hợp poly-cotton sử dụng nhiệt,nước và 5% chất hoá học phân huỷ sinh học (theo phát ngôn của tổ chức thì là đây là chất citric acid). Một khi được tách rời, sợi polyester sẽ tiếp tục được tạo thành những bó sợi và sẵn sàng để tạo thành những thớ vải mới. Trong khi đó, cotton cũng được xử lý để trở thành dạng bột cellulose và sau đó được dùng để tái tạo thành sợi mới. 

Từ công đoạn bắt đầu cho tới khi kết thúc, Cỗ Máy Xanh là một quy trình khép kín, nghĩa là nước, nhiệt cũng như chất hoá học được sử dụng trong quy trình hoàn toàn được tái chế, không tạo ra bất kì chất thải nào (theo Erik Bang, Innovation Lead tại H&M Foundation). 

Thành quả của Cỗ Máy Xanh là những sợi vải chất lượng có thể được dùng để làm ra những bộ trang phục mới hoàn toàn. Điều đáng nói là chúng cũng có giá trị về mặt kinh tế và hiệu quả về thời gian sản xuất. 

“Cỗ máy xanh là một cột mốc quan trọng về mặt công nghệ cũng như về mặt kinh tế. Chúng tôi gần như không chỉ tái chế được các loại vải tổng hợp trên diện rộng mà còn khiến chúng dễ tiếp cận hơn cho tất cả mọi người, loại bỏ đi định kiến về thời trang bền vững thì đắt đỏ. Chúng tôi không dừng ở việc tạo ra ảnh hưởng nhỏ, chúng tôi nghiêm túc trong việc hạn chế sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu” – Theo đại diện của H&M Foundation.

Sự ra đời của Cỗ Máy Xanh cũng đánh dấu bước chuyển mình của ngành thời trang khi ngành công nghiệp này đang nỗ lực giảm thiểu chất thải sản xuất và trở nên tuần hoàn hơn.  Với hệ thống đầu tiên đang được xây dựng ở một nhà máy Châu Á, Cỗ Máy Xanh sẵn sàng tái chế cho hàng tấn vải tổng hợp trên thị trường.

Nhưng H&M không dừng ở việc ra mắt một công nghệ mới nhất cho ngành thời trang. 

Từ Cỗ Máy Xanh tới Thời trang tuần hoàn

Cỗ Máy Xanh là tham vọng lớn của H&M. Trước khi ra mắt công nghệ Cỗ Máy Xanh, H&M foundation đã triển khai chương trình Recycling Revolution trong suốt giai đoạn từ 2016-2019. Đây là một trong những dự án nghiên cứu sâu rộng nhất từng được triển khai dành cho việc tái chế vải.   

Bên cạnh công nghê mới nhất, Recycling Revolution còn tập trung vào hai công nghệ khác mang tên The BreweryThe Mini Mill. Trong khi The Brewery là phương pháp sinh học nhằm tái chế hiệu quả hơn trong việc sử dụng vật liệu sản xuất, thì The Mini Mill là những nỗ lực “cải tiến” đồ cũ với mục đích chính là nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng trong việc hạn chế vứt vỏ những bộ quần áo mà họ không muốn dùng nữa. 

Giai đoạn 2020-2024, những nỗ lực bền vững của H&M và HKRITA bước sang một giai đoạn mới và chương trình mới được cải tiến với tên gọi PLANET FIRST

Theo Edwin keh, CEO của HKRITA, đây là dự án về phát triển bền vững tham vọng nhất từng có trong ngành thời trang. H&M Foundation đã quyên góp 12 triệu đô la mĩ cho PLANET FIRST và quỹ Hong Kong Government’s Innovation & Technology Fund cũng quyên góp thêm vào số tiền quỹ còn lại của H&M Foundation. Tổng con số đầu tư lên tới 100 triệu đô la mỹ cho dự án PLANET FIRST trong vòng 5 năm. 

PLANET FIRST tập trung vào phát triển những công nghệ tích cực, không chỉ riêng về thời trang tuần hoàn và biến đổi khí hậu, mà còn quan tâm tới hệ thống tự nhiên của trái đất bao gồm – Nước, Lửa, Đại dương, Khí hậu và sự Đa dạng sinh học. Những hệ thống này nếu được kết nối chặt chẽ với nhau sẽ tạo ra sức ảnh hưởng lẫn nhau. 

Công nghệ mới nhất của dự án. Cỗ Máy Xanh tách rời sợi vải là một bước quan trọng của H&M trên con đường trở thành một thương hiệu thời trang tuần hoàn. 

Nhưng, những hành động tích cực của quỹ sẽ không đem lại những kết quả toàn diện nếu không có sự chung tay của toàn bộ ngành công nghiệp (theo Erik Bang, Innovation Leat tại H&M Foundation).

Điều này cũng giải thích lí do tại sao họ có dự dịnh cấp phép công nghệ này cho các công ty khác. Điều đó cho thấy tham vọng của H&M không dừng lại ở một chiến dịch quảng bá về thời trang tuần hoàn đơn thuần. 

Cỗ Máy Xanh, dù mới chỉ là một thành tựu nhỏ trong ngành thời trang nhưng lại có ý nghĩa vô cùng tích cực tới những ai đang quan tâm tới thời trang tuần hoàn và biến đổi khí hậu.

Thông qua công nghệ để cải thiện tình trạng tốt hơn và hy vọng những thay đổi tích cực sẽ thúc đẩy thêm nhiều hành động thiết thực hơn trong giai đoạn mới. Chúng ta cần những thay đổi hơn là chấp nhận thực tại khó khăn. Và bạn có tin hay không, thế giới thời trang thật sự đang diễn ra một cuộc cách mạng. 

Blue


 
Back to top