Top thương hiệu giá trị nhất 2025: Apple vẫn dẫn đầu, NVIDIA lần đầu vào top 10
Theo báo cáo của Brand Finance, Apple tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng các thương hiệu giá trị nhất của Global 500 năm 2025, trong khi NVIDIA lần đầu vào top 10, khẳng định sự thống trị của các thương hiệu công nghệ toàn cầu.
Bảng xếp hạng các thương hiệu giá trị nhất toàn cầu Global 500 năm 2025 của Brand Finance ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của 500 thương hiệu hàng đầu thế giới, với tổng giá trị thương hiệu tăng 10%, đạt gần 9,5 nghìn tỷ USD. Mức tăng này vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và phản ánh sức mạnh của các thương hiệu trong bối cảnh nền kinh tế đầy biến động.
Đặc biệt, sự xuất hiện lần đầu tiên của NVIDIA trong top 10 với mức tăng trưởng ấn tượng 98% là một điểm nhấn đáng chú ý. Bên cạnh đó, các tên tuổi như FanDuel, DraftKings, AMD, Pinduoduo, BYD, TSMC và Lilly cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất kể từ năm 2020. Trong khi đó, WeChat vẫn giữ vững ngôi vị thương hiệu mạnh nhất thế giới, còn e& đã chứng tỏ sức mạnh vượt bậc với chiến lược hợp nhất, giúp giá trị thương hiệu tăng gấp 8 lần.
Apple vẫn là thương hiệu giá trị nhất
Apple tiếp tục khẳng định mình là thương hiệu giá trị nhất thế giới, với giá trị thương hiệu 574,5 tỷ USD vào năm 2025, bỏ xa đối thủ gần nhất là Microsoft với 461,1 tỷ USD. Kể từ năm 2021, Apple luôn giữ ngôi vương, ngoại trừ năm 2023 khi tạm nhường vị trí cho Amazon với cách biệt chỉ 1%. Sự ổn định và tăng trưởng ấn tượng này là minh chứng cho sức mạnh vượt trội của thương hiệu trong ngành công nghệ, một lĩnh vực tiếp tục chiếm ưu thế trong bảng xếp hạng Global 500.
Top 5 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2025 theo báo các Global 500 của Brand Finance, trong đó có đến 4 thương hiệu công nghệ:
- Apple: 574,5 tỷ USD (+11% so với năm 2024)
- Microsoft: 461,1 tỷ USD (+35%)
- Google: 413,0 tỷ USD (+24%)
- Amazon: 356,4 tỷ USD (+15%)
- Walmart: 137,2 tỷ USD (+42%)
Xem thêm: Top thương hiệu ô tô giá trị nhất 2025: Toyota vững ngôi, Tesla trượt dốc
Thương hiệu mới trỗi dậy, sức mạnh Trung Quốc, ngành công nghệ và truyền thông
Bên cạnh các ông lớn công nghệ, bảng xếp hạng năm nay cũng ghi nhận sự nổi lên của những thương hiệu mới với mức tăng trưởng mạnh mẽ. NVIDIA, AMD và TSMC, đặc biệt, đã ghi dấu ấn mạnh mẽ nhờ vào sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực bán dẫn. NVIDIA, lần đầu tiên góp mặt trong top 10, đã chứng kiến giá trị thương hiệu của mình tăng 98%, lên mức 87,9 tỷ USD, từ con số chỉ 4,7 tỷ USD vào năm 2020. Những cái tên tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2020:
- TikTok/Douyin: 105,8 tỷ USD (+79% từ 59,0 tỷ USD năm 2022)
- DraftKings: 5,1 tỷ USD (tăng từ 18 triệu USD năm 2020)
- FanDuel: 7,0 tỷ USD (tăng từ 56 triệu USD năm 2020)
- NVIDIA: 87,9 tỷ USD (tăng từ 4,7 tỷ USD năm 2020)
- AMD: 11,0 tỷ USD (tăng từ 1,4 tỷ USD năm 2020)
Một trong những điểm đáng chú ý khác là sự trỗi dậy của các thương hiệu từ Trung Quốc. TikTok, Pinduoduo và BYD đang ngày càng khẳng định vị thế toàn cầu của mình, thách thức các thương hiệu truyền thống và truyền thống từ phương Tây với chiến lược sáng tạo và tập trung vào nhu cầu thị trường hiện đại.
David Haigh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Brand Finance, nhận xét:“Phân tích của chúng tôi về những thương hiệu nào đã phát triển mạnh nhất kể từ năm 2020 cho thấy các công ty công nghệ không độc quyền về tăng trưởng thương hiệu bền vững. Quan điểm dài hạn này cũng củng cố một xu hướng toàn cầu quan trọng khác: cách các thương hiệu Trung Quốc như TikTok, Pinduoduo và BYD đang dẫn đầu bằng cách tạo ra giá trị và thách thức các thương hiệu dẫn đầu đã thành danh. Khi Trung Quốc tiếp tục tinh chỉnh các chiến lược xây dựng thương hiệu và tập trung vào chất lượng, chúng tôi hy vọng sẽ thấy nhiều công ty Trung Quốc hơn nữa gia nhập thị trường toàn cầu vào năm 2025.”
Dù các thương hiệu công nghệ chiếm ưu thế trong bảng xếp hạng, ngành truyền thông lại chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng nhất, với tổng giá trị thương hiệu tăng 125% kể từ năm 2020. Google và Amazon, với những khoản đầu tư lớn vào trí tuệ nhân tạo, tiếp tục củng cố danh tiếng về đổi mới và chiếm được lòng tin từ người tiêu dùng toàn cầu. Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của WeChat, với điểm Chỉ số Sức Mạnh Thương Hiệu (BSI) đạt 95,2/100, khẳng định sức mạnh của các ứng dụng truyền thông trong việc kết nối người dùng trên toàn thế giới.
Tăng trưởng vượt mức kinh tế toàn cầu
Dù kinh tế toàn cầu dự báo chỉ tăng trưởng 2,8% vào năm 2025, tổng giá trị của 500 thương hiệu hàng đầu lại tăng trưởng 10%, từ 8,6 nghìn tỷ USD (2024) lên 9,5 nghìn tỷ USD (2025). Điều này phản ánh sự gia tăng mạnh mẽ của các thương hiệu trong các lĩnh vực ngân hàng, bán lẻ và truyền thông. Trong đó, Mỹ, Trung Quốc và Đức là ba quốc gia chiếm nhiềm thương hiệu giá trị nhất 2025. Ngành ngân hàng, bán lẻ và truyền thông tiếp tục là những ngành dẫn đầu, đóng góp lớn vào tổng giá trị thương hiệu toàn cầu.
- Mỹ: Dẫn đầu với 193 thương hiệu, chiếm hơn 50% tổng giá trị.
- Trung Quốc: Đứng thứ hai với 69 thương hiệu, chiếm 15% tổng giá trị.
- Đức: Với 27 thương hiệu, chiếm 6% tổng giá trị.
—
Nguồn: Brand Finance