BUSINESS OF LUXURY

VinFast thành công ty có vốn hoá lớn thứ ba sau Tesla và công thức quản trị người của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Aug 18, 2023 | By Luxuo Vietnam

VinFast niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Nasdaq với vốn hoá hơn 85 tỷ USD đã tạo nên cột mốc mới trong hành trình vươn tầm thế giới của thương hiệu. Để có được thành công như hiện tại, VinFast đã trải qua nhiều đợt thay đổi nhân sự cấp cao, đây là một trong những chiến lược phát triển của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. 

Trong phiên chào sàn 15/8, cổ phiếu VFS của VinFast mở cửa ở mức 22 USD, giảm xuống dưới 17 USD ngay sau đó rồi bật ngược trở lại lên 28 USD trước giờ nghỉ trưa. Ngay sau đó, lực cầu mạnh nhanh chóng kéo cổ phiếu của nhà sản xuất ôtô Việt Nam tăng vọt.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng giám đốc toàn cầu của VinFast, nói rằng việc VinFast niêm yết thành công sẽ tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu phổ cập xe điện thông minh, an toàn và thân thiện với môi trường, thực hiện cam kết của họ trong cuộc cách mạng di chuyển bền vững trên quy mô toàn cầu.

VinFast chốt phiên giao dịch đầu tiên trên Nasdaq ở mức hơn 37 USD, tương ứng vốn hóa hơn 85 tỷ USD, cao hơn mọi công ty xe điện khởi nghiệp tại Mỹ cộng lại. Con số này cũng lớn hơn nhiều vốn hóa của các nhà sản xuất ô tô truyền thống như Ford Motor, GM, Stellantis, BMW, Volkswagen, Tập đoàn Mercedes-Benz và nhiều hãng xe khác.

Theo Barron, màn ra mắt của nhà sản xuất xe điện Việt Nam cho thấy các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến các công ty sản xuất xe điện khởi nghiệp được hỗ trợ bởi các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).

Giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu VFS

Sau phiên giao dịch 15/8, VinFast cũng điền tên vào danh sách những công ty xe điện giá trị nhất thế giới. Đứng đầu danh sách này là Tesla với quy mô vốn hóa gần 740 tỷ USD. BYD là 87 tỷ USD. Hai công ty đứng tiếp theo là VinFast (vốn hóa 85 tỷ USD) và Li Auto (40,1 tỷ USD).

Con số 85 tỷ USD của VinFast cũng vượt xa công ty xe điện đứng thứ hai tại Mỹ là Lucid Motors, với vốn hóa sau phiên hôm qua dừng ở mức 14,5 tỷ USD.

Trong nước, cổ phiếu Vingroup (VIC) – công ty mẹ của VinFast hôm 16/8 cũng tăng trần 4.900 đồng lên 75.600 đồng/cp. Với giá trị hiện tại, giá trị vốn hoá của VIC hiện xếp thứ 2 toàn thị trường, đạt 288.334 tỷ đồng, chỉ đứng sau VCB của Vietcombank. Mức vốn hoá của VIC tương đương với khoảng 12,1 tỷ USD. 

Theo Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup có khối tài sản tăng thêm 200 triệu USD lên 5,9 tỷ USD. 

Công thức quản trị nhân sự của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Để có được thành công như ngày hôm nay, VinFast đã trải qua nhiều đợt thay đổi nhân sự cấp cao. Tháng 6/2022, Reuters đưa tin 4 nhân sự cấp cao của VinFast đã thôi việc tại công ty. Người phát ngôn của VinFast cho biết, công ty đã chấm dứt hợp đồng lao động với 4 người khi được sự đồng ý của họ. Tháng 3/2023, VinFast thông tin về việc thêm ba lãnh đạo cấp cao phụ trách bán hàng và dịch vụ đã rời công ty. 

Tại Đại hội đồng Cổ đông năm 2023 của Vingroup, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã có những chia sẻ trong việc quản trị nhân lực tại VinFast. Theo đó, ông Vượng chia sẻ: “Hôm trước tôi nói chuyện với một giám đốc của một ngân hàng hàng đầu thế giới. Sau một hồi vòng vo thì anh ấy hỏi tôi: Trong năm 2022, tại sao VinFast lại thay cơ bản hết đội ngũ lãnh đạo? Vì sao lại thay người nhanh quá?”

VinFast tại triển lãm công nghệ uy tín bậc nhất thế giới được tổ chức tại Las Vegas (Nevada, Mỹ) năm 2022

Trả lời thắc mắc của vị lãnh đạo trên, Chủ tịch Vingroup cho biết VinFast hiện vẫn đang là một startup, công ty tuyển nhân tài từ khắp thế giới về làm việc, tuy nhiên xác suất tuyển đúng người giỏi, đúng người phù hợp, đúng người chịu làm việc rất thấp. “Vậy khi phát hiện những người không phù hợp, không đủ năng lực, thậm chí là yếu kém đi thì là một công ty mạnh, liệu anh sẽ sa thải luôn hay đợi 1, 2 năm mới sa thải? Tôi nghĩ câu hỏi này không cần tôi trả lời thì anh cũng tự có lời giải”, ông Vượng thẳng thắn chia sẻ.

Ông Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân sự: “Nghĩa là học mọi lúc, mọi nơi, ở mọi người. Phần đào tạo về học tập dường như trở thành quốc sách, đòi hỏi đầu tiên. Đầu tư vào đào tạo nhân viên cũng là một nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong cách quản lý nhân sự của Google và các tập đoàn lớn trên thế giới”.

Triết lý của ông Vượng coi mỗi nhân sự là một đại sứ của công ty, mỗi nhân viên phải thể hiện bản thân ở mọi lúc, mọi nơi, nhân viên đang làm việc cho cả một hệ thống là đại diện cho cả một hệ thống. Khi lãnh đạo truyền cho họ tinh thần đó để họ phải nhận biết được điều đó và thực hiện tốt công việc hàng ngày. 

Chình vì mỗi nhân viên là một đại sứ nên việc trau dồi kiến thức, cũng như tinh thần, trách nhiệm làm việc được Vingroup coi trọng. Ở Vingroup đối với các cán bộ lãnh đạo, phải đào tạo cấp dưới 52 giờ/ năm, nhân viên 1 năm phải đào tạo 100 giờ. 

Tổng hợp 


 
Back to top