Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Suy tư sáng tác (P9): Trò chuyện cùng họa sĩ Đoàn Đức Hùng

Feb 23, 2022 | By Trang Ps

“Sự tinh giản trong nghệ thuật” – đó cũng chỉ là một lý tưởng, một quan niệm. Để tự do trong sáng tạo, anh phải thuận theo dòng chảy riêng biệt và có sẵn bên trong mình đồng thời tự do ra khỏi mọi lý tưởng, dù đó là lý tưởng đẹp nhất. Một cuộc trò chuyện với họa sĩ Đoàn Đức Hùng, dù không quá dài, nhưng lại trực diện nhất vào suy tư chân thành của anh về sống và sáng tạo.

Được biết, họa sĩ Đoàn Đức Hùng từng có thời gian gắn bó với chuyên ngành khác trước khi bén duyên với nghiệp hội họa. Anh có thể chia sẻ về lối rẽ riêng này?

Hồi nhỏ, mỗi lần đi học về, tôi lại dừng ở cửa nhà bác họa sĩ gần nhà xem bác ấy vẽ. Và chẳng biết từ lúc nào, hội họa khiến tôi say mê. Tôi ngỏ lời với bác về việc đến học vẽ để thỏa mãn niềm yêu thích. Tuy nhiên, sau này tôi lại học về nội ngoại thất và đi làm các công trình tại Sài Gòn và Hà Nội. Công việc bận rộn cứ thế cuốn tôi đi khiến bản thân vô thức bỏ quên đam mê thuở bé từ lúc nào chẳng hay. Sau một thời gian, tôi về Hải Phòng làm việc. Thật vui là trong thời gian này, Hội Mỹ thuật Hải Phòng tổ chức nhiều triển lãm mỹ thuật, tôi thường đến xem, nhờ vậy mà niềm đam mê hội họa ngày nào trong tôi như được đánh thức. Tôi cũng có cơ hội gặp và giao lưu với nhiều họa sĩ, không ít trong số đó là bậc kỳ cựu trong nghề. Thế là tôi lại lao vào vẽ. Qua thời gian khởi động, được sự động viên, chỉ bảo của anh em họa sĩ, tôi dần bắt nhịp với bút pháp mình ưa thích và lựa chọn.

Hồi còn làm nội thất, tôi thích tranh trừu tượng, chủ yếu nhằm decor các công trình, vừa đáp ứng đam mê và lại phù hợp với lối vẽ hơi hướm phóng khoáng của bản thân. Khi chú tâm vào dòng chảy hội họa, tôi cũng vẽ phong cảnh, tĩnh vật. Nhưng có lẽ tôi thấy thích và phù hợp với mảng chân dung hơn cả. Tôi đang tiếp tục hoàn thiện lối vẽ của mình ở các tranh khổ nhỏ. Mọi thứ còn ở phía trước!

Tôi nghĩ sự phóng khoáng tự do luôn là điều mà người ta mong muốn không chỉ cho chính lối sống của mình mà còn sự nghiệp của chính họ. Vậy theo Hùng, tự do sáng tác trong quan điểm của anh được thể hiện như thế nào?

Khi vẽ, tôi dễ dàng gạt bỏ mọi việc khác sang một bên, và cũng không bị áp lực gì chi phối. Lúc cảm xúc dâng trào, tôi thấy ưng ý với tác phẩm mà bản thân vừa vẽ theo ý đồ của mình! Tôi nghĩ tự do trong sáng tác là vẽ theo đúng suy nghĩ hay dòng chảy nội tại của chính mình. Những bố cục, hình, nét, mảng… được thể hiện một cách thoải mái, đậm chất hội họa.

Tôi không thích sự gò bó được tạo ra bởi việc cố tạo “phong cách”, nhưng cũng không muốn tác phẩm của mình sa đà vào “tự nhiên chủ nghĩa”. Cũng chẳng phải là “tuyên ngôn” gì ghê gớm, đại khái là khi vẽ, tôi theo cảm xúc của mình mà không câu nệ gì, cố gắng hoàn thiện tác phẩm một cách tốt nhất theo khả năng của mình.

Tôi nghe những câu chuyện phổ biến rằng trong cuộc sống, nhiều họa sĩ phải đối diện với không ít áp lực (cơm áo gạo tiền, điều kiện đời sống xã hội…), tất cả dồn dập tác động một cách “tự nhiên” đến sáng tác của họ. Rõ ràng, nếu anh không bị câu thúc bởi bất cứ áp lực nào (trừ áp lực nâng cao tính sáng tạo trong nghệ thuật), thì anh làm việc tự do hơn. Đây cũng là điều kiện cho sự thăng hoa, bay bổng!

Khi người ta gắn bó với một điều gì đó đủ lâu, họ dễ theo thói quen để rồi không thấy ra lối đi mới mẻ. Ý anh như thế nào? Phải chăng sự mới mẻ không phải ở chỗ nó không được lặp lại một đề tài, mà làm sao để người họa sĩ tự trong tâm hồn của họ mới mẻ là đủ, không quan tâm quá nhiều đến đám đông nghĩ gì!

Tôi cũng hiểu như vậy. Tuy nhiên, trong nghệ thuật, thay đổi để hay hơn, độc đáo hơn là chuyện không hề đơn giản. Nếu anh không hướng vào bên trong mình, và chú tâm trong dòng chảy sáng tạo riêng  biệt của mình, công việc hẳn dễ dẫn đến nhàm chán. Và như vậy, chính anh đang chán ngay cả khi anh đang sống với đam mê của mình!

Liệu anh có được ảnh hưởng bởi một quan điểm hay lý tưởng sống nào đó?

Vẽ là phản ánh chính nội tâm con người mình, là tự sự thông qua đối tượng thể hiện, tôi không bị ảnh hưởng bởi hệ thống triết học nào.

Khi nhìn vào những bức chân dung của Hùng, tôi thấy được trong đó sự khoáng đạt hồn nhiên trong nét cọ dù đó là một bức chân về một tâm hồn hay nhiều hơn thế. Không biết anh có chú trọng vào kỹ thuật vẽ hay đang phát triển một kỹ thuật vẽ mới mẻ nào?

Quả thực cũng không có gì đặc biệt. Tôi chủ yếu vẽ sơn dầu với bút (cọ) và thích ký họa mực trên giấy. Ký họa bổ trợ cho việc tạo hình, tư duy trong việc xây dựng tác phẩm sơn dầu. Tôi vẫn luyện hằng ngày, để sao cho nét, nhát bút của mình thuần thục, thể hiện thuận như suy nghĩ của mình.

Như anh chia sẻ, có lẽ trong giai đoạn này Hùng chuyên tâm vào việc vẽ, nhưng anh có tìm hiểu hay mong muốn thử nghiệm các loại hình nghệ thuật khác?

Tôi khá yêu thích xem các loại hình nghệ thuật khác để tìm hiểu những thông điệp, quan niệm mới về nghệ thuật để bổ trợ cho nghề của mình. Tuy nhiên, quả thật, tôi chỉ tập trung vào vẽ. Chỉ làm một việc ấy mà chín cũng đã rất khó rồi! Tôi nghĩ vậy.

Tôi nghĩ rằng mọi trải nghiệm trong cuộc đời này là bình đẳng, dù trải nghiệm có bé nhỏ có lớn lao, nhưng bé nhỏ lớn lao thì cũng chỉ là quan niệm. Khi nhìn lại hành trình sáng tác của mình, ứng với ý kiến ấy, anh có suy tư như thế nào, rằng mọi thành bại thì cũng chỉ là quan niệm, chỉ là một trải nghiệm để mình học ra bài học trong sáng tác hay nhận thức cá nhân mà thôi?

Sự trải nghiệm trong đời sống thật quan trọng! Nó làm phong phú đời sống, vốn sống của mình. Điều đó tất nhiên giúp rất nhiều đối với người làm nghệ thuật nói chung, với tôi nói riêng. Sự sâu sắc trong suy nghĩ của mỗi người phụ thuộc vào sự trải nghiệm, vào bài học nó mang lại. Đó chính là yếu tố quan trọng để con đường làm nghệ thuật của mỗi người dài hay ngắn.

Anh quan niệm ra sao về sự tinh giản tối đa trong nghệ thuật?

“Sự tinh giản tối đa trong nghệ thuật”, tôi nghĩ đó cũng chỉ là một trong những quan niệm. Tuy nhiên, để tinh giản mà hay được không phải đơn giản. Trong khi vẽ, tôi chỉ cố gắng suy nghĩ, sao cho đừng để những gì “thừa” trong tác phẩm của mình.

Những chất liệu nào trong sáng tác mà anh cảm thấy gần gũi nhất với tư tưởng và phong cách cá tính của mình? Theo anh, chất liệu chỉ là phương tiện? Còn về nguồn cảm hứng sáng tác thì sao?

Tôi thích chất liệu sơn dầu và dùng mực khi ký họa. Đúng là chất liệu chỉ là phương tiện để mình chuyển tải cảm xúc.

Nguồn cảm hứng cũng là yếu tố quan trọng. Nó làm cho người họa sĩ dễ thăng hoa khi làm tác phẩm. Nhưng tôi nghĩ, với những người đam mê, thích sự sáng tạo và đặc biệt có vốn sống phong phú, là nguồn cảm hứng luôn dồi dào.

Thậm chí, họ còn luôn tạo ra cảm hứng cho mình mà không phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài. Tức dòng cảm hứng luôn có sẵn bên trong họ, họ chỉ cần chú tâm vào dòng chảy bất diệt nơi nội tâm mà thôi.


 
Back to top