Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Giám tuyển Dương Mạnh Hùng: “Chơi nghệ thuật là chấp nhận có thể bị nó phụ bạc!”

Jun 19, 2023 | By Trang Ps

Đặc trưng giới sưu tập Việt Nam, người chơi nghệ thuật mới cần chuẩn bị gì để bước vào hành trình thú vị này, và một số cách tiếp cận nguồn tác phẩm thông minh… Cuộc trò chuyện giữa LUXUO và giám tuyển Dương Mạnh Hùng xoay quanh những đề tài thú vị, và đặc biệt là cách anh “mở ra lối đi”. 

Qua công việc giám tuyển của mình, anh thấy giới sưu tầm Việt được chia ra làm mấy loại, và điểm nổi bật?

Công việc của một giám tuyển, ngoài làm việc với nghệ sĩ, tác phẩm, và không gian, thì còn có cả việc gặp gỡ với giới sưu tầm/tập nghệ thuật. Giám tuyển luôn phải xem mình là cây cầu kết nối giới yêu nghệ thuật đến với nghệ sĩ và tác phẩm, như ‘loài ong’ thụ phấn giúp muôn hoa đua nở trong vườn nghệ thuật.

Trong trải nghiệm gần mười năm qua làm việc trong mảng nghệ thuật đương đại nước nhà, quả tình tôi chưa được gặp nhiều người sưu tầm/tập cho đến hai năm trở lại đây, khi những người yêu nghệ thuật Việt Nam bắt đầu hiện diện nhiều hơn trên các sàn đấu giá cũng như ở các sự kiện nghệ thuật đương đại trong và ngoài nước. Tôi dùng hai chữ ‘tầm’ và ‘tập’ để tạm thời phân ra hai nhóm chính mà theo thiển ý của tôi đang định hình nên ‘giới mua nghệ thuật Việt’.

Một là ‘nhà sưu tầm’, yêu thích nghệ thuật, mua tác phẩm thuần túy theo cảm xúc, ‘thấy thích là nhích’, ít nhiều chưa hoạch định gì xa xôi với bộ tác phẩm mình đang tích nhặt (như một thú vui cá nhân, làm điểm kết nối với bạn bè yêu nghệ thuật khác, hay như cảm hứng cho chính sáng tác của mình). Hai là nhà ‘sưu tập’, cũng yêu thích nghệ thuật và tôn trọng nghệ sĩ, nhưng có cái nhìn chiến lược hơn khi chọn mua tác phẩm, và có kế hoạch lâu dài hơn với bộ sưu tập của mình (như xây bảo tàng tư nhân, làm di sản cho thế hệ sau, làm công cụ phục vụ cộng đồng, v,v.).

Với thị trường nghệ thuật đang trên đà chớm nở như ở Việt Nam, tôi trân trọng mọi nhà sưu tầm/tập, vì họ đều là những người thiết tha với nghệ thuật, trân trọng nghệ sĩ và những người lao động nghệ thuật khác, cũng như đau đáu về nền nghệ thuật nước nhà. Tôi thực sự mong mỏi rằng những người ‘mua nghệ thuật’ trong nước sẽ trở thành nền tảng nâng đỡ và hỗ trợ cho nghệ thuật Việt Nam có những bước tiến hiển hách và thú vị hơn trong tương lai.

Tranh của Trần Vĩnh Thịnh.

Anh đánh giá ra sao về thị trường chơi tranh tại nước ta? Khó khăn và thuận lợi, thử thách và cơ hội? Qua đó, anh nghĩ giới sưu tập trẻ như thế hệ millennial… cần làm gì để có sự chuẩn bị tốt về chơi tranh?

Chơi tranh có lẽ là một cụm từ hơi hạn chế, vì bây giờ chúng ta đã có nhiều lựa chọn hơn nhiều về phương tiện sáng tác, đặc biệt là với nghệ thuật đương đại nơi ý niệm lên ngôi và dần hòa mình vào phương tiện. Ở đây, tôi muốn nói rộng ra về tác phẩm nghệ thuật đương đại – bao gồm cả tranh trong đó.

Tác phẩm nghệ thuật vẫn luôn có chỗ đứng trong dòng chảy thị trường của nước ta, cũng như bất cứ quốc gia nào khác. Nó là kết tinh của sáng tạo, cũng là biểu tượng chuyên chở các giá trị xã hội khác, bao gồm cả tài chính. Nếu nói riêng về lịch sử chơi tranh, nước ta đã xuất hiện những người vừa chơi tranh, vừa đồng hành với hoạ sĩ từ rất lâu. Họ là những người mở các phòng tranh tại nhà riêng (tiền thân cho các gallery sau này), thậm chí còn bỏ tiền túi mua màu, toan, và cọ cho họa sĩ. Những người sưu tập này là khởi đầu cho cái gọi là ‘lịch sử sưu tập’ ở nước ta, bắt đầu vào khoảng thời gian những năm 60-80.

Với một lịch sử tuy chưa quá dài, nhưng hệ thống phòng tranh và gallery trong nước đã luôn song hành với nghệ sĩ, tạo đà cho các nhà sưu tập trẻ sau này có phông tham chiếu và nơi để qua lại và thưởng ngoạn. Đó là thuận lợi lớn cho các nhà sưu tập Việt. Tuy nhiên, tôi cũng muốn chua thêm rằng, bên cạnh tình yêu nghệ thuật đáng quý, các nhà sưu tập, hậu bối hay tiền bồi, vẫn nên chuẩn bị cho mình những kiến thức nền tảng về nghệ thuật nước nhà cũng như quốc tế. Khi xem tác phẩm, sau khi đã qua bước cảm thụ, mọi người hãy đặt câu hỏi Vì sao nhiều hơn. Vì sao tôi thấy thích chất liệu sơn dầu? Vì sao nghệ sĩ này lại vẽ thế này mà không phải thế kia? Vì sao lại đánh đèn chỗ ấy mà không phải chỗ đó? Tác phẩm này xuất hiện trong bối cảnh lịch sử cá nhân/dân tộc như thế nào?

Từ chỗ hỏi, các nhà sưu tập trẻ sẽ định hình được cho bản thân thẩm mỹ riêng, biết được mình thích nghệ sĩ nào, bảng màu nào, chất liệu chủ đề nào, phương tiện nào, hay trường phái nào.  Dẫu vẫn biết rằng ta không thể biết cái ta không biết, và kiến thức về nghệ thuật thì không cùng, nhưng việc đi sâu hơn mức cảm thụ và tích cực tìm hiểu về lịch sử nghệ thuật cũng sẽ tạo cho các nhà sưu tập trẻ một tâm thế vững vàng hơn khi đối diện với chính bộ sưu tập của mình, cũng như công chúng.

Nam Sơn, “Thôn nữ Bắc kỳ” (1936), lụa. Ảnh: Ngô Kim Khôi cung cấp.

Không ít người sưu tập nhưng rồi vì ảo tưởng mà vỡ mộng. Theo anh, các ảo tưởng này đến từ đâu, và cần làm gì để không rơi vào sự ảo tưởng?

Nghệ thuật cũng là ảo mộng; ta tạo ra một thế giới riêng tư trong mộng để hòa mình vào – ấy là một trong các công năng của bộ sưu tập tác phẩm vậy. Theo tôi, một khi đã sưu tập nghệ thuật, thì ta phải xác định sẽ sống chết với nó, nuôi dưỡng chắt chiu cho nó, và chấp nhận có thể bị nó ‘phụ bạc’.

Việc vỡ mộng, nếu có đến, thì cũng là từ những trông đợi của người sưu tập đối với bộ sưu tập của mình. Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh lại việc trang bị cho mình kiến thức nghệ thuật trước khi bắt tay vào xây dựng một bộ sưu tập cá nhân. Qua việc hiểu rõ hơn gu thẩm mỹ của mình, nhà sưu tập sẽ hiểu được mình là ai và mình muốn gì – hai câu hỏi tiên quyết để tránh những đổ bể mộng mị sau này trên con đường ‘tình ái’ với nghệ thuật.

Anh thấy sao về việc nhà sưu tập đầu tư tài chính cho một số họa sĩ, và đổi lại, họ lấy tranh? Có cách đầu tư nào khác tương tự?

Hệ thống đầu tư tài chính cho nghệ sĩ để đổi lấy tác phẩm là câu chuyện xưa như Trái đất, từ thời kỳ Phục hưng khi Michelangelo vẽ tranh tường trong các nhà thờ hay vẽ chân dung cho các quý tộc thương nhân giàu có. Và hệ thống ấy vẫn tồn tại cho đến tận ngày nay, khi các bảo tàng, gallery, nhà sưu tập vẫn luôn duy trì một mối quan hệ có qua có lại với nghệ sĩ, nhằm lưu thông dòng tiền tệ và chất xám sáng tạo. Tôi mạn phép không bàn đến những cách đầu tư khác, phần vì kiến thức bản thân vẫn còn cần cơi nới, phần vì đó cũng là một câu hỏi thú vị cho những ai đang muốn đầu tư tài chính vào nghệ thuật tự suy ngẫm. Sáng tạo không chỉ nằm ở cách làm ra tác phẩm, mà còn ở cách dung dưỡng và mở ra những chân trời mới cho nó.

Anh có thể gợi ý một số chiến lược tiếp cận nguồn tác phẩm hợp lý, thông minh?

Nguồn tác phẩm thì rất nhiều: bảo tàng, phòng tranh, sàn đấu giá, thương lái nghệ thuật (art dealer), các nhà sưu tập khác, và chính cả nghệ sĩ. Tuy nhiên, một lần nữa, ta quay lại việc hiểu mình và có nền tảng kiến thức về nghệ thuật và thị trường nghệ thuật. Khi đã có một thời gian tìm hiểu về cách vận hành của thị trường nghệ thuật, thấy được những mắt xích quan trọng giúp lưu thông nguồn tác phẩm, nhà sưu tập sẽ trở nên nhạy bén hơn trong việc thẩm định hay tìm người hỗ trợ một cách thấu tình đạt lý.

Việc đầu tư vào NFT tại Việt Nam trong thời điểm này, anh thấy sao?

Tôi không hiểu rõ về cơ chế vận hành của NFT nên xin không lạm bàn cái mình không biết. Câu hỏi này nên để dành cho những nhà đầu tư công nghệ block-chain ở Việt Nam – vừa là thách thức vừa là cơ hội cho nghệ thuật.

Việc nhà sưu tập mua tranh qua “lỗ tai” được cho là không ít, nhận định của anh về điều này?

Một lần nữa, nhà sưu tập cần hiểu mình và có kiến thức nghệ thuật trước hay trong khi chọn mua tác phẩm. “Lỗ tai” cũng là một kênh thông tin; mấu chốt vẫn nằm ở việc nhà sưu tập có chính kiến (dựa trên nền tảng hiểu biết và quan sát cá nhân) để thẩm định nguồn thông tin đó có hỗ trợ/ phù hợp với mong muốn của mình hay không mà thôi.


 
Back to top