Nghệ thuật

Gợi ý 10 tựa sách nghệ thuật đáng đọc

Jan 09, 2023 | By Ace Le

Giám tuyển Ace Lê gợi ý 10 tựa sách nghệ thuật mà anh đánh giá cao trong năm 2022. Với đa dạng thể loại và phân khúc, đây cũng chính là những tựa sách gối đầu giường của những người thực hành và đam mê nghệ thuật.

Mai Trung Thứ (1906-1980), “La lecture (Reading)” (1956), 17 x 23 cm. Nguồn ảnh: christies.com

2022 là một năm trăm hoa đua nở cho phân khúc sách nghệ thuật, và dưới đây là danh sách tuyển hợp chủ quan của tôi về những tựa sách đáng đọc nhất trong năm, trải từ nghệ thuật hiện đại đến đương đại, từ nghiên cứu tới dịch thuật.

1. “Nghệ Thuật Dessin”, Nguyễn Đình Đăng, NXB Dân Trí

Đây là cuốn sách thứ hai của Nguyễn Đình Đăng về mỹ thuật – sau “Kỹ thuật vẽ sơn dầu” (2018) – và là cuốn đầu tiên tổng hợp và hệ thống hóa kiến thức kỹ thuật dessin trong mối liên hệ với lịch sử mỹ thuật, triết học và khoa học.

Một lần nữa, tác giả bổ khuyết cho đề cương giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam, vốn từ lâu khao khát những tài liệu kỹ thuật dựa trên nghiên cứu bài bản, thấu đáo. Nguyễn Đình Đăng chắt lọc 50 năm nghiên cứu và thực hành, dưới tư cách của một họa sỹ-nhà khoa học, để rút gọn lại những chia sẻ cần thiết cho cả độc giả có chuyên môn lẫn người mới nhập môn. Ta đọc và hiểu được rằng cũng như bác sỹ hay kỹ sư, “họa sỹ” nên/phải là một nghề được tôn trọng trước hết bởi kỹ năng cứng. Điều này giải thích cho quan điểm có phần tinh hoa chủ nghĩa của Nguyễn Đình Đăng rằng hội họa đích thực đã thoái hóa dần đều kể từ giai đoạn Ấn tượng.

Dù ta có đồng tình với quan điểm này hay không, thì trong bối cảnh mà việc trở thành họa-nghệ sỹ đã trở nên quá dễ dãi như hiện nay, loạt sách của Nguyễn Đình Đăng đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh, đòi lại sự tự tôn cần có của chữ “họa” trong danh xưng “họa sỹ”. Vì thông điệp quan trọng này, tôi xin phép xếp “Nghệ thuật dessin” đứng đầu bảng sách 2022.

2. “Don’t Call It Art! Contemporary Art in Vietnam 1993-1999”, Annette Bhagwati, Veronika Radulovic, NXB Kerber

Thai nghén 6 năm, nghệ sỹ người Đức Veronika Redulovic cuối cùng cũng đã cho ra đời cuốn sách nói về buổi bình minh của nghệ thuật đương đại Việt Nam những năm sau Đổi Mới, với những tư liệu trong kho lưu trữ của bà về nhóm avant garde đời đầu: Trương Tân và bộ tam Nguyễn Minh Thành – Nguyễn Văn Cường – Nguyễn Quang Huy.

Nghệ thuật đương đại Việt Nam đi sau thế giới 30 năm, nhưng khi những người tiên phong xuất hiện thì họ đã tạo ra một cuộc cách mạng khủng khiếp, thay đổi hoàn toàn cách sáng tác, giảng dạy, tiếp cận và tiêu thụ nghệ thuật.

“Don’t Call It Art! Contemporary Art in Vietnam 1993-1999” (tạm dịch: “Đừng Gọi Đó Nghệ Thuật! Nghệ Thuật Đương Đại Ở Việt Nam 1993-1999”) – cuốn sách đặc biệt quan trọng với những bạn trẻ thực hành nghệ thuật ngày hôm nay, bởi nó là một khung cửa sổ giúp nhìn về một quá khứ không được dạy ở trường và càng không xuất hiện trên truyền thông đại chúng nội địa. Tuy các bài luận trong sách được xâu chuỗi chưa chặt chẽ lẵm, nhưng kho dữ liệu 1,000 tác phẩm sẽ là một trong những nguồn nghiên cứu toàn diện nhất về giai đoạn này.

3. “Ham Nghi, Prince D’annam (1871-1944): L’art en Exil”, Dabat Amandine, NXB Silvana

“Ham Nghi, Prince D’annam (1871-1944): L’art en Exil” (tạm dịch: “Hàm Nghi, Hoàng Đế An Nam (1871-1944): Nghệ Thuật Chốn Lưu Đày”) là cuốn vựng tập triển lãm cùng tên diễn ra từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2022, tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á, Nice, Pháp.

Triển lãm do sử gia nghệ thuật Dabat Amandine, hậu duệ đời thứ 5 của Hàm Nghi giám tuyển, dựa trên cuốn sách xuất bản trước đó năm 2018, cũng là đồ án tiến sỹ của cô, với tựa “Ham Nghi – Empereur en Exil, Artiste à Alger” (tạm dịch: “Hàm Nghi – Hoàng Đế Lưu Vong, Nghệ Sỹ ở Algeria”). Triển lãm trưng bày hơn 150 tác phẩm, tư liệu và hiện vật liên quan tới Hàm Nghi, bút hiệu Tử Xuân, thường được cho là họa sỹ hiện đại Việt Nam đầu tiên được đào tạo bởi thầy Pháp. Ông chỉ sáng tác hơn 100 tranh, tất cả đều trong giai đoạn lưu đày tại Algeria và Pháp.

Tiếp nối cho dự án, cô Amandine sẽ về Việt Nam để giúp tổ chức triển lãm “Vua Hàm Nghi: Cuộc đời và nghệ thuật”, vào tháng 1 năm 2023, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

4. “Lược Sử Trung Quốc Họa”, Tạ Duy, NXB Mỹ Thuật

Mặc dù cuốn sách này được xuất bản cuối năm 2021, nhưng tôi vẫn xin được đưa vào danh sách bởi quá tâm đắc với sức nặng của nó. Bên cạnh hội họa Tây phương thời thuộc địa, chúng ta không thể phủ nhận sức ảnh hưởng xuyên suốt của hội họa Trung Hoa lên mỹ thuật dân gian và hiện đại của Việt Nam, nhưng các công trình nghiên cứu về nó còn quá ít.

Lần đầu tiên (quá muộn!) trong tủ sách nội địa xuất hiện một dự án thống kê lịch sử Trung Quốc họa toàn diện và công phu đến như vậy. Tác giả, họa sỹ Tạ Duy tốt nghiệp thạc sỹ ngành Trung Quốc họa tại Học viện Mỹ thuật Trung Quốc, dành ra 5 năm để hoàn thành cuốn sách 600 trang, giới thiệu 380 họa gia từ thế kỷ 3 tới thế kỷ 20, cùng các trường phái cơ bản. Có thể nói, dự án vừa đặt ra một dấu mốc tiên phong nhưng đồng thời cũng cho thấy lỗ hổng đáng tiếc trong phân khúc nghiên cứu Đông phương họa tại Việt Nam, và đặt ra câu hỏi hiện sinh lớn: liệu có thể có thứ gọi là “Việt Nam họa”?

5. “Wartime Artists of Vietnam: Drawings and Posters from the Ambassador Dato’ N. Parameswaran Collection”, Sung Yunwen, Bảo tàng Đại học Quốc gia Singapore

“Wartime Artists of Vietnam: Drawings and Posters from the Ambassador Dato’ N. Parameswaran Collection” (tạm dịch: “Họa Sỹ Kháng Chiến Việt Nam: Ký Họa và Áp-phích từ Bộ Sưu Tập của Đại Sứ Dato’ N. Parameswaran”), được ra mắt kèm theo triển lãm lần thứ 4 trong chuỗi triển lãm tranh kháng chiến, mượn từ bộ sưu tập 1,208 tác phẩm của vị cựu Đại sứ Malaysia tại Hà Nội (người vừa qua đời tháng 6 năm ngoái), nhiệm kỳ từ 1990 đến 1993, diễn ra tại bảo tàng trong trường cũ của tôi, Đại học Quốc gia Singapore.

Đây là một trong những triển lãm thành công nhất tại đây với số lượng người tham quan cao kỷ lục, nên ban tổ chức đã liên tục quyết định kéo dài thời gian triển lãm từ 6 tháng lên tận 3 năm, vừa kết thúc cuối năm 2022. Vượt lên khỏi những khái quát về tranh cổ động và kháng chiến thường thấy trong các trưng bày ở Tây phương, tiến sỹ Sung Yunwen đã rất xuất sắc trong công tác khảo luận và giám tuyển khi đào sâu vào được những cách thức tìm tòi phong cách sáng tác rất riêng của mỗi họa sỹ (như Nguyễn Thanh Châu, Phạm Lực, Phạm Thanh Tâm…) trong khuôn khổ chung của hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đây chắc chắn sẽ là một tựa sách không thể thiếu khi nhắc tới hội họa kháng chiến Việt Nam.

6. “Tinh Hoa Mỹ Thuật Việt Truyền Thống – Hình Tượng Tiên Nữ”, Trần Hậu Yên Thế, Trần Trung Hiếu, Lê Thị Liễu, Trần May, NXB Giáo Dục Việt Nam

Hình tượng tiên nữ là một motif tạo cảm hứng cho rất nhiều họa sỹ cả hiện đại và đương đại. Tôi rất mừng khi cuối cùng cũng được cầm trên tay cuốn sách thú vị này. Đây là một đồ án quan trọng và cẩn trọng, soi rọi vào hình tượng quen thuộc trong kiến trúc điêu khắc ở các đình làng xuyên suốt thế kỷ 16-18 để giải mã khái niệm tập thể và ký ức thị giác liên quan đến huyền sử rồng-tiên, và phóng chiếu, so sánh nó với sự xuất hiện của “tiên” trong văn hóa Ấn, Trung và Âu.

Nhóm tác giả đã khảo cứu giao thoa liên ngành giữa mỹ thuật cổ với các lĩnh vực khác như văn học, sân khấu, y phục, thậm chí là lý thuyết giới tính, để xây dựng một nền tảng lý luận vững chắc cho các nghiên cứu liên quan trong tương lai. Với tôi, có lẽ thú vị nhất là mối liên hệ giữa hình tượng tiên cưỡi rồng với tư tưởng nữ quyền Việt – đây sẽ là một lý do lớn, giải thích tại sao những công trình nghiên cứu mỹ thuật cổ như thế này lại vẫn có thể thu hút cộng đồng bạn trẻ với luồng tư tưởng đương đại.

7. “Lưu Công Nhân Và Hội Hoạ”, Đào Mai Trang, NXB Thế Giới

Đây là chuyên khảo đầu tiên về toàn bộ hành trình sự nghiệp người họa sỹ trong bộ tứ kháng chiến Nhân-Hòa-Hậu-Kiệm, tập hợp nhiều ký họa, thư tín, hình ảnh chưa từng công bố từ gia đình.

Với thế mạnh của chuyên môn báo chí khảo cứu, Đào Mai Trang đã làm rất tốt công tác phân loại, xâu chuỗi và trình bày các tuyến dữ liệu để tạo thành mạch nội dung súc tích, thân thiện với người đọc. Đọc sách, chúng ta có thể đoán được vì sao tác giả lại rất tiết chế, cẩn trọng trong việc đưa hình ảnh tác phẩm vào, giữa một bối cảnh đang có rất nhiều tranh giả, nhái Lưu Công Nhân lưu hành ngoài thị trường. Cá nhân tôi cho rằng đây là dự án sách xuất sắc nhất trong sự nghiệp Đào Mai Trang, và nhà báo đã làm tròn vai trò của một sử gia nghệ thuật, cũng như thiết lập một mốc mới về cung cách nghiêm cẩn trong khâu trích xuất, viện dẫn nguồn tham khảo, vốn là một điểm yếu trầm kha của nhiều sách mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là thể loại sách lý lịch họa sỹ, thường được viết để quảng bá tác phẩm vì mục đích thương mại nhiều hơn.

8. “Hồi Ức Của Một Nhà Buôn Tranh”, Ambroise Vollard (Phạm Minh Quân dịch), NXB Thế Giới

8. “Nghệ Thuật Mua Nghệ Thuật”, Alan Bamberger (Khổng Loan dịch), NXB Mỹ Thuật

Tôi muốn xếp đồng hạng 8 cho hai cuốn chuyển ngữ trên. Lịch sử nước ta chịu ảnh hưởng Nho giáo mạnh mẽ với phân cấp “sỹ, nông, công, thương” khiến xã hội nói chung và những người làm nghệ thuật nói riêng (cả giới vẽ và giới viết – vốn thuộc phần “sỹ”) thường e ngại khi phải nói chuyện tiền nong, mua bán, thậm chí là nhìn các phòng tranh, nhà môi giới, đấu giá và sưu tập với con mắt e dè, xét nét, kẻ cả. Nhưng “có thực mới vực được đạo”, và vai trò của những người điều phối, luân chuyển dòng tài chính trong thị trường nghệ thuật là quan trọng tương đương với những người kiến tạo thẩm mỹ hay sản xuất kiến thức.

“Hồi Ức Của Một Nhà Buôn Tranh” là một chia sẻ cuốn hút của nhà truyền mỹ Ambroise Vollard trong giai đoạn tôi thích nhất trong lịch sỹ mỹ thuật – giai đoạn khai mở hiện đại Ấn tượng và Hậu Ấn tượng. Tôi đánh giá cao khâu tuyển lựa và chuyển ngữ sách (Người Sưu Tập). Chỉ riêng việc thẳng thắn chọn cụm từ “nhà buôn tranh” ở tiêu đề đã là một động thái đối diện trực tiếp với những miệt thị và thành kiến về tầng lớp “con buôn”, và đòi lại sự tôn trọng đáng có và cần có cho những người làm công tác môi giới.

Và, tôi ngạc nhiên khi một cuốn sách kinh điển về thị trường như “Nghệ Thuật Mua Nghệ Thuật” bây giờ mới được chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam, nên phải gửi lời cảm ơn tới nhóm Artoholics (Lý Đợi, Hiền Nguyễn và Khổng Loan) đã chấp nhận sẵn sàng chịu lỗ và mang nó về. Tuy cẩm nang của Alan Bamberger đã có phần lạc hậu (từ 30 năm trước) và xuất phát từ một nền thị trường nghệ thuật có cơ cấu tiên tiến (Hoa Kỳ), nhưng phần lớn những lời khuyên của ông vẫn có tính áp dụng nhất định cho người chơi nghệ thuật mới nhập môn tại Việt Nam. Mà, không chỉ cho người chơi nghệ thuật, giới sáng tác cũng nên đọc cuốn này để hiểu cách vận hành và tâm lý bên mua.

10. “Tản Mạn Kiến Trúc Nam Bộ – Một Biên Khảo Về Kiến Trúc Dân Dụng Miền Nam (Từ Cuối Thế Kỷ 19 Đến Cuối Thế Kỷ 20)”, nhóm tác giả Tản Mạn Kiến Trúc, NXB Nhã Nam

Không nhất thiết nằm trong mục nghệ thuật, nhưng đây là một cuốn sách tôi muốn cho vào danh sách bởi tính lan tỏa của nó. Xuất thân từ dự án trực tuyến Tản Mạn Kiến Trúc, nhóm nghiên cứu liên ngành (Trương Trần Trung Hiếu, Vương An Nguyên và các thành viên khác) đã nỗ lực giới thiệu, khám phá các công trình kiến trúc và những câu chuyện xoay quanh, với ngôn ngữ và lối kể chuyện thân thiện, mang tính diễn giải cao.

Có thể nói đây là một trong những dự án kết nối thành công từ cộng đồng trực tuyến (với 46,000 người theo dõi) tới nội dung nghiên cứu, được tiên phong và giữ lửa bởi thế hệ các bạn trẻ làm việc nghiêm túc, cầu tiến, với nội dung dễ thu nạp và thiết kế trình bày sáng sủa, sạch sẽ. Mong chờ các ấn phẩm sau của nhóm tác giả.


 
Back to top