Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Phương Linh: “Tôi gặp được những người thầy ở nhà sàn”

Feb 06, 2023 | By Art Republik

Phương Linh (sinh năm 1985) là nghệ sỹ thị giác hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội. Cô đồng sáng lập và là một trong năm người vận hành Nhà Sàn Collective từ năm 2013.

Tác phẩm video “The Head”. Ảnh: Nguyễn Phương Linh.

Sinh trưởng trong một gia đình và môi trường bao quanh bởi nghệ sỹ, dường như mọi người mặc định rằng chị sẽ chọn con đường thực hành nghệ thuật. Nhưng quyết định ấy đã diễn ra thế nào? Chị có từng tưởng tượng sẽ trở thành nghệ sỹ như mình của ngày hôm nay?

Khoảnh khắc chọn nghệ thuật với tôi không rõ nét, chỉ là làm hết tác phẩm này tới tác phẩm khác đến tận bây giờ, như là đi đều đặn và lâu dài trên một con đường. Khi trẻ, tôi không tưởng tượng nhiều về tương lai. Tôi chỉ kế hoạch những du ký ngắn hạn, đi đâu để chơi, gặp gỡ ai truyền cảm hứng, làm việc gì ra tiền để đi chơi tiếp và có được cuộc sống độc lập với gia đình. Đi chơi rất quan trọng đối với tôi, có lẽ những chuyến đi ấy ít nhiều đã tạo nên tôi hôm nay.

Bộ tác phẩm “Mây hóa thánh”. Ảnh: Nguyễn Phương Linh. Hình ảnh do nghệ sỹ cung cấp.

Những năm 90, Nhà Sàn Đức là một trong những không gian nghệ thuật đầu tiên, rất tích cực trong những trao đổi đa văn hoá và nghệ thuật đương đại với thế giới. Những hoạt động ấy đã ảnh hưởng thế nào đến nhận thức và quan điểm của chị về nghệ thuật và cuộc sống nói chung?

Khi cha tôi mở cửa nhà riêng, biến nó thành không gian thử nghiệm sáng tạo, tôi học được sự thuần khiết, ấm áp đối với bạn bè và nghệ thuật của cha mẹ. Tôi biết ơn cha mẹ đã cho tôi rất nhiều tự do ở tuổi mới lớn. Tôi gặp được những người thầy ở Nhà Sàn, mỗi người xuất hiện ở một giai đoạn nào đó trong quá trình trưởng thành, những nghệ sỹ đi trước ở Nhà Sàn như Trương Tân hay Minh Thành, cùng những người từ bên ngoài tới như Danh Võ hay Simon Starling. Giờ đây, những người bạn cùng nhóm Nhà Sàn Collective vẫn là những người đồng hành với tôi nhiều nhất. Sự thấu hiểu, chấp nhận và gắn kết này nâng đỡ chúng tôi trong sáng tạo và cuộc sống.

“Có những ngày nhàm chán, có những ngày tìm thấy gì đó; có những trò hề, vẫn là sống thế nào trong ngày ngày trôi qua.”

Quan điểm về nghệ thuật của tôi cũng không có gì đặc biệt, nó cũng giống như bao nghề khác. Có những ngày nhàm chán, có những ngày tìm thấy gì đó; có những trò hề, vẫn là sống thế nào trong ngày ngày trôi qua. Cuộc đời là bản gốc, tác phẩm là bản sao, ôi ôi luôn tam sao thất bản (cải biên thơ Trần Dần: “Tác phẩm là bản gốc, đời là bản sao, ôi ôi luôn tam sao thất bản…”).

Tác phẩm video “Cuộc gặp gỡ” (2021), 17’28’’, bày cùng “Sân cầu lông và tấm che y tế” (2021), Trương Quế Chi, kích cỡ đa dạng. Ảnh: Nguyễn Phương Linh. Hình ảnh do nghệ sỹ cung cấp.

Vào những năm 2000, lứa nghệ sỹ thế hệ thứ 2 của Nhà Sàn đã có nhiều thảo luận để tìm hướng đi độc lập, thoát khỏi ảnh hưởng quá lớn từ thế hệ cũ. Trong giai đoạn Thụ – Chấp – Phá, cái gì đã giúp chị tạo nên con đường, phong cách riêng của ngày hôm nay?

Tôi không nhớ đã tham gia cuộc thảo luận nào như vậy. Với tôi, Nhà Sàn là mô hình gia đình với nhiều di sản, hiểu nhầm, mâu thuẫn thế hệ như mọi gia đình, người này không đồng ý với người kia. Tuy vậy, tôi không có nhu cầu khẳng định bản thân qua việc phản biện lại thế hệ cũ hay đặt ra định hướng gì để khác các anh chị. Tôi và các đồng nghiệp trong nhóm Nhà Sàn Collective cứ làm ra cái gì mình thấy cần và đúng thì tức khắc nó đã khác mọi người và khác chính chúng tôi ở thời điểm trước.

Sau 10 năm hoạt động, Nhà Sàn Collective là một thực thể mở rộng. Chúng tôi làm việc cùng phần đông bạn bè khác bên ngoài Nhà Sàn. Thế hệ cũ của Nhà Sàn làm việc theo mô hình dọc, từ art director/ curator định hướng tới nghệ sỹ. Chúng tôi phát triển theo chiều ngang, từ nhiều cá nhân gộp lại.

Nguyễn Phương Linh, “7 lights” (2018), 7 cái đèn, tấm ốp gỗ từ một nhà thờ Công giáo ở miền bắc Việt Nam, khói, tấm nhựa mica trong. Ảnh: Nguyễn Phương Linh.

Phần lớn các nghệ sỹ thực hành thời điểm này đều tự mày mò, tự học hỏi. Chị có thể chia sẻ về tác phẩm đầu tiên chị thực hiện?

Tác phẩm “Dị ứng” – bộ áo lót cắm đinh được làm năm 2004. Khi đó tôi 19 tuổi. Tôi không chắc cảm xúc và suy nghĩ riêng của khán giả về tôi thế nào, có thể cũng giống như tôi tự biết mình khi ấy là trẻ tuổi, có xu hướng bạo động, phơi bày cơ thể trần trụi. Sau đó, tôi vẫn làm nhiều tác phẩm về cơ thể nữ. Có lẽ sự tò mò về giới tính thôi thúc tôi chăng?

“Mối quan tâm của tôi vẫn là cơ thể, sự chịu đựng trong không gian, thời gian, trọng lượng và chân không, kí ức và quên lãng, sự phù du.”

Nhìn lại xuyên suốt các tác phẩm của mình, chị hài lòng nhất với tác phẩm nào? Tại sao?

Hài lòng có thể không phải là từ đúng, có thể khi tôi già hơn thì mới trả lời được câu hỏi này. Có thể nói làm nghệ thuật giúp tôi nhìn rõ hơn về bản thân. Trước đây, tôi nghĩ mình thay đổi qua những giai đoạn sáng tác khác nhau, khi trẻ thì quan tâm về giới tính, khi trưởng thành thì tìm hiểu lịch sử, địa lý. Bây giờ, tôi nhận ra các tác phẩm trong các dự án nghiên cứu thực địa của mình cũng không khác cái cốt lõi khi tôi làm ra cái áo lót. Tôi chỉ già hơn và có kinh nghiệm hơn thôi. Mối quan tâm của tôi vẫn là cơ thể, sự chịu đựng trong không gian, thời gian, trọng lượng và chân không, kí ức và quên lãng, sự phù du. Tạo hình của tôi vẫn là các hình học cơ bản: vuông tròn tam giác. Tôi vẫn luôn yêu thích sự dịu dàng và cái hài hước.

Tác phẩm “Dị ứng”. Ảnh: Nguyễn Phương Linh.

Năm 2022, Nhà Sàn Collective sẽ trở thành nhóm nghệ sỹ Việt Nam đầu tiên tham gia Documenta. Chị có niềm tin hay kỳ vọng nào cho nghệ thuật đương đại Việt Nam?

Tôi cũng không có niềm tin hay kỳ vọng nào hết. Nghệ sỹ Việt Nam tham gia các sự kiện lớn ở phương Tây ngày càng nhiều là điều tất nhiên của quá trình phát triển, toàn cầu hoá. Những sự kiện lớn ở phương Tây hay những không gian đầy đủ vật chất, chuyên nghiệp, các nhà sưu tập chuyên tâm mới mọc lên ở Việt Nam đem đến cơ hội và thị trường cho nghệ sỹ, nhưng không khiến họ vĩ đại. Nền tảng giáo dục vững chãi, những người thầy truyền cảm hứng, và chính cuộc đời này mới là những điều kiện cho nghệ sỹ có sẵn tố chất trở thành vĩ đại.

Nghệ sỹ Nguyễn Phương Linh. Hình ảnh do nghệ sỹ cung cấp.

Cảm ơn Phương Linh và hẹn gặp chị ở Kassel!

Thực hiện phỏng vấn: Đỗ Tường Linh


 
Back to top