Nghệ thuật

“Họa sỹ Kháng chiến Việt Nam” – Ghi chú Giám tuyển

Sep 29, 2022 | By Art Republik

Được giám tuyển bởi Yunwen Sung, triển lãm “Họa sỹ Kháng chiến Việt Nam” diễn ra từ tháng 10.2019 đến tháng 11. 2022 tại Bảo tàng NUS (Singapore), trưng bày một phần trong số 1,208 tác phẩm kháng chiến trong bộ sưu tập của Dato’ N. Parameswaran, cựu Đại sứ Malaysia tại Việt Nam từ 1990 đến 1993.

Dương Ngọc Cảnh, “Trên đường hành quân” (1963), in kim loại trên giấy, bản 4/10

Chẳng lấy gì làm lạ khi trải nghiệm chiến tranh vẫn là một hằng số trong nghệ thuật thế kỷ 20 của Việt Nam, một dân tộc có quá khứ đầy bão giông. Trong bài thơ nổi tiếng “Một người lính nói về thế hệ mình” (1973), nhà thơ Thanh Thảo không chỉ thể hiện tâm cảnh nhức nhối thời chiến và những vết sẹo hằn sâu trong trí óc con người, mà còn bộc bạch cảnh khốn đốn của cả một thế hệ chìm ngập trong chiến tranh và lời hứa hẹn xa xăm họ thường nghe:

Thế hệ chúng tôi,

hiệu còi ấy là một lời tuyên bố.

Một thế hệ mỗi ngày đều đụng trận,

mà trách nhiệm nặng hơn nòng cối 82

vẫn thường vác trên vai.

Một thế hệ thức nhiều hơn ngủ,

xoay trần đào công sự,

xoay trần trong ý nghĩ,

đi con đường người trước đã đi,

bằng rất nhiều lối mới.

Bài thơ không nhằm dấy động tinh thần yêu nước mà thực chất lột tả tâm thế lưỡng lự của các chiến sỹ trẻ, trái ngược với đường lối “hiện thực xã hội chủ nghĩa” mà chính quyền Hà Nội không ngừng thúc đẩy như một hệ thẩm mỹ văn hoá cốt yếu. Đời sống xúc cảm của chiến tranh hiện diện rõ nét trong tranh vẽ của các nghệ-chiến sỹ phục vụ trong quân đội Bắc Việt. Trên phương diện ấy, bài thơ của Thanh Thảo – một khắc hoạ thân mật về câu chuyện người lính – là một xuất phát điểm lý tưởng để chiêm nghiệm về triển lãm “Họa sỹ Kháng chiến Việt Nam”.

Huỳnh Văn Thuận, “Đường mòn Hồ Chí Minh” (1971), chì đen trên giấy

Giữa bão tố chiến tranh, ngay cả những đầu óc sắc bén nhất cũng có thể nao núng và khuất phục. Những người nghệ-chiến sỹ Bắc Việt vừa say sưa làm nghệ thuật của riêng họ, vừa chiến đấu ở tiền tuyến. Họ được trang bị không chỉ súng đạn mà cả bảng màu, bút và cọ. Các tác phẩm được sinh ra giữa thời loạn lạc, chứa đựng tiếng nói của chính họ và bộc lộ cả những phản ứng với cảnh chiến trường xung quanh. Với hoàn cảnh xuất thân khác nhau, nhiều nghệ sỹ đã tham gia chiến đấu trong cả hai cuộc kháng chiến thế kỷ 20. Được chính quyền Hà Nội phân công ra tiền tuyến với tư cách nghệ-chiến sỹ, họ có nhiệm vụ báo cáo diễn biến chung của cuộc tranh đấu và khích lệ tinh thần cách mạng. Tuy vậy, họ thường xuyên phải giằng co giữa việc tuân theo mệnh lệnh và đi theo thôi thúc sáng tạo được diễn đạt qua đường nét, màu sắc và hình khối. Thế hệ nghệ-chiến sỹ đã tạo ra những mảnh tài liệu thị giác giàu thông tin, đại diện cho trải nghiệm sống phức tạp thời chiến. Các tác phẩm ấy cũng hé lộ phản ứng của lứa nghệ sỹ kháng chiến với xung đột loạn lạc và mối quan hệ phức tạp giữa nghệ thuật và tuyên truyền.

Trích từ bộ sưu tập nghệ thuật Bắc Việt thời chiến của Đại sứ Dato’ N. Parameswaran, triển lãm soi chiếu sự giao thoa giữa nghệ thuật và chính trị trong lịch sử Việt Nam hiện đại, nhìn vào cách những nghệ sỹ phục vụ trong quân đội cộng sản đã cân đối hai danh tính chiến sỹ và nghệ sỹ ra sao. Kathleen Palmer, Giám đốc Nghệ thuật Bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia Anh, cho rằng vai trò của người nghệ sỹ thời chiến thường bị hiểu sai: “nhiều người tưởng rằng họ chỉ biết ký họa để báo cáo. Nghệ thuật chiến tranh không chỉ dừng lại ở cảnh giao tranh hay đời sống tiền tuyến – nó phản hồi sáng tạo của nghệ sỹ với mọi khía cạnh của chiến tranh, qua lăng kính của cả dân thường và các nam nữ chiến sỹ[1]. Phản ánh góc nhìn toàn diện của Palmer về nghệ thuật thời chiến, triển lãm này đề xuất một cách tiếp cận mới tới bộ sưu tập của Dato’ N. Parameswaran thông qua việc xem xét nghệ-chiến sỹ như những chủ thể độc lập và tập trung vào quỹ đạo biểu đạt nghệ thuật của họ, để qua đó đặt câu hỏi về tầm quan trọng của quyền tự chủ cá nhân trong sáng tác nghệ thuật.

Bùi Xuân Phái, “Vẽ Văn Cao, chiều thứ Bảy, uống rượu mừng toàn thắng” (1975), bút dạ đen và màu nước trên giấy

“Nghệ sỹ Kháng chiến Việt Nam” trưng bày khoảng 200 tác phẩm, nêu bật các bộ tác phẩm tương đối toàn diện của Huỳnh Văn Thuận, Huỳnh Phương Đông, Văn Đa, Lê Huy Toàn, Phạm Thanh Tâm, Nguyễn Thanh Châu, Phạm Lực và Lê Trí Dũng. Điều cần lưu ý là một số nghệ sỹ trong quân đội Bắc Việt lại sinh ra ở miền Nam và được đào tạo nghệ thuật giai đoạn đầu tại Sài Gòn. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ và chính phủ miền Nam của Bắc Việt, nhiều nghệ sỹ du kích đã được gửi vào miền Nam để tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, do đó các tác phẩm của họ thường miêu tả cảnh vật và đời sống quanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Để trưng bày được sự đa dạng trong cách tiếp cận và mối quan tâm của các nghệ sỹ, triển lãm cũng giới thiệu các tác phẩm của những người e dè với quan điểm nghệ thuật vị quốc gia, ví dụ như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên hay Nguyễn Tư Nghiêm. Xét về tổng thể, triển lãm trưng bày được một sự đa dạng nhất định về hình thái mỹ học và cảm quan nghệ thuật, trong đó mỗi nghệ sỹ đều tìm được cách thích ứng riêng cho mình.

Đa số các tác phẩm trong bộ sưu tập của Dato’ N. Parameswaran được sinh ra trong thời kỳ cách mạng sau giai đoạn thể theo các chính sách Mác-Lênin từ 1954 đến 1986. Như những nghệ sỹ bất tuân các tiêu chí làm nghệ thuật của chế độ cộng sản, nhiều nghệ-chiến sỹ được bảo trợ bởi chính quyền Hà Nội đã rơi vào thế lưỡng nan, giữa sự trung thành “nghệ thuật vị nghệ thuật” và yêu cầu làm nghệ thuật cho đất nước. Người nghệ-chiến sỹ của nhà nước vừa phải hoàn thành nghĩa vụ chính trị, vừa phải trung thành với niềm tin nghệ thuật của họ. Muốn hiểu cách họ thực hiện cả hai nhiệm vụ, ta cần phải phân tích cả thực hành nghệ thuật lẫn tiểu sử của họ để đánh giá một cách công bằng, trọn vẹn nhất. Qua đó, ta sẽ thấy được rằng những nghệ-chiến sỹ hoàn toàn không mù quáng đi theo đường lối hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đa số đã bị cuộc chiến du kích dài đằng đẵng bào rút thể chất, bóp nghẹt tinh thần, nhưng họ vẫn tìm cách biến những dấu ấn muôn màu và lì lợm của chiến tranh thành những hình ảnh đầy tính tự sự. Ví dụ, những bức vẽ về cuộc hành trình đầy gian lao trên Đường mòn Hồ Chí Minh dường như đang tìm kiếm một điều gì vượt lên khỏi những đau thương tàn bạo; đơn cử như khoảnh khắc người lính thảnh thơi ngả lưng trên chiếc võng, nghỉ chân bên vệ đường hay chơi nhạc cụ tại các căn cứ quân sự. Những hình ảnh này níu giữ những cảm xúc không lời gắn liền với đời sống người chiến sỹ lúc bấy giờ – cho dù đó là nỗi sợ, niềm hy vọng, hay khát khao hòa bình.

Lê Trí Dũng, “Tự vệ Hà Nội tại Thủy Tạ-Hồ Gươm trong chiến tranh chống Mỹ” (1969), màu nước trên giấy

Những sắc thái đa dạng của chiến tranh hiện lên qua nét vẽ của người hoạ sỹ kháng chiến không hề bị bó hẹp trong những đợt tấn công tàn khốc của cỗ máy chiến tranh, những thi triển cứng nhắc của quân đội, hay khuynh hướng tôn vinh chủ nghĩa anh hùng bất khuất. Thay vào đó, cũng như mọi tác phẩm nghệ thuật vĩ đại khác, các tác phẩm của họ không ngần ngại tận dụng hoàn cảnh trước mắt để lột tả sâu sắc phận người quật cường trong thời chiến: sinh tồn và tuyệt vọng; bền bỉ và yếu mềm; tình yêu và chia ly; hân hoan và thống khổ. Những người nghệ-chiến sỹ bộc bạch trải nghiệm của cá nhân lẫn tập thể qua những sáng tác – sử dụng nghệ thuật như một phương tiện kể chuyện – và trao sự sống cho các “mảnh tình riêng” vốn bị những tuyến nội dung lớn che khuất. Các tác phẩm trong triển lãm minh chứng cho sự đa chiều của trải nghiệm thời chiến, là lời nhắc nhở vĩnh cửu cho bản chất vô thường vốn dĩ của cuộc sống. Quan trọng hơn, chúng hé lộ những khác biệt tinh tế trong biểu hiện sáng tác, đại diện cho hơi thở tự chủ nghệ thuật – một ánh nhìn trung lập, ra sức giằng co giữa bao luồng xoáy tư tưởng và đường lối thẩm mỹ dẫn dắt bởi nhà nước – để từ đó cho phép chúng ta tỏ tường hơn về mối quan hệ biện chứng giữa nghệ thuật và chính trị trong giai đoạn xung đột tại Việt Nam.

Trước những mất mát đau đớn về nhân mạng cũng như hy sinh khủng khiếp mà tất cả các bên phải gánh chịu, ranh giới giữa thắng và bại trong các cuộc chiến tranh tại Việt Nam trở nên vô chừng. Ngày nay, những vết sẹo thương tổn của những cộng đồng và cá nhân bị ảnh hưởng bởi quá khứ khốc liệt vẫn còn âm ỉ. Vượt lên trên phạm vi của cuộc triển lãm, chúng tôi hy vọng bộ sưu tập của Dato’ N. Parameswaran sẽ là tấm bản đồ hữu ích để dẫn lối cho việc khám phá các khía cạnh đa dạng về thẩm mỹ, thực hành, và tính trung thực của lịch sử trong bối cảnh nghệ thuật Việt Nam hiện đại và đương đại. Hơn nữa, bộ sưu tập cũng có thể làm đòn bẩy cho sự đối thoại đa ngành về những mối nối giữa lịch sử và ký ức, được minh chứng qua những dấu ấn bền bỉ trong tác phẩm của các nghệ sỹ Việt Nam thời chiến.

Nguyễn Thanh Châu, “Du kích trong mưa” (1971), màu nước trên giấy.

Chú thích

[1] Kathleen Palmer, trả lời phỏng vấn của Arifa Akbar, trong “Phụ nữ thời chiến: Women at War: Những nữ nghệ sỹ Anh bị gạch tên khỏi lịch sử”, The Independent, ngày 8 tháng 4 năm 2011.

Yunwen Sung


 
Back to top