Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Hội họa lấy cảm hứng từ đại dương: Tiếng gọi trở về thiên nhiên

Apr 10, 2021 | By Trang Ps

Khi nói về tranh phong cảnh, biển có lẽ là đề tài kinh điển được nhiều họa sĩ yêu chuộng hơn cả. Nét phóng khoáng, bất tận và lãng mạn của đại dương thật ăn ý với cá tính đặc trưng của người nghệ sĩ.

The Great Wave của Katsushika Hokusai

Trên thế giới, nhiều danh họa cũng được biết đến như thần tượng và người tình của biển khơi. Ở thế kỷ 19, bức The Great Wave của họa sĩ Katsushika Hokusai đã trở thành hiện tượng vươn ra khỏi xứ sở hoa anh đào để lọt vào tầm ngắm của cộng đồng nghệ thuật quốc tế. Suốt cuộc đời mình, Katsushika Hokusai đã tạo ra kho tàng khổng lồ với khoảng 30.000 tác phẩm, nhưng riêng The Great Wave có lẽ là bức tranh nổi tiếng nhất của ông, nổi bật với ngọn sóng khổng lồ cuồn cuộn lên cao khiến ngọn núi Fuji và những con thuyền hóa nhỏ bé. Dấu ấn nghệ thuật này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ và người xem suốt gần 200 năm qua.

Snow Storm – Steam-Boat off a Harbour’s Mouth.

Cũng giai đoạn này, ở phương Tây, J.M.W Turner đã vẽ bức tranh Snow Storm thể hiện cảnh con thuyền chống chọi giữa bão tố kinh hoàng từ đó nắm bắt nét đẹp hùng vĩ và quyền lực của biển cả.

Impression – Sunrise.

Ngược lại với Turner, Claude Monet diễn tả tinh thần biển khơi dưới ánh nhìn lãng mạn và nên thơ. Từ Beach in Pourville, Impression – Sunrise đến The Cliffs at Etretat,… tất cả gợi nên tâm hồn thi họa của tác giả. Song, bên cạnh đó, một số bức như Storm off the coast of Belle-Ille của ông cũng diễn tả nét đẹp dữ dội của đại dương trong cơn bão. Một nét đẹp dữ dội nhưng thơ mộng.

Raymond Pettibon đã tiếp cận phong cảnh biền bằng góc nhìn đương đại và sống động, điển hình như bức No title (From life to…) vẽ vào năm 2011.

Vào thế kỷ 21, Raymond Pettibon đã tiếp cận phong cảnh biền bằng góc nhìn đương đại và sống động, điển hình như bức No title (From life to…) được vẽ vào năm 2011, thể hiện hai người chơi lướt ván giữa sóng biển hùng vĩ dâng lên cuồn cuộn. Sắc xanh và trắng vui tươi cùng đường chân trời mơ hồ ẩn hiện phía xa xa khiến không gian vượt thoát ra khỏi tấm toan đơn thuần.

Michael Taylor vẽ cảnh biền trầm mặc.

Trong khi đó, bức tranh biển của Michael Taylor thường tối giản và gợi lên giai điệu trầm lắng, u sầu, thật phù hợp với trạng huống mong manh của người nghệ sĩ trong giai đoạn đầy khó khăn này. Thế nhưng, càng nhìn kỹ ta càng thấy phong cảnh của Taylor dù trầm mặc nhưng gợi lên cái xa xăm uyên nguyên khiến lòng người dễ rơi vào tĩnh lặng để đi sâu hơn vào chính bản thân mình.

Tiếng gọi thiên nhiên

Lấy cảm hứng từ những bảng màu rực rỡ của Henri Matisse và David Hockney, nghệ sĩ Lei Qui say mê sáng tác những khung cảnh nhiệt đới tươi tốt, tạo sự tương phản giữa thế giới tự nhiên và nhân tạo.

Có một sự thật rằng khi chúng ta có nhiều bất ổn thì việc kết nối sâu với thiên nhiên sẽ giúp chữa lành những đứt gãy bên trong. Khi nỗi buồn và niềm đau trở nên âm ỉ, mà ta ngồi hay đi dạo ở biển, thì những xúc cảm tiêu cực ấy sẽ tự dưng bé lại giữa đại dương bất tận. Tính bất tận cùng nguồn năng lượng mạnh mẽ ấy của biển đã truyền sang ta, khiến tinh thần lẫn thể xác ta được chữa lành và thêm căng tràn nhựa sống.

Nghệ sĩ là những người đa sầu đa cảm, trạng huống ấy dễ khiến họ bị tổn thương hơn những con người thiên về lý tính.  Thì khi đó, để thoát khỏi những cảm giác u uất và bức bối, họ thường trở về thiên nhiên để nạp năng lượng. Lúc này, trực họa trở thành trải nghiệm sáng tác đầy thú vị và giàu cảm xúc, mang đến nguồn sống dồi dào và mới mẻ khi người nghệ sĩ trở lại studio sáng tác.

Tranh biển vẽ trực họa của Lương Lưu Biên.

Chẳng hạn, với họa sĩ Lương Lưu Biên, anh coi tự nhiên là người thầy của nghệ thuật. Khi vẽ phong cảnh biển, anh muốn thế giới hiện thực đi qua mình và chỉ còn là những biểu hiện tinh thần cơ bản và chắt lọc nhất, tức hiện thực được soi rọi từ tâm trí của mình, để trả lời cho câu hỏi nội tâm và tìm kiếm cho nó sự cân bằng. Như bức tranh biển này, người xem cảm nhận được phần nào đó sự yên bình và trong trẻo. Mặc dù ở tác phẩm này thiên về tả thực nhiều hơn nhưng ta vẫn thấy đọng lại xúc cảm của tác giả, ấy là sự thả lỏng và hài hòa.

Sóng ở chân đảo”, Lê Kinh Tài.

Trong tranh phong cảnh biển của họa sĩ Lê Kinh Tài, ta thấy nét sống động và đầy nhiệt huyết của một chàng trai trẻ ẩn nấp trong bóng dáng của một người đàn ông đã ngoài 50. Trong bức “Sóng ở chân đảo”, họa sĩ men theo dòng cảm xúc hạnh phúc hân hoan của mình để mô tả vẻ đẹp vui tươi tràn đầy sức sống của Đảo Nhất Tự Sơn, Sông Cầu, Phú Yên. Tác phẩm như một cuộc dạo chơi của màu sắc, và với phong cách dùng lớp sơn dày, họa sĩ Lê Kinh Tài đã lột tả được nguồn năng lượng dạt dào và bất tận ấy của đại dương.

Biển của Lê Hào.

Trong khi đó, Lê Hào vẽ biển từ ký ức của mình nhiều hơn, và lúc này cảm xúc tích tụ lại thành một mối khiến nguồn năng lượng được tập trung hơn cả. Đây là một trong những tác phẩm biển của họa sĩ mà tôi thấy được vẻ đẹp vừa bao la theo chiều rộng vừa thăm thẳm theo chiều sâu,  vừa tĩnh vừa động, vừa dữ dội vừa bình yên. Những con thuyền chạy vút như nhấn mạnh cuộc sống mưu sinh gấp gáp, và nếu lật ngược bức tranh này, tôi nghĩ bạn sẽ nhìn ra những con sóng nhấp nhô màu xanh thẫm đầy ám ảnh, và những con thuyền bình yên phía xa xa.

Bão của Nguyễn Quang Vinh.

Đại dương trong tâm tưởng họa sĩ Nguyễn Quang Vinh gần gũi và mang màu sắc biểu hiện mạnh mẽ. Bức tranh Bão này của anh thể hiện cho cảm xúc của người nghệ sĩ trước giai đoạn mà ai ai cũng đang cố gắng vượt qua này. Bão dẫu có dữ dội đến đâu, mây mưa có hung dữ như thế nào thì ngày mai trời vẫn sẽ nắng, biển vẫn sẽ lung linh. Ý niệm của người họa sĩ là hướng ta nhìn thấy một tương lai hứa hẹn và lạc quan đằng sau những gam màu xám xịt.


 
Back to top