DINING LIBRARY

3 loại dao nên có trong căn bếp, theo nhà báo ẩm thực Tim Hayward

Apr 17, 2024 | By Stephanie Nguyen

Đối với mỗi bà nội trợ gia đình hay những người trót lỡ “yêu” với việc bếp núc, dao làm bếp được coi là một trợ thủ đắc lực không thể thiếu để tạo nên những món ăn mỹ vị “đẹp về thị giác và ngon về vị giác”. Hiện nay, với mỗi nhu cầu hay mục đích xử lý các loại thực phẩm khác nhau, người ta phân dao làm bếp thành nhiều loại như dao gọt hoa quả, dao phi lê dùng, dao thái thịt, dao phay,… 

Trong đó, Tim Hayward sẽ mách nước cho bạn bộ ba dao không thể thiếu trong căn bếp hiện nay:

1/ Slicer – Dao thái thịt hay dao đầu bếp

Trong tất cả các loại dao làm bếp, dao đầu bếp thái thịt là cái tên được nhắc đến đầu tiên vì ngay ở cái tên đã cho thấy được công dụng hữu hiệu của nó. Dao đầu bếp khác biệt với các loại dao khác bởi chiều dài lưỡi dao từ 15 đến 31 cm tùy loại. Với lưỡi dao có độ cong vừa phải và đầu bầu, slicer được thiết kế để bạn có thể ấn nó xuống bằng tay còn lại. Lưỡi dao cũng vừa đủ mạnh để cắt xuyên qua các phần sụn của khớp mà không làm mất lưỡi và có thể tách thịt khỏi xương và da. Bên cạnh đó, slicer còn được sử dụng để cắt rau củ, gọt vỏ, chế biến thịt,… Với các đầu bếp chuyên nghiệp, họ thường lựa chọn độ dài của lưỡi dao dựa trên mục đích sử dụng, lưỡi càng dài càng khó sử dụng đối với những người mới, với nhu cầu sử dụng tại bếp gia đình thì chỉ cần lưỡi dao dài tầm 20,3 cm.

Slicer – dao đầu bếp được sử dụng thường xuyên trong công việc hàng ngày của các đầu bếp

2/ Boner – Dao phi lê

Boner hay Boning knife còn được gọi là dao phi lê, với độ dài thường rơi vào khoảng từ 12 – 17 cm, có hình dạng khá đặc biệt với lưỡi dao cong lên, thanh mảnh, sắc bén. Với các đầu bếp nhiều kinh nghiệm, họ có thể làm cá lọc thịt với nhiều loại dao khác nhau, còn với các đầu bếp tại gia hay mới vào nghề thì cần có con dao phi lê chuyên dụng, bởi nó là vật dụng được làm để ai ai cũng dễ dàng sử dụng. Dao phi lê vô cùng cần thiết khi các bà nội trợ trổ tài làm các món ăn khó và cần tách xương, lọc phần mỡ, gân, bạc nhạc ra khỏi phần thịt. Dao phi lê có nhiều hình dáng khác nhau nhưng đa số thường có lưỡi dao cực kỳ sắc bén và mũi dao nhọn để có thể đâm mũi dao vào phần thịt rồi lọc xương dễ dàng. Nếu công việc lọc xương, tách thịt được thực hiện bởi một con dao khác thì sẽ rất khó làm và có thể gặp phải tình huống “xương chưa tách được mà thịt đã nát”. Dao phi lê không chỉ để lọc xương róc thịt, nó cũng cực kỳ hữu ích nếu bạn muốn thái lát miếng phi lê cá để làm sashimi hay thái lát mỏng giăm bông, đùi heo muối. Với những ưu điểm này, dao phi lê được thêm một điểm cộng và là vật dụng chị em nên sắm ngày để phục vụ cho công việc bếp núc của mình.

Boner hay còn gọi là dao phi lê

3/ Cleaver – Dao phay

Loại dao phổ biến thứ cuối cùng là Boner – dao phay hay dao chặt với kích thước to, lưỡi dao bản to và dày hơn những loại dao làm bếp khác. Dao phay được thiết kế giống như một chiếc rìu, với phần đầu nặng và lưỡi cắt dày, cứng có khả năng chống uốn cong. Chuôi dao to và chắc tay để có thể cầm một cách chắc chắn, thực hiện những pha chặt chuẩn xác. Loại này có lưỡi dao cứng nên có thể dễ dàng xuyên qua phần sụn, chạy dọc theo xương để tách thịt và thậm chí có thể đâm vào khớp để tách thịt ra. Đây là con dao xuất hiện phổ biến trong các quầy thịt và căn bếp nhà hàng. 

Cleaver – dao phay chuyên được dùng để thực hiện các công đoạn đòi hỏi nhiều sức lực như chặt xương

Đối với người đầu bếp mà nói, dao chính là “người đồng nghiệp” gắn bó mỗi ngày trên hành trình chinh phục các món ăn. Và mỗi loại dao thì không chỉ khác nhau về hình dạng, kích thước mà còn mà mục đích sử dụng, loại thực phẩm. Vì thế chọn một con dao phù hợp sẽ khiến quá trình chế biến ẩm thực của bạn trơn tru và trọn vẹn hơn.

Bài: Tô Thư | Nguồn: Tổng hợp


 
Back to top