Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Ảo ảnh: Một trạm thực nghiệm nghệ thuật đầy tham vọng của Lê Brothers

Jul 15, 2021 | By Trang Ps

Hồi ức làm sụp đổ thời gian[1] – Walter Benjamin

Ảo ảnh là tên dự án nghệ thuật mới nhất của Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải, nghệ danh Lê Brothers. Đây không phải là một dự án đơn độc, mà là một trong những trạm thực nghiệm nghệ thuật do Lê Brothers thực hiện trong nhiều năm qua về các chủ đề lớn: Bạo lực, Lịch sử, Sự kết nối và đặt chúng trong trường suy nghĩ tạo bởi những va đập liên tục của cuộc sống thực tại.

Từ các dự án sớm như ‘Chạm tới biển’ (2011) suy nghĩ về ước vọng và ranh giới, chia tách và thống nhất song hành với lịch sử hành vi và sinh tồn của con người; tới ‘Cây cầu’ (2010 – 2015) trình diễn sự kết nối trong các bối cảnh bạo lực và tìm kiếm hàn gắn sự đứt gãy của khung cảnh tới đối tượng vật chất và phi vật chất, từ đó đặt cuộc đối thoại trong nhiều không gian thực địa với các bối cảnh khác nhau từng có lịch sử chia cắt (vĩ tuyến 17, Hàn Quốc, Đức); ‘Trước 86’ khảo sát cận cảnh hơn về bạo lực và chiến tranh trong các hình hài con người cụ thể biểu đạt bởi các chân dung phi-bạo-lực; ‘dự án ĐỎ’ (2013) truy vấn về nguồn cơn của bạo lực và tiếp cận các nhân vật đầu não của lịch sử, ‘Trò chơi’ (2013-15) diễn giải chiến tranh, mối quan hệ ta-địch, trong cuộc hành hương trình diễn tại các thực địa kí ức, Ảo ảnh là chuỗi suy tư gần nhất này, thoạt đầu có tên gọi ‘nỗi buồn chiến tranh’ nhưng nhanh chóng phát triển với hàm ý rộng hơn, hay tiếp cận ở chiều sâu, về nhìn nhận bạo lực xuyên các tầng lớp lịch sử và ‘bóc tách’ – đặt chúng trong các khung cảnh đối thoại với vật chất và ý thức đương đại, và có khả năng chuyến biến sang nhiều ngôn ngữ nghệ thuật thị giác và đa phương tiện.

Chặng dừng đầu tiên của một dự án dài hạn

Triển lãm này trưng bày các tác phẩm hội họa và 06 chum gốm lớn, đánh dấu chặng dừng đầu tiên của một dự án dài hạn được khởi đầu từ cuối 2017 đến nay. Những bức tranh được xử lý bằng các thủ pháp sơn mài, nhưng không quá phụ thuộc vào kĩ thuật truyền thống mà kết hợp nhiều cách thức và vật liệu tự nhiên và công nghiệp để tạo nên hiệu quả thị giác cuối cùng.

Dùng vải vẽ (toile) như một bề mặt phẳng và đặt các lớp hình thể được vẽ chồng lên một cách có chủ đích: lớp đầu là các hình thể vẽ lại theo khảo sát và kí ức từ các kiến trúc cổ ở Huế, hoa văn chạm khắc trên Cửu đỉnh[2], những con thú và vật linh, vũ khí và đồ vật mang tính bạo lực, vật dụng nhà cửa đồ đạc hiện đại; tất cả được phủ lên bởi lớp thứ hai là chuỗi hoa văn liên miên của mây lửa, sóng nước, vẩy cá, chấn song hoặc những đường kỷ hà ảnh hưởng từ các trang trí chạm khắc trên kiến trúc, đồ vật cung đình được biến hóa theo sự tương tác với hình thể ở lớp thứ nhất.

Những thể nghiệm mới mẻ

06 chum gốm là cách thể nghiệm khác của hội họa bề mặt phẳng lên vật thể 3 chiều trong chuỗi sáng tác Ảo Ảnh. Chum là một vật dụng phổ thông trong đời sống người dân miền Trung, dùng để chứa đựng mọi thứ trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày: nước, gạo, tương, cà, mắm muối – những đồ dùng cơ bản nhất và thiết yếu nhất đặc biệt trong thời chiến.

Loạt chum này được Lê Brothers bắt đầu từ cuối 2018, là bước tiếp cận thứ hai của dự án chuyển thể hình ảnh lên các đồ vật, đặc biệt là những thứ gắn với đời sống ở trong các thẩm thấu lịch sử và văn hóa. Phương án này khám phá sự tương tác giữa ứng xử nghệ thuật trên đồ vật-hiện vật có tính lịch sử và bản sắc địa phương mà vẫn giữ sự nhất quán của ý tưởng. Ảo Ảnh sẽ phủ lớp màn của nó lên nhiều đồ vật mang tính cô đọng khác trong các giai đoạn tiếp theo của dự án: giường, sập, tủ, mâm, phản, ghế… tạo ra tập hợp các đối thoại hình thể và cảm xúc xuyên qua quá khứ tới hiện tại nhằm mang đến ý vị thẩm mỹ khác biệt lồng trong hình hài cổ kính. Những chum gốm trong triển lãm này, vì vậy, mang ý nghĩa đặc biệt khi đó là những vật phẩm nghệ thuật chuyển hóa đầu tiên của một hành trình nhiều năm.

Quá trình vẽ tranh là một sự thú vị của thực hành nghệ thuật rất đặc biệt chỉ có với Lê Brothers – hoặc chỉ xảy ra ở những nhóm/ cặp/ đối tác có năng lực làm việc trên cơ sở kết nối ở phương diện tính cách, hành vi và tâm trí. Khi bề mặt tranh đã sẵn sàng, một người sẽ vẽ những hình thể lên đó và người kia thì tìm cách tương tác với chúng bằng các chuỗi hình vẽ đè-chồng lên trên. Các hành vi này không bị đứt đoạn bởi yêu cầu kĩ thuật hay thời gian, mà diễn ra liên tục bởi cách vẽ ở từng khu vực nhỏ trên bề mặt tranh, rồi chuyển qua chỗ khác để tiếp diễn, liên miên như thế cho đến khi toàn bộ bề mặt toan được phủ kín.

Người vẽ hình thể liên tục tạo ra hình vẽ cảnh sắc cổ xưa, đền đài và vật linh, vũ khí cổ tới hiện đại, vật dụng cơ khí như một thuyết trình tuôn chảy theo dòng kí ức hồi cố hoặc tư duy hiện sinh, trong khi người kia tương tác (bằng cách phủ lên) các hình thể đó theo nhiều cách thức: đối thoại hoặc tiếp biến, hoặc phủ nhận, hoặc chối bỏ, hoặc xung đột, hoặc hòa hợp. Các thảo luận và tranh cãi diễn ra giữa hai người ngay khi cùng vẽ, ở năng lượng bộc lộ trên bề mặt tranh, ở những hình thể và cấu trúc-nhịp điệu chuyển động trong từng góc cạnh liên tục từ bức này sang bức khác và kéo dài mãi. Bức tranh do vậy không có kết thúc và không cần kết thúc bởi tính diễn tiến liên tục của dòng tư duy và chuỗi đối thoại. Chúng có thể được bày đặt liên tiếp với nhau, hoặc đứng độc lập mà vẫn biểu hiện được tinh thần của dòng thông tin và đối thoại như vậy.

Quá trình chuyển đổi nhận thức và cảm xúc

Là loạt sáng tác kéo dài hơn 3 năm tới nay, các bức tranh trong triển lãm này cho thấy một quá trình chuyển đổi của nhận thức và cảm xúc tác động ngược lại tới chủ đề. Thoạt tiên là loạt tác phẩm đen trắng làm chủ đạo, sự đối lập của hai sắc độ màu tạo ra sự căng thẳng và kịch tính của bức họa, và dấu ấn bạo lực rõ nét, được vẽ giai đoạn 2017-18. Những loạt tranh sau đó được sử dụng nhiều màu sắc hơn, tạo ra những hòa sắc mềm, êm, tính căng thẳng giảm bớt rõ rệt, nhiều cảm xúc và trạng thái mơ hồ, hư thực, phù hoa và điêu tàn. Chuyển biến này phản ánh thú vị về thay đổi trong tâm sinh lí sáng tác của nghệ sĩ, khi sự căng thẳng, ức chế cực đoan ban đầu được thay thế-mềm hóa bằng sự tự lí giải, thấu hiểu, chấp nhận rồi trở nên tĩnh lặng, thâm trầm.

Sang 2019, Ảo Ảnh có bước phát triển mới, khi bề mặt bức tranh bắt đầu được mở rộng, trải dài, phản ánh nhu cầu và năng lượng dày đặc hơn của dòng kí ức và đối thoại, kết nối tới các nhận thức thực tại. Bề mặt tranh được nối dài, liên miên, bảng màu và sắc độ xuất hiện nhiều hơn những gam tươi sáng mang âm hưởng chuyển động của đời sống hiện tại tạo ra một tinh thần thẩm mỹ xuyên qua các lớp thời gian – một tinh thần đương đại. Điều đó cũng thể hiện sự thay đổi trong nhận thức chung về ý tưởng, và chuyển động trong ý tưởng, từ phản ánh bạo lực sang tiếp nhận chúng, kết nối chúng với các thuộc tính địa-lịch sử sẵn có và dần dần đưa các cảm quan của thực tại vào đó. Ý niệm về ảo ảnh từ đó khởi sinh và thay thế ‘nỗi buồn chiến tranh’ – chuyển hóa hồi ức bạo lực thành cách đối thoại và truy vấn về quá khứ, các hệ giá trị cũ mới vẫn đang song hành, và sự mờ ảo của đời sống nhân sinh.

Nghịch lý và cách biệt của đời sống nội tại

Triển khai bức tranh theo hai lớp của Lê Brothers cũng nói lên nhiều ý tưởng và cảm quan về sự nghịch lý và cách biệt của đời sống nội tại con người và thế giới vật chất bên ngoài. Lớp hình thể với những cảnh quan, đồ vật nếu để biểu đạt đời sống văn minh vật chất trôi nổi quá khứ tới hiện tại với nhiều sắc thái góc cạnh, thì lớp phủ trên với các hoa văn kỉ hà bất tận là tấm màn che phủ nhận thức, mà con người khi tự soi chiếu về bản thân và vị trí của mình trong thực tại và lịch sử luôn cảm thấy mù mờ, để luôn tự bất an và mâu thuẫn. Nhìn vào bức tranh tựa như ta nhìn qua tấm kính của ngăn tủ trưng bày bảo tàng, hay ngồi trong tấm song cửa sổ nhìn ra các chuyển động cuộc sống bên ngoài. Liệu có thể phân biệt được bên trong-ngoài, đâu là thực tại và đâu là mơ hồ.

Ảo ảnh không chỉ nằm ở sự phủ nhận hay che mờ sự vật và hiện tượng, mà còn nằm ở trong chính mâu thuẫn nội tại của nhận thức và trực giác mỗi người, nằm giữa khát vọng của ý thức thực tại và bất lực trước hiện hữu của vô minh.

Vượt qua khỏi khuôn khổ của những thực hành hạn chế theo loại hình như hội họa hay gốm bó buộc bởi các thao tác cơ học trên cơ sở vật chất, ‘Ảo ảnh’ cho thấy một diễn trình về tư duy với những tranh cãi, ẩn ức, truy vấn, phản tư của hai cá nhân phản chiếu qua lại lẫn nhau, và nghệ thuật là kết quả cuối cùng. Tính liên tục của ý tưởng được phát triển theo cách đối chọi tương hỗ của biện luận theo cách thức riêng biệt của cặp song sinh họ Lê, không chỉ dừng lại ở loạt sáng tác này, mà còn đem đến những khả thể chuyển tiếp sang nhiều cách thức thể hiện khác cả ở vật chất và ý niệm, để tạo ra những tổ hợp nhiều tầng lớp hơn về khung cảnh và ánh sáng, bạo lực và thịnh thế, ý niệm lẩn khuất và hình hài mờ nhạt, quá khứ phù hoa và thực tại điêu tàn. Những tìm kiếm và truy vấn này không nhằm để đuổi bắt quá khứ, mà là để chúng khởi sinh trong khung cảnh của nhà hát thực tại (theo Walter Benjamin)[3], để tự tìm kiếm ý nghĩa chung cuộc của lý do cần thiết tồn tại của chúng. Điêu tàn, vẫn hiển thị và di động trong những khung cảnh và ý niệm của chúng ta ở thực tại phù sinh này, và nghệ thuật, vẫn là một phương tiện đa tầng và nhiều sắc thái để soi chiếu các phức cảm của con người đương thế.

Bài: Nguyễn Anh Tuấn

[1] “The work of memory collapses time.” – Walter Benjamin.

[2] Cửu Đỉnh (9 đỉnh) đặt tại sân Thế Miếu trong Hoàng Thành. Chín đỉnh này được đúc từ cuối năm 1835 đến đầu năm 1837 thì hoàn thành. Ngày 4/3/1837 triều đình tổ chức lễ khánh thành rất lớn dưới sự chủ trì trực tiếp của vua Minh Mạng. Cửu Đỉnh biểu thị ước mơ về sự trường tồn mãi mãi của triều đình nhà Nguyễn và sự giàu đẹp của đất nước, được thể hiện rất rõ trong việc đặt tên gọi cũng như tầm vóc và các họa tiết chạm nổi trên mỗi đỉnh (theo UBND Thừa Thiên Huế)

[3] “Memory is not an instrument for surveying the past but its theater.” – Walter Benjamin, trích trong Berlin Childhood around 1990.


 
Back to top