Nghệ thuật

Vũ Tuấn Anh: “AvatarArt cho phép ai cũng có thể đầu tư vào nghệ thuật”

Dec 24, 2021 | By LUXUO

“Ra mắt nền tảng số hóa NFT AvatarArt: Thị trường nghệ thuật sẽ thêm sôi động”, ông Vũ Tuấn Anh (Chủ tịch HĐQT của CHỌN de l’art; thành viên sáng lập AvatarArt) đã nói như thế về việc hợp tác với ByteNext (Singapore) trong việc ra mắt nền tảng số hóa NFT AvatarArt hôm 20/12/2021.

AvatarArt NFT Marketplace ra mắt với mong muốn đem ứng dụng blockchain đến gần với đời sống thực tế hơn. Liên minh này dự kiến trong tương lai không xa, họ sẽ xây dựng các phòng triển lãm tranh trong thế giới ảo. Ông Vũ Tuấn Anh có cuộc trò chuyện với chúng tôi:

Trong một phát biểu, ông nói rằng “điểm khác biệt của nền tảng AvatarArt là cho phép nhiều cá nhân cùng tham gia sở hữu, giao dịch một tác phẩm nghệ thuật dựa vào tính năng phân mảnh NFT”. Ông có thể nói rõ hơn về tính năng phân mảnh này không?

– Vũ Tuấn Anh: Trước đây việc sở hữu 1 bức tranh của Lê Phổ (ví dụ) là giấc mơ của rất nhiều người, vì khả năng tài chính không cho phép. Hoặc việc sở hữu 1 bài hát cơ bản là thuộc về tác giả. Nhưng AvatarArt cho phép 1 người với khả năng tài chính hạn chế đầu tư vào 1 phần của tác phẩm (sau khi đã định giá, bảo hiểm và chia nhỏ quyền sở hữu bằng công nghệ NFT). Người sở hữu tác phẩm muốn niêm yết trên AvatarArt có thể lựa chọn việc bán toàn bộ hoặc một phần tác phẩm.

Với người trong giới như ông, thì NFT đã khá thân thuộc rồi, nhưng với nhiều độc giả thì còn hơi mới mẻ. Xin ông cho biết việc sở hữu tác phẩm NFT là sở hữu bằng cách nào? Khi muốn triển lãm, giao dịch, mua bán tác phẩm NFT thì phải làm sao?

– Vũ Tuấn Anh: Người đầu tư NFT là đầu tư vào quyền sở hữu tác phẩm. Vì NFT là đại diện cho quyền sở hữu tác phẩm (sở hữu một phần, hoặc toàn bộ). Ngay sau khi đưa tác phẩm niêm yết trên AvatarArt thì tác phẩm đó sẽ được chuyển đến trung tâm lưu trữ (được bảo quản, an ninh và bảo hiểm). Người đầu tư có thể giao dịch ngay sau ngày 20/12/2021, khi nền tảng ra mắt. Hệ thống sẽ khớp lệnh liên tục để phục vụ nhu cầu mua và bán của mọi nhà đầu tư.

Ông là Chủ tịch HĐQT của CHỌN de l’art, giờ là thành viên sáng lập AvatarArt. Theo ông, điểm giống nhau và khác nhau của việc bán 1 bức tranh định dạng vật lý và 1 định dạng NFT của bức tranh đó là gì?

– Vũ Tuấn Anh: Nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn về nguồn gốc, các tác phẩm sẽ được xây dựng hồ sơ và công nghệ NFT cho phép truy xuất rất tiện ích.

Khoảng cách về không gian và thời gian là một ưu điểm của NFT, vì hệ thống cho phép giao dịch liên tục, thay vì giao dịch định kỳ như đấu giá truyền thống. Nhà đầu tư toàn cầu có thể cài đặt app, tìm hiểu thông tin trên hệ thống, xem tác phẩm trên nền tảng qua công nghệ thực tế ảo và biết được tất cả các thông tin liên quan đến tác phẩm cũng như tình hình giao dịch của tác phẩm đó.

Điểm đặc biệt là AvatarArt cho phép mọi người có thể đầu tư vào nghệ thuật, dù họ có thích hoặc hiểu nghệ thuật hay không. Đơn giản là với một số tiền trong khả năng họ sẽ nghiên cứu để đầu tư vào một loại hàng hóa có khả năng tăng trưởng về giá trong tương lai.

Chính vì yếu tố nhiều người cùng sở hữu và giao dịch nên chắc chắn giá tác phẩm nghệ thuật sẽ được đẩy lên nhanh chóng và thị trường nghệ thuật sẽ thêm sôi động.

NFT là một kênh mới của thị trường nghệ thuật và tài chính, đây là điều đã khá rõ ràng rồi. Nhưng nếu xét ở khía cạnh nghệ thuật và văn hóa, ông nghĩ NFT sẽ ích lợi hoặc bổ khuyết những điều gì cho nghệ thuật Việt Nam?

– Vũ Tuấn Anh: Như những gì đã nói ở trên, thị trường nghệ thuật sẽ sang một bước chuyển biến rõ rệt. Giá các tác sẽ được nâng cao. Ở khía cạnh nghệ thuật và văn hóa, tôi luôn tin rằng cần một thị trường hoàn chỉnh để thúc đẩy. Mà để có thị trường thì phải có giao dịch trên diện rộng. Hy vọng AvatarArt có thể góp phần vào ước mong lớn lao đó của những người yêu mến nghệ thuật.

Chúng tôi cũng hy vọng các định chế pháp lý của nhà nước sẽ sớm cởi mở và khơi thông để một nền công nghiệp fintech art phát triển. Vì hiện nay, để phù hợp về mặt pháp lý, chúng tôi vẫn phải mở công ty bên Singapore.

Việc hợp tác được khởi động với số đầu tư ban đầu là 4 triệu USD. Số tiền này sẽ đi vào các hạng mục nào?

– Vũ Tuấn Anh: Các hạng mục mà chúng tôi ưu tiên là xây dựng kế hoạch (chiến lược, tầm nhìn và các kế hoạch triển khai chi tiết), module hóa kế hoạch thành project hoàn chỉnh. Xây dựng nền tảng giao dịch (platform, web, app…). Tạo ra token để giao dịch trên nền tảng. Các chi phí pháp lý.Văn phòng (Singapore, Việt Nam và dự kiến các văn phòng đại diện tại nước ngoài khác…). Chi phí nhân sự. Truyền thông, marketing, sales. Các chi phí làm việc và thúc đẩy đối tác ra các hệ sinh thái như Trung tâm lưu trữ tác phẩm, định giá tác phẩm trước khi đưa lên AvatarArt, bảo hiểm tác phẩm… Chi phí xây dựng và module hóa các quy trình lưu ký, bảo hiểm, định giá, thanh toán, giao dịch… Quỹ dự phòng.

Hiền Hòa (thực hiện)


 
Back to top