BUSINESS OF LUXURY

The Art of Gifting: Trao tặng – Nét văn hóa rất riêng của người Việt

Jan 02, 2024 | By LUXUO

Từ bao đời nay, trao tặng đã trở thành một nét đẹp văn hóa gắn liền với bản sắc của người Việt. Những món quà, bất kể giá trị, đều mang đến những ý nghĩa cao đẹp mà người tặng gửi gắm, thay cho lời cảm ơn, lời chúc, lời dặn dò, hay đơn giản chỉ là thể hiện tình thương quý. Quà tặng, từ đó mà gói ghém cả tấm chân tình quý giá của cả người trao và người được trao. 

The Art Of Gifting là chủ đề nội dung tháng Một, được hợp tác thực hiện giữa Diageo và LUXUO Vietnam. Mời bạn theo dõi chuỗi bài viết của chúng tôi từ hôm nay nhé.

Đối với người Việt vốn chịu ảnh hưởng bởi truyền thống Nho giáo với lối ứng xử khiêm nhường và coi trọng trên – dưới, việc trao tặng đã trở thành tập quán văn hóa, đạo lý ứng xử chung, được đúc kết qua câu nói “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” đến nay vẫn có nhiều ý nghĩa. Trong văn hóa của người Việt xưa, trao – tặng thường được ghi nhận là nghi thức giao tế của những người thuộc tầng lớp trung và thượng lưu. Quà tặng trong thời kỳ này thường là các bảo vật hay món ăn quý hiếm mà người tặng phải “lên rừng xuống biển” mới có thể có được. Ngày nay, việc tặng quà vẫn là một phần trong văn hóa hiện đại, và được mở rộng ra tất cả các tầng lớp xã hội. Với sự phát triển của thương mại điện tử và mạng xã hội, những hoạt động trao tặng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Người ta có thể mua và gửi quà tặng từ xa thông qua các trang web mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng. Các trang mạng xã hội cũng tạo ra một sự kết nối mạnh mẽ và nhanh chóng, cho phép người dùng chia sẻ và gửi “quà tặng công nghệ mới” thông qua những bức ảnh, tin nhắn và video.

Dù ở thời đại nào, việc trao tặng cũng không nằm ngoài hai mục đích chính: để giới thiệu về người tặng và đưa ra thông điệp tới người nhận. Tuy nhiên, trong khi việc tặng quà mang lại niềm vui và sự hài lòng cho người nhận, nó cũng đòi hỏi tinh tế nhất định. Việc tặng quà đều cần đến sự thấu hiểu lẫn nhau, để người trao trao đúng món quà, cho đúng người, và vào đúng thời điểm. Các mối quan hệ và sự gắn kết giữa con người với nhau, nhờ đó cũng trở nên thăng hoa. Đạt những điều này, trao tặng sẽ được nâng lên thành một nghệ thuật đòi hỏi không ít kiến thức, sự chân thành và cả kinh nghiệm sống. 

Tặng quà đòi hỏi người tặng phải chọn lựa kỹ lưỡng để gửi trao cho phù hợp, đúng người, đúng tâm lý và sở thích. Người tặng cũng cần tìm hiểu xem đối tượng có mối thâm giao như thế nào, nhu cầu, sở thích gì để tặng đúng ý. Hiểu đúng, tặng đúng thì dù quà lớn hay nhỏ, người tặng cũng sẽ tạo được thiện cảm đối với người nhận. Một món quà đẹp là một món quà khéo léo tôn lên gu thưởng thức hay lối sống của cả người trao lẫn người nhận, đồng thời bày tỏ được tình cảm và ý nghĩa sâu sắc. Để làm được điều này, thật phức tạp lắm thay. 

Trong thời hiện đại, xu hướng và phong cách trao tặng mà người Việt chọn lựa chính là những món quà được chế tác tinh xảo, có giá trị nghệ thuật, bền vững trường tồn vừa thể hiện tính nghệ thuật vừa phát huy giá trị văn hoá, bản sắc dân tộc đặc trưng, không lẫn với bất kỳ một món quà nào khác. Chỉ khi đó, món quà mới thực sự đạt đến cái gọi là tinh hoa trong nghệ thuật tặng quà.

Cuối cùng, dù món quà hay cách thức trao quà được đầu tư như thế nào thì cũng không thể tách rời khỏi tấm lòng của người trao. Có một điều chúng ta cần luôn luôn ghi nhớ là mọi sự xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim. Vậy nên, chỉ qua một món quà nhỏ mà ta có thể thấy ở trong đó một kho tàng những giá trị văn hóa sâu sắc và rất nhân văn của người Việt Nam.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật, Ngô Kim Khôi

Từ ngàn xưa, đất nước Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng đã có truyền thống trao tặng, để tỏ lòng trân trọng, tôn kính, hoặc bày tỏ tình yêu mến.

Tặng quà là một phong tục rất phổ biến trong văn hóa Việt Nam. Chúng ta dễ dàng thấy những món quà được trao nhau từ những dịp lễ lớn như Tết, Noel, trung thu, lễ tình nhân, sinh nhật hay trong đời sống sinh hoạt xã hội như quà mừng tân gia, quà mừng cưới, thôi nôi. Nổi bật nhất là Ông Bà chúng ta đã truyền lại cho con cháu của mình phong tục trao tặng lì xì trong dịp Tết, như một lời chúc may mắn cho năm mới sắp đến.

Tuy nhiên, việc trao tặng một món quà nào đó không chỉ để thể hiện tình cảm, lòng tri ân, mà còn trở thành chất xúc tác tuyệt vời nhằm gắn kết, giữ gìn các mối quan hệ giữa các cá nhân hay tổ chức thêm bền chặt và tốt đẹp. Nó còn mang ý nghĩa cao hơn khi được coi là biểu hiện của văn hoá ứng xử của người Việt Nam.

Vì quà tặng đã trở thành một nét đẹp văn hoá không thể tách rời trong đời sống xã hội nên cần tìm hiểu mỗi dịp tặng quà để có thể chuẩn bị chu đáo và ý nghĩa. Vật phẩm trao tặng tùy theo từng trường hợp, nhưng điều cần thiết là phải chỉn chu từ hình thức và tinh tế trong cung cách, để người nhận quà trân quý và lưu giữ cẩn thận.

Nói gì đi nữa, tôi luôn nhớ Nụ cười chính là món quà tặng quý giá nhất mà thượng đế ban tặng cho chúng ta!

Giám đốc Sáng tạo, Nhiếp ảnh gia, Dzũng Yoko

Đối với tôi cũng như nhiều người Việt nói riêng và người châu Á nói chung, sự trao tặng đóng vai trò quan trọng, mang rất nhiều ý nghĩa vì không chỉ thể hiện sự quý mến, tôn trọng, cảm kích, công nhận lẫn nhau, mà còn thể hiện sự tinh tế của người trao lẫn người được nhận quà. 

Đối với một món quà, ngoài giá trị thực còn phải có giá trị về tinh thần, thẩm mỹ, khi người nhận quà cảm thấy được hiểu và trân trọng. Đôi khi, quà tặng không mang những ý nghĩa đơn thuần mà còn có rất nhiều điều gửi gắm: hy vọng, sở nguyện, tình thân hai bên dành cho nhau. Người châu Á vốn sống khá khép kín, không thể hiện rõ những suy nghĩ của mình, và thông qua việc lựa chọn món quà, cách gói, hay cách thức gửi trao, họ thể hiện những tâm tư của mình với người được nhận quà. Bản thân tôi rất đề cao văn hóa trao tặng quà vì nó làm cho cuộc sống này trở nên vui và có ý nghĩa hơn, bản thân người trao và nhận quà cũng có cảm giác được yêu thương và công nhận nhiều hơn. 

Trao quà, nghĩa là trao đi một sự tinh tế.


 
Back to top