Nghệ thuật

Lấy Khoảng Cách để xóa đi khoảng cách trong cuộc trưng bày mới của Heritage Space

Dec 07, 2021 | By Trang Ps

Heritage Space đang có cuộc trưng bày nghệ thuật với tên gọi “Khoảng cách TRẮNG”, trình diễn công việc của 20 nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế nằm trong Tháng Thực hành Nghệ thuật MAP 2021 – dự án trao đổi và phát triển nghệ thuật được tổ chức hàng năm do Heritage Space khởi xướng và vận hành.

Ảnh màn hình cắt từ tác phẩm trình chiếu video của nghệ sỹ Daniel Kerkhoff đến từ Minnesota, Mỹ. Ông mời nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới đi bộ cùng nhau trong một ngày-giờ, và cùng kết nối qua ZOOM để chia sẻ hình ảnh và âm thanh từ nhiều nơi. Nghệ sĩ sau đó dựng lại thành một video nhiều kênh để chiếu trong triển lãm.

Triển lãm diễn ra từ ngày 28/11/2021 đến 12/12/2021, mở cửa từ 10h00 – 20h00 hàng ngày, tại UNION Hall, tầng 1 khu Tổ hợp Complex 01, 29 ngách 31 ngõ 167 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam, và trưng bày trực tuyến tại the White Distance.

Các nghệ sĩ tham gia làm việc trong MAP 2021 bao gồm: Đặng Hồng Anh (Việt Nam), Daniel Rode (Đức), Heaven Baek (Hàn Quốc), Daniel Kerkhoff (Mỹ), Katja Jug (Thụy Sĩ), Mai Huyền Chi (Việt Nam), Lê Xuân Tiến (Việt Nam), Lem TragNguyen (Đức, Việt Nam), Liz Adams (Pháp), Miho Shimizu (Nhật Bản), Mirimari Väyrynen (Phần Lan), Minja Gu (Hàn Quốc), Quỳnh Đông(Thụy Sĩ, Việt Nam), Fuyuka Shindo (Nhật Bản), Yeo Inyoung (Korea), Quỳnh Lâm (Việt Nam), Ruchika Wason Singh (Ấn Độ), Ryusuke Ito (Nhật Bản), Till Ansgar Baumhauer (Đức) và Shiori Higashiyama (Nhật Bản).

MAP 2021 có chủ đề “Khoảng cách TRẮNG” – một đề xuất nghệ thuật nhằm chiêm nghiệm khoảng cách được tạo ra bởi cơn đại dịch, và tư duy lại những vùng trống sẵn có trong đời sống thực thể và tâm lí của con người.

Dự án được khởi đầu từ tháng 7/2021 bằng một chuỗi thảo luận trực tuyến hàng tuần với sự tham gia của các nghệ sĩ từng tham gia dự án từ năm 2016 – 2020, kéo dài tới giữa tháng 9. Đầu tháng 10, MAP được chính thức vận hành với sự tham gia của 20 nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam. Thực hành sáng tạo và trao đổi diễn ra trong hơn 8 tuần với 17 dự án độc lập và hợp tác của các nghệ sĩ trên nhiều nền tảng trực tuyến và các phát kiến làm việc đa dạng, với sự hỗ trợ của đội ngũ điều phối và tình nguyện viên tại Hà Nội.

Trần Trọng Vũ: Khi khoảng cách được xóa đi bởi Khoảng Cách

Dẫn lời họa sĩ Trần Trọng Vũ cho triển lãm Khoảng Cách Trắng: “Có lẽ hơn bao giờ hết, những ngày này ở mọi nơi trên thế giới, thuật ngữ Khoảng Cách được ồ ạt nhắc đến trên mọi phương tiện truyền thông đại chúng. Có lẽ hơn bao giờ hết, khoảng cách hôm nay gắn liền với nhiều thuật ngữ vốn dành riêng cho thời chiến. Như Cách Ly, như Phong Tỏa, như Giới Nghiêm, như thể để báo động một giai đoạn mới của lịch sử loài người. Đại dịch Covid 19 đã làm thay đổi phong cảnh thế giới từ hơn một năm nay. Thế giới bây giờ được lấp đầy bởi vô cùng nhiều khoảng trống, là những quán ăn trống, những quán giải khát trống, những nhà hát rạp chiếu phim trống, những trường học trống. Như thể có một cuộc chiến vô hình đang nuốt chửng loài người vào cõi vô lý của nó.

Nếu như khoảng cách vốn được dùng để diễn đạt lại những cuộc xa cách không được người đời ưa thích, ngày nay khoảng cách này giữa người với người trở nên một nguyên tắc bắt buộc trong mọi quốc gia. Những hành vi và thói quen bình thường bỗng dưng phải nhường chỗ cho Khoảng Cách, được quy định một cách cụ thể bằng thước đo, bằng tâm lý, bằng cô đơn, bằng các thuyết âm mưu. Khoảng Cách hôm nay đến từ nỗi sợ để đến lượt nó sáng chế ra nỗi sợ.

Nếu như khoảng cách vốn được loài người ra sức sửa chữa để xóa dần nó đi trong các quan hệ xã hội, khoảng cách lại được nghiên cứu kỹ càng trong nghệ thuật tạo hình, ví dụ luật xa gần. Mối quan hệ giữa đối tượng nghệ thuật và mắt người là phần không thể thiếu trong lịch sử nghệ thuật. Tương tác với không gian là một trong những thực hành cơ bản của nghệ thuật thị giác. Khoảng cách do vậy chính là một phương tiện đặc quyền của cuộc tiếp cận thực tế này, thông qua hình ảnh.

Và nếu như ánh sáng trắng, vốn là kết quả của cuộc pha trộn các ánh sáng đỏ, xanh lơ, và xanh lá cây, khoảng cách tại sao không được mang màu trắng để có thể là tập hợp của những yếu tố muôn màu, của nỗi sợ giấu bên trong hoài nghi, của niềm vui được tồn tại một mình bên trong bi kịch của cô đơn, như tính phức tạp của lòng người, như thực tại của thế giới? Khoảng Cách Trắng, như tờ giấy trắng, trống rỗng vì chẳng có gì nhưng lại chứa đựng tất cả bởi vì “Màu trắng bao trùm muôn vàn tội lỗi” như Jonathan Milne đã nói.

Các nghệ sĩ của Tháng Thực Hành Nghệ Thuật 2021 sẽ diễn đạt lại bằng tác phẩm những suy nghĩ cùng cảm giác của họ về khoảng cách mà đại dịch Covid 19 sáng chế ra. Họ có thể đặt vào khoảng trắng của khoảng cách những chuyện riêng tư, những chuyện của đám đông nay đã vắng người. Họ cũng có thể kể những ước vọng về một thế giới không khoảng cách, hoặc những chuyện hư cấu mà Khoảng Cách Trắng đã gợi ý cho họ, mặc dù bản thân hiện thực của thời Covid đã sánh ngang với mọi thứ gì khó tin nhất, vô lý nhất và không thể nào hiểu được. Khoảng cách thời Covid này sẽ được mang hình, được nhuộm bởi muôn màu, được đặt trong nhiều khung cảnh địa lý cách xa nhau. Cuộc trưng bày các công việc xa nhau này trong cùng một không gian ở Việt Nam sẽ giống như một cách thực hành đầy nghịch lý, là lấy Khoảng Cách để xóa đi khoảng cách.”


 
Back to top